MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" những cổ phiếu xăng dầu sẽ IPO và lên sàn chứng khoán trong năm 2017

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - những tên tuổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có gì hấp dẫn khi lên sàn chứng khoán?

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Bản Việt dẫn số liệu cho biết, tiêu thụ dầu tại Việt Nam đạt 1,96 thùng/người năm 2015, vào loại thấp nhất Đông Nam Á. Tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 6,8% trong giai đoạn 2016 - 2025, từ 397.500 thùng/ngày lên 719.260 thùng/ngày.

Trong khi đó, Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh (7,5% năm 2015) đã khiến vận chuyển bằng xe tải và tàu tăng và kích thích nhu cầu xăng dầu. Nhu cầu vận chuyển đường bộ của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình 7,5% trong giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất tăng cao cũng kích thích nhu cầu dầu diesel và nhiên liệu.

Chính vì thế, cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu lên sàn năm 2017 này rất được quan tâm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Petrolimex được thành lập năm 1956 và thực hiện IPO năm 2012. Công ty đã được cấp mã chứng khoán PLX và dự kiến sẽ niêm yết trên sàn HSX trong Quý 1/2017. Vốn cổ phần là 12.900 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Petrolimex hiện như sau: Chính phủ nắm 75,9%, JX Nippon Oil & Energy nắm 8%, 12% là cổ phiếu quỹ và tỷ lệ lưu hành tự do là 4,1%.

Petrolimex là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam với thị phần lên đến 50%. Công ty nắm giữ mạng lưới phân phối rộng nhất với 2.352 trạm xăng và 4.000 đại lý. Petrolimex hoạt động trong 4 lĩnh vực: (1) phân phối, kinh doanh xăng và dầu diesel với 86% doanh thu; (2) kinh doanh hóa chất, nhựa đường và khí hóa lỏng; (3) vận chuyển và bảo hiểm xăng dầu; (4) đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan như thiết kế, sản xuất trang thiết bị xăng dầu.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty đạt lần lượt 88.000 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2015, và 2.960 tỷ đồng, tăng 55,7%. Petrolimex nắm giữ lượng tiền mặt lớn, với tỷ lệ đòn bẩy tính đến ngày 30/09/2016 là 0,1 lần. Giá cổ phiếu trên thị trường OTC là 36.000VND.

Tại buổi họp Tổng kết cuối năm, Tập đoàn Xăng dầu cho biết đạt mức lãi hơn 6.200 tỷ đồng, đạt 158% kế hoạch, ROE đạt trên 50%.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)

PV Oil được thành lập tháng 06/2008 trên cơ sở sáp nhập PetroVietnam Trading Corp - Petechim (1994) và PetroVietnam Oil Processing & Distribution company (PDC, 1996). PV Oil dự kiến sẽ thực hiện IPO trong Quý 2/2017 và sau đó lên giao dịch trên sàn UPCoM. Định giá vốn chủ sở hữu tại thời điểm 2015 đạt khoảng 431 triệu USD. Sẽ có 49% cổ phần được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư công chúng và nhân viên.

PV Oil đứng thứ hai trong lĩnh vực bán lẻ và phân phối xăng dầu tại Việt Nam với thị phần 22% và mạng lưới phân phối trên cả nước (500 trạm xăng và 3.000 đại lý). Ba lĩnh vực chính của PV Oil bao gồm (1) chế biến và phân phối xăng dầu (76% doanh thu); (2) Giao dịch quốc tế (20% doanh thu); và (3) cung cấp và xuất khẩu dầu thô và các hoạt động khác (4% doanh thu).

Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 50.900 tỷ đồng, giảm 21,8% so với năm 2014 và 674 tỷ đồng, so với lỗ 900 tỷ đồng năm 2014.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

BSR, một công ty con của PetroVietnam, được thành lập năm 2008 để điều hành và quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ty dự kiến sẽ thực hiện IPO vào cuối năm 2017 và nhiều công ty nước ngoài, trong đó có PTT Public Company Limited, Gazprom Neft và một số công ty khác của Nga và Singapore đã tỏ ra quan tâm đến việc mua cổ phần chiến lược tại BSR. Lượng cổ phần dự kiến chào bán sẽ lên đến 35% và công ty sau đó sẽ cần lên sàn UPCoM. Đến cuối năm 2015, vốn cổ phần của BRS vào khoảng 29.600 tỷ đồng.

Công ty dự kiến sẽ tăng công suất nhà máy lọc đầu từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn. Vốn đầu tư theo ước tính từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam, hiện đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy lọc dầu thô từ mỏ Bạch Hổ để sản xuất sản phẩm cuối cùng là xăng dầu A92, A95, nhiên liệu máy bay, khí hóa lỏng, dầu diesel, dầu nhiên liệu, và propylene/polypropylene.

Năm 2015, công ty đạt KQLN ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 94.400 tỷ đồng, giảm 26,1% so với năm 2014, và 5.700 tỷ đồng, tăng 217,7%. Tổng sản lượng tăng 28,6% so với năm 2014 lên 7,2 triệu tấn. ROE cũng lên đến 20,2%. Kết quả sơ bộ gần đây cho thấy doanh thu 2016 đạt 72.500 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2015 vì sản lượng giảm 5,5% xuống 6,8 triệu tấn. Sang năm 2017, BSR đề ra mục tiêu doanh thu giảm 14% do bảo trì nhà máy lọc dầu trong hai tháng.

Hà Phương

VCSC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên