MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu phẩm chất ưu tú này, Michelle Obama đã thuyết phục nhà tuyển dụng trong 1 nốt nhạc, gây ấn tượng chục năm chưa phai: Ứng viên nên biết khi đi phỏng vấn!

25-10-2019 - 14:07 PM | Sống

Trước khi trở thành cố vấn cấp cao cho cựu Tổng thống Barack Obama, Valerie Jarrett từng làm việc cho văn phòng thị trưởng ở thành phố Chicago. Tại đây, bà đã có buổi tuyển dụng "tuyệt vời nhất" trong đời mình.

Mùa hè năm 1991, Valerie Jarrett thấy trên bàn làm việc của mình xuất hiện một tập hồ sơ. Đó là CV của một người phụ nữ 26 tuổi đến từ Chicago, tốt nghiệp ĐH Princeton, là cựu sinh viên trường Luật Harvard và hiện đang làm luật sư năm hai tại một hãng luật tư.

"Trên tập hồ sơ là cái tên Michelle Robinson", Jerrett viết trong cuốn sách "Finding My Voice: My Journey to the West Wing and the Path Forward" của mình. (Khi đó, bà Michelle mới đính hôn với ông Barack Obama nên vẫn giữ nguyên họ thời con gái.)

CV của cô luật sư trẻ khiến Jarrett vô cùng ấn tượng, nhưng buổi phỏng vấn đầy thuyết phục với Michelle mới là thứ làm bà gật đầu ngay lập tức. Nhờ đó, Michelle Obama có cơ hội gia nhập đội ngũ nhân viên của Jarrett và mối quan hệ thân thiết này đã giúp 2 người cùng bước chân vào Nhà Trắng nhiều năm sau đó. 

Theo Jarrett, bất cứ ứng viên nào cũng có thể áp dụng cách của bà Michelle Obama để có một buổi phỏng vấn xin việc thành công.

Sở hữu phẩm chất ưu tú này, Michelle Obama đã thuyết phục nhà tuyển dụng trong 1 nốt nhạc, gây ấn tượng chục năm chưa phai: Ứng viên nên biết khi đi phỏng vấn! - Ảnh 1.

Michelle Obama và Velerie Jarrett trong buổi ra mắt cuốn sách "Becoming" của cựu Đệ nhất Phu nhân. (Ảnh: Paul Morigi | Getty Images)

Sáng tạo, không phụ thuộc vào kinh nghiệm làm việc

Mỗi ngày, Jarrett phải xem rất nhiều CV. Do đó, nếu có hồ sơ đủ nổi bật để khiến bà chú ý, đó là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn, bà không muốn phải nghe thêm về kinh nghiệm làm việc của ứng viên nữa.

"Tôi luôn bảo mọi người: ‘Hãy nói gì đó quan trọng về bạn mà không có trong CV ấy", Jarrett cho biết. Theo bà, ứng viên nên biết rằng nhà tuyển dụng đã đọc CV rồi và không cần biết thêm về kinh nghiệm của họ nữa.

"Buổi phỏng vấn nên được bắt đầu bằng những trải nghiệm cá nhân dễ chịu hơn", Jarrett bổ sung.

Thỉnh thoảng, ứng viên sẽ kể cho Jarrett nghe về một địa điểm thú vị mà họ từng đến, một loại nhạc cụ họ chơi, một ngoại ngữ họ học, hoặc các đam mê khác không liên quan tới công việc.

Theo Jarrett, mục tiêu của bà là khiến mọi người thoải mái trong buổi phỏng vấn, bởi bà không coi đó là một bài kiểm tra. Thay vào đó, trò chuyện về những thứ cá nhân giúp Jarrett hiểu rõ hơn về động lực xin việc của ứng viên.

Sở hữu phẩm chất ưu tú này, Michelle Obama đã thuyết phục nhà tuyển dụng trong 1 nốt nhạc, gây ấn tượng chục năm chưa phai: Ứng viên nên biết khi đi phỏng vấn! - Ảnh 2.

Ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Michelle Obama đã để lại ấn tượng khó phai cho nhà tuyển dụng.

Ban đầu, Jarrett và Michelle chỉ nói chuyện về gia đình và ảnh hưởng của gia đình đối với quyết định ngừng theo đuổi ngành luật của cô luật sư trẻ.

"Khi ấy, Michelle Robinson kể cho tôi nghe về cái chết của cha và bạn thân mình cách đó 1 năm. Đó chính là động lực thôi thúc cô ấy theo đuổi một cuộc sống có mục tiêu hơn", Jarrett giải thích. Bản thân Jarrett cũng từng mất đi người thân nên bà vô cùng thấu hiểu điều này.

Nói về tầm nhìn cho tương lai

Suốt hơn 4 thập kỷ làm việc, Jarrett cho biết bà thường đầu tư và cố vấn cho những người mà mình quan tâm. Bà duy trì mối quan hệ với họ thông qua việc xây dựng lòng tin. Để hiểu rõ hơn về ứng viên, Jarrett thích nghe họ nói về hoài bão mà họ muốn thực hiện sau khi chia tay công việc họ đang ứng tuyển.

"Tôi thường bảo mọi người: ‘Bạn muốn làm gì sau khi rời bỏ công việc này?’", bà nói. "Tôi hỏi câu đó vì muốn đảm bảo rằng họ phù hợp với công việc này và được chuẩn bị sẵn sàng cho con đường kế tiếp".

Không phải ứng viên nào cũng trả lời được câu này, bởi họ chỉ mải tập trung vào công việc trước mặt và chưa từng nghĩ đến kế hoạch tiếp theo trong sự nghiệp. Jarrett coi đây là điều bình thường. Bà chỉ muốn chắc chắn rằng cơ hội này sẽ giúp các ứng viên đạt được mục tiêu tiếp theo của mình.

Sở hữu phẩm chất ưu tú này, Michelle Obama đã thuyết phục nhà tuyển dụng trong 1 nốt nhạc, gây ấn tượng chục năm chưa phai: Ứng viên nên biết khi đi phỏng vấn! - Ảnh 3.

Valerie Jarrett đề cao những người người biết đặt nhiều câu hỏi thiết thực về công việc.

"Tôi thực sự tin rằng một buổi phỏng vấn cũng giống như con đường hai chiều", Jarrett bày tỏ. "Là người tuyển dụng, tôi phải xem xét kỹ lưỡng ứng viên để đảm bảo công việc này sẽ giúp họ trong tương lai".

Đặt câu hỏi thông minh, sâu sắc

Các chuyên gia nghề nghiệp luôn khuyên ứng viên đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn. Những câu hỏi đó không chỉ thể hiện sự hứng thú với công ty mà còn giúp họ tìm hiểu xem liệu công việc có phù hợp với mình không.

Đó chính là điều mà bà Michelle đã làm được vào năm 1991, khiến một buổi phỏng vấn 20 phút kéo dài thành 1 tiếng. Theo Jarrett, cựu Đệ nhất Phu nhân đã hỏi rất kỹ về bộ máy nhân viên, sơ đồ tổ chức, các dự án và công việc. Không chỉ làm nhà tuyển dụng mất cảnh giác, ứng viên còn thể hiện sự nghiêm túc của mình về công việc.

"Michelle hiểu rằng chuyện cô ấy muốn làm việc cho tôi cũng quan trọng không kém chuyện tôi muốn cô ấy làm việc cho mình. Đây là sự chín chắn đến tôi cũng không có được khi bằng tuổi cô ấy", Jarrett viết.

Sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, Jarrett đã ngay lập tức mời Michelle về làm việc, dù khi đó cấp trên của trên của bà chưa đồng ý. Không lâu sau đó, Michelle Robinson chính thức trở thành nhân viên dưới quyền Jarrett tại văn phòng thị trưởng.

Sở hữu phẩm chất ưu tú này, Michelle Obama đã thuyết phục nhà tuyển dụng trong 1 nốt nhạc, gây ấn tượng chục năm chưa phai: Ứng viên nên biết khi đi phỏng vấn! - Ảnh 4.

Giờ đây, Jarrett muốn ứng viên đặt ra những câu hỏi tương tự về kỳ vọng của bà. "Đó là cách để họ biết mình phải đáp ứng được cả yêu cầu công việc lẫn mong muốn từ tôi", bà giải thích.

Jarrett khuyên các ứng viên hãy "hỏi càng nhiều càng tốt". "Tôi thích những người không ngại đặt ra những câu hỏi thẳng thắn và chân thật", bà bổ sung.

Khi ứng viên thừa nhận mình không biết trả lời câu hỏi ra sao, bà cũng trân trọng sự thành thật của họ. "Điều đó đòi hỏi sự can đảm, nên có thể gây ấn tượng tốt cho tôi", Jarrett giải thích. "Tôi muốn tìm những người chính trực, tự giác và hài hước". Nếu ứng viên nói rằng họ cần thêm thời gian để suy nghĩ, có thể họ sẽ đưa ra được câu trả lời khôn ngoan hơn sau đó.

Tuy nhiên, Jarrett cũng cảnh báo, kể cả khi đã được nhận, nhân viên nên liên tục kiểm tra và bồi dưỡng bản thân để đáp ứng yêu cầu nơi công sở. Bà khuyến khích họ nên thường xuyên xin nhận xét từ cấp trên, thay vì chỉ dựa vào bản đánh giá cuối năm.

"Nhận xét bạn nhận được khi trúng tuyển chỉ là một điểm dữ liệu", Jarrett giải thích. "Tôi nghĩ mọi người nên thường xuyên kiểm tra và trau dồi định kỳ. Hãy hỏi cấp trên của bạn: ‘Liệu tôi có đang đi đúng hướng không?’. Ngoài ra, hãy xem mình cần được hỗ trợ gì và lên tiếng kịp thời".

Ngọc Hà

CNBC

Trở lên trên