MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi sức khoẻ của các doanh nghiệp Bộ Công Thương sắp thoái vốn

11-09-2017 - 12:32 PM | Doanh nghiệp

Trong 6 doanh nghiệp Bộ Công Thương thoái vốn, chỉ có 3 doanh nghiệp thực hiện trả cổ tức bằng tiền năm 2016. Giá trị cổ tức nhận về năm 2017 có thể còn thấp hơn năm trước đó.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.

Theo danh sách này, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thoái vốn tại 6 DN, bao gồm Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrolimex), Tổng CTCP xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Danh sách này còn chưa tính đến thoái vốn tại Tổng công ty - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) và Tổng công ty - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN).

Thu hàng ngàn tỷ đồng từ cổ tức và thoái vốn

Mỗi năm các công ty trong danh sách thoái vốn mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức cho Bộ Công Thương. Trong đó, Petrolimex, Vinaincon và Vinatex có phương án trả cổ tức năm 2016 bằng tiền, tỷ lệ lần lượt 32,24%, 5% và 5%. Như vậy tổng số tiền cổ tức mà Bộ Công Thương nhận được khoảng 3.435,5 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp như VEAM, MIE và VNSteel không có kế hoạch chi trả cổ tức.

Sang năm 2017, VEAM có dự kiến trả cổ tức 16% cho cổ đông. Tuy nhiên, do lợi nhuận được chia theo kết quả hoạt động của các công ty có vốn đầu tư của VEAM từ ngày 24/1 đến ngày 31/12 khi chuyển về VEAM vào năm 2018 sẽ hạch toán doanh thu tài chính niên độ 2018 nên kế hoạch chia cổ tức 2017 là 16% thực tế chỉ đạt được trên cơ sở đảm bảo điều kiện tổng cổ tức 2 năm 2017 và 2018 là 28%.

Giả sử điều kiện này thành công, Bộ Công Thương sẽ nhận 1.881,5 tỷ đồng cổ tức từ VEAM năm 2017.

Với Petrolimex, cổ tức tối thiểu 12% năm 2017 tương ứng số tiền 1.220,4 tỷ đồng, Vinatex cổ tức 6% tương ứng 160,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền cổ tức Bộ Công Thương có thể nhận trong năm 2017 của các doanh nghiệp sắp thoái vốn là 3.266 tỷ đồng.

Về giá trị bán vốn, Petrolimex (PLX) bán cho nhà đầu tư chiến lược trước khi niêm yết với giá trung bình 39.017 đồng/cp. Nếu coi đây là mức giá tham chiếu, Bộ Công Thương sẽ thu 12.571 tỷ đồng khi bán 24,9% vốn điều lệ.

Tuy nhiên thị giá hiện tại của cổ phiếu PLX giao dịch trên HOSE vào khoảng 67.000 đồng/cp. Nếu bán giá này, số tiền ước tính Bộ Công Thương thu về vào khoảng 21.586 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vinatex cũng từng chào bán cho cổ đông chiến lược là VID Group với giá bình quân chưa đầy 11.000 đồng/cp. Nếu bán vốn với mức giá này, Bộ Công Thương có thể thu về 2.969 tỷ đồng.

Ngoài ra, kế hoạch bán vốn tại Sabeco đã rập rình từ nhiều năm nay. Vừa qua Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dẫn văn bản của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nói Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần. Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này theo HSC ước tính khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

Còn tại Habeco, kế hoạch bán vốn vẫn chưa ngã ngũkhi còn có các vướng mắc liên quan tới thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg. Bộ Công Thương phải báo cáo kết quả đàm phán, xử lý vướng mắc cho Thủ tướng trước này 15/11. Có nghĩa là Chính phủ vẫn chưa quyết định mức cổ phần sẽ được chuyển nhượng và thời gian thực hiện.

Trong khi đó, Carlsberg mong muốn mua ít nhất 51% cổ phần của BHN nhưng điều này rõ ràng là không thể do giới hạn room cho NĐTNN chỉ còn khoảng 31,7% vốn.

Nhóm doanh nghiệp giàu tiềm năng

Trong nhóm 6 Tổng công ty Bộ Công Thương sắp thoái vốn, VEAM và Petrolimex là hai doanh nghiệp lớn nhất.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất máy móc và động cơ nông nghiệp, xe ô tô (xe tải nhỏ dưới thương hiệu VEAM Motor) và các bộ phận máy móc. VEAM nắm giữ 20% cổ phần trong liên doanh với Toyota Motor Vietnam và 30% tại Honda Việt Nam, sở hữu 25% vốn của Ford Motor Việt Nam (thông qua công ty con 100% vốn sở hữu là DISOCO).

Theo báo cáo kiểm toán gần nhất của VEAM năm 2015, doanh thu hợp nhất công ty đạt 5.899 tỷ đồng, LNST đạt 4.370 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 31% năm trước.

Đơn vị: tỷ đồng

Số liệu từ bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), doanh thu công ty mẹ của VEAM đạt 2.390 tỷ đồng vào năm 2016, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 14% vào năm 2016, tăng 3% năm trước, phần lớn là từ doanh số bán động cơ và máy móc thiết bị nông nghiệp (SVEAM). Lợi nhuận ròng sau thuế 2016 của công ty mẹ đạt 3.819 tỷ đồng, tăng 13%.

Trên sàn OTC, cổ phiếu của VEAM giao dịch với giá đâu đó khoảng 20.000 đồng/cp.

Một doanh nghiệp khác nhiều triển vọng là Petrolimex, được thành lập từ năm 1956, tiền thân là Tổng Công ty Xăng dầu mỡ thuộc Bộ Thương nghiệp. Petrolimex hiện chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu cả nước, mạng lưới phân phối rộng khắp với 5.200 cơ sở kinh doanh xăng dầu, chiếm 37% toàn quốc; trong đó có 2.400 cửa hàng bán lẻ.

Bên cạnh kinh doanh xăng dầu, Petrolimex còn đứng đầu các lĩnh vực khác như kinh doanh hóa dầu, nhựa đường, hóa chất; kinh doanh khí hóa lỏng; kinh doanh vận tải và kinh doanh khác.

Đơn vị: tỷ đồng

Năm 2016, Petrolimex có tổng tài sản đạt 54.238 tỷ đồng với doanh thu 123.098 tỷ đồng (5,35 tỷ USD); lợi nhuận ròng 5.166 tỷ đồng (225 triệu USD).

Cũng trong năm 2016, Petrolimex đã hoàn tất bán 8% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil &Energy Việt Nam với giá 39.017 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 4.000 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, PLX đạt doanh thu 74.270 tỷ đồng (tăng 26%) tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2.015 tỷ đồng, giảm 11%. Với kết quả này, Petrolimex đã hoàn thành được 52% kế hoạch doanh thu năm và gần 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Kể từ khi niêm yết HOSE vào tháng 4 đến nay, cổ phiếu PLX đã tăng từ vùng giá 46.600 đồng/cp lên đỉnh 68.400 đồng/cp, tức tăng 47%. Chốt phiên ngày 30/8, cổ phiếu PLX có giá 67.000 đồng/cp.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, Sabeco và Habeco cũng là những cái tên "sáng giá" trong danh sách thoái vốn của Bộ Công Thương, nhất là Sabeco.Theo báo cáo từ AC Nielsen, Sabeco chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam với khoảng 40% năm 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Sabeco đạt doanh thu thuần 15.642 tỷ đồng, LNST 2.567 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 8% so với cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn 2015 - 2016, Sabeco duy trì mức chia cổ tức 30% bằng tiền. Năm 2017, tỷ lệ này dự kiến là 35%.

Trong khi đó, Habeco có lợi nhuận 6 tháng giảm 2% so với cùng kỳ, chỉ đạt 313 tỷ đồng dù doanh thu thuần vẫn tăng 5%, đạt 4.226 tỷ đồng.

Bộ mặt doanh nghiệp không hẳn đẹp

Vinaincon được thành lập năm 1988, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành điện, xây dựng hệ thống lưới điện cao áp đến 500 kV, thi công silo, ống khói, nhà cao tầng bằng phương pháp cống pha trượt; lắp đặt các hệ thống thiết bị, hệ thống ống, hệ thống điện....

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Vinaincon đạt doanh thu 160 tỷ đồng, LNST 7 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 7% thì LNST giảm 5%.

Đơn vị: tỷ đồng

Giai đoạn 2013 - 2014, Vinaincon lỗ liên tiếp mặc dù doanh thu tăng. Tới năm 2015, công ty thoát lỗ, lợi nhuận ghi nhận 30,5 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng công ty tiếp tục lãi và đã bù được lỗ lũy kế trong những năm trước. Tuy nhiên, lãi 2016 giảm 33% so với năm trước.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, Vinaincon lại đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 112,7 tỷ đồng.

Chung kịch bản, VnSteel cũng có hai năm 2013 – 2014 thua lỗ, lần lượt 222 tỷ đồng và 79 tỷ đồng. Tới năm 2015 - 2016, công ty có lãi trở lại. Trong 6 tháng đầu năm, VnSteel lãi 247 tỷ đồng, giảm 48% cùng kỳ năm trước.

Đơn vị: tỷ đồng

Vinatex đăng ký công ty đại chúng năm 2015, hiện đang giao dịch trên UPCoM. Phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu có giá 11.500 đồng/cp.

Trong năm 2015 - 2016, kết quả kinh doanh của Vinatex không có nhiều biến động đáng kể, doanh thu tăng nhẹ trong khi LNST tăng 32,4 tỷ đồng, đạt 579,3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinatex đạt doanh thu 8.292 tỷ đồng, LNST 303 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tương đương cùng kỳ năm trước.

Đơn vị: tỷ đồng

MIE là doanh nghiệp có ít nguồn tài liệu về kết quả kinh doanh. Theo báo cáo, từ ngày 20/1 đến ngày 30/6/2017, MIE đạt doanh thu 490 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế khiêm tốn ở mức 0,93 tỷ đồng.

Trong năm 2013 - 2014, MIE có bước nhảy vọt về lợi nhuận, tăng từ 40 tỷ đồng lên 83 tỷ đồng, tức gấp đôi. Giai đoạn 2017 - 2019, MIE đặt ra kế hoạch khá khiêm tốn mức lợi nhuận khá thấp.


Đơn vị: tỷ đồng

Đơn vị: tỷ đồng

Theo Khổng Chiêm

NDH

Trở lên trên