MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống cô độc, đến chết vẫn cô đơn: Góc tối buồn thương cho số phận nhiều người già Nhật Bản

22-11-2017 - 20:17 PM | Doanh nghiệp

Cuộc sống cô độc là một điều đáng sợ; không người thân, bạn bè hay một ai đó để nương tựa những lúc ốm đau, bệnh tật. Nhưng những cái chết trong cô độc cũng đáng sợ và thê lương không kém; một chặng đường đời không còn ai rồi nhắm mắt xuôi tay giữa lặng thinh u tối.

Cả không gian tràn đầy rác thải, một chiếc bồn tắm 2 tháng không cọ rửa, cáu bẩn và bốc mùi, không khí vẫn còn phảng phất mùi thi thể, một cảm giác buồn bã và ảm đạm... Đó là cách người ta miêu tả những căn phòng có người tử vong và không được dọn dẹp suốt nhiều ngày trời. Đây chính là một vấn đề của Nhật Bản khi ngày càng có nhiều người già sống cô đơn, lủi thủi một mình trong nhà rồi qua đời không ai hay.

Trong tiếng Nhật, những cái chết trong cô độc được gọi bằng cái tên "kodokushi". Theo báo cáo của Bộ sức khỏe, lao động và xã hội , có 3,700 kudokushi được phát hiện tại Nhật Bản vào năm 2013. Tuy nhiên, con số thực tế mỗi năm lên tới 30,000 người.

Trong triển lãm tang lễ tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng trước, có một nơi đặc biệt thu hút sự chú ý của khách tham quan khi đã tái hiện lại mô hình những căn phòng người chết trong cô độc. Đây là tác phẩm của một công ty chuyên làm công việc thu dọn các căn phòng này sạch sẽ trước khi có thể chuyển giao cho môi giới.

Khách tham quan đã vô cùng thích thú với những khung hình này, điều mà người ta nghĩ chỉ có thể thấy trong các bộ phim trinh thám hay kinh dị. Những bức ảnh về 3 mô hình căn nhà đã được chia sẻ hơn 14,000 lần trên Twitter.

Miu Kojima (25 tuổi) làm công việc thu dọn các căn phòng có người qua đời đã được 3 năm. Anh cũng chính là người đã làm những mô hình này. Miu chia sẻ: "Chúng tôi phải dọn dẹp khoảng 300 địa điểm như vậy mỗi năm, thường là căn phòng nơi có người chết trong cô độc hoặc những căn phòng bừa bộn lâu ngày không có người ở. Công việc chính sẽ là dọn dẹp rác thải, thu xếp lại giấy tờ, bàn giao cho người nhà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phải cọ rửa các căn phòng có người chết lâu ngày mà không ai biết".

Mỗi căn phòng là một trải nghiệm thực tế mà chị Miu cùng các đồng sự đã trải qua. Đập vào mắt người xem là mô hình một buồng tắm với nước màu đỏ, đổ tràn ra ngoài sàn.

"Đó là câu chuyện về một người qua đời ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Người này qua đời trong khi đang tắm và phải 2 tháng sau, thi thể mới được phát hiện. Chính vì vậy, khi được phát hiện, mọi thứ trông đã vô cùng đáng sợ như vậy rồi: nước chuyển qua màu đỏ thẫm. Gia đình của những người qua đời không ở gần, và họ cũng không làm công việc này được nên chúng tôi được thuê".

Trong một mô hình khác, người xem có thể thấy cảnh tượng rác thải và đồ đạc chất cao như núi. Họ thường là những người sống cô độc, không vợ con hay bạn bè. Đó có thể là những otaku, hikikomori hoặc đơn giản là người sống một mình, không màng gì đến căn phòng. Và khi họ qua đời, căn phòng của họ vẫn ngập trong đống rác.

Cuối cùng, khách tham quan có thể thấy một mô hình phòng khách; tấm thảm chuyển qua màu đen và bữa ăn dở trên bàn.

"Một người đàn ông trung niên qua đời trong cô độc khác. Ông qua đời và được phát hiện sau 3, 4 tháng. Những vết bẩn màu đen trên thảm và đệm chính là một phần cơ thể ông ấy".

Ông chủ của một công ty vận chuyển tại Osaka, Taichi Yoshida cho biết 20% doanh thu của công ty ông đến từ công việc dọn dẹp nhà cho những người chết trong cô độc.

"Đại đa số những người chết cô đơn như vậy sống khá là bừa bộn", ông Yoshida chia sẻ. "Đó là những người khi mang gì ra ngoài thì cũng không mang trả lại.

Koremura là một chàng trai 32 tuổi. Tuy nhiên, vẻ ngoài của cậu trông trẻ hơn rất nhiều. Ngồi trong chiếc xe ô tô tải đến nhà một người đàn ông tên Haruki Watanabe, cậu nói rất nhiều về công việc của mình. Công ty của Koremura là một trong 10, anh nhẩm tính, công ty làm việc dọn sạch những căn phòng của người chết trong cô độc. Mỗi tháng, anh phải tiếp nhận khoảng 60 yêu cầu. Trong những tháng hè, khối lượng công việc còn nhiều hơn khi có nhiều hôm, họ xử lý 10 ngôi nhà mỗi ngày.

"Các cơ thể phân hủy nhanh hơn vì nóng, chính vì vậy công việc lại càng phải đẩy nhanh hơn", Koremura chia sẻ.

Khi đến nơi, những công nhân của Haruki Watanabe đã đợi tại đó. Họ nói với nhau thật khẽ khàng để không ảnh hưởng hàng xóm.

"Trong thang điểm từ 1 đến 10, vụ này xếp hạng 3, không quá nhiều mùi và cơ thể cũng không bị phân hủy quá nhiều", một nhân viên mặc trang phục trắng, khẩu trang, mũ nón kín mít cho biết.

"Người đàn ông trong nhà này qua đời vì đau tim. Tôi có thể ngửi là biết. Nhờ mùi trong mỗi căn phòng, tôi có thể biết chính xác nguyên nhân mà họ qua đời", Koremura cho biết. Cũng như bao người khác, ông Watanabe qua đời theo cách "thanh thản nhất".

"Nhiều người chết vì đói vì họ không có đủ tiền. Số khác chết vì giá rét trong mùa đông vì họ không thể trả nổi chi phí sưởi và cũng không muốn nhờ người khác giúp đỡ", Koremura vừa nói vừa theo các nhân viên của mình vào trong phòng. Họ cẩn thận xịt khử mùi, sắp xếp lại các món đồ đạc và di chuyển cơ thể người chết ra ngoài. Nhiều loại hóa chất cũng được sử dụng để tẩy sạch các vết bẩn, loại bỏ không khí ngột ngạt vất vưởng trong phòng.

Dần dần, căn phòng trở nên trống trải hoàn toàn. Những nhân viên tỉ mỉ, cặm cụi dọn dẹp từng góc một để trả lại trạng thái sạch sẽ nhất cho nó. Họ làm việc mà không cảm thấy sợ hãi, do dự hay đánh giá gì cả.

"Ban đầu, nó là một công việc khó khăn", Koremura nói khi ra ngoài. Khi nhìn thấy người chết, nhiều người đã sợ hãi và nôn thốc nôn tháo. Anh phải cạo đầu vì dầu gội đầu cũng không làm biến đi thứ mùi tử khí vẩn vương trên đầu tóc. Đã có nhiều lần, Koremura muốn dừng công việc vì chúng quá ám ảnh nhưng dần dần, mọi thứ trở nên quen thuộc hơn. Làm công việc này, anh hiểu nhiều về con người, về ý nghĩa của sự sống và cái chết.

Mỗi năm, có hàng nghìn kodokushi xảy ra tại Nhật Bản. Họ thường là những người già, không có bạn bè hay họ hàng, chẳng có nhiều tiền hay thứ gì đáng giá. Có nhiều trường hợp, không chỉ những người già mà người trẻ cũng chết trong cô độc. Cảnh sát Nhật Bản từng phát hiện 3 người chết trong một căn hộ tại khu Saitama, phía bắc Tokyo: một cặp đôi lớn và con trai họ, chết do đói. Không có tí thức ăn nào trong phòng, chỉ có vài chai nước lọc, một con mèo chết và một đồng xu 1 yen lăn lóc trên sàn. Các vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Sapporo, Kushiro, Osaka, Tokyo và Yokohama. Thi thể thường bị phân hủy và ở trong nhà vài tháng trước khi được phát hiện.

Cơ cấu dân số Nhật Bản đang thuộc nhóm già nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản là 80 còn ở nữ giới là 86. Ước tính chỉ khoảng 20 năm nữa, cứ 3 người dân Nhật Bản sẽ có một người trên 65 tuổi.

Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản được tiến hành vào năm 2010, khoảng 1/4 nam giới và 10% phụ nữ tại Nhật Bản tuổi ngoài 60 không có hàng xóm, bạn bè hay người thân để trông cậy những lúc khó khăn. Mỗi năm, có khoảng 30,000 người cao tuổi bị bắt vì ăn trộm trong các siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Nhiều người làm vậy vì họ quá buồn chán, chứ không hẳn vì vấn đề kinh tế.

Tuy nhiên, không chỉ những người cao tuổi là nạn nhân của kodokushi. Trong một căn hộ tại Tokyo, Nhật Bản, người ta từng phát hiện một bé trai tật nguyền 4 tuổi thiệt mạng sau khi người mẹ 45 tuổi qua đời. Sau đó không lâu, tờ Mainichi Daily từng đưa tin về vụ việc 2 người phụ nữ thiệt mạng trong nhà, được cho là một mẹ con với bà mẹ 95 tuổi bị thần kinh và người con gái cũng đã 63 tuổi.

Hồi tháng 8/2012, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ người con gái 81 tuổi và cháu của ông Kato sau khi hai người này không thông báo về cái chết của cụ ông nhằm nhận tiền hưu trí hàng tháng. Họ cho biết ông Kato đã qua đời tại nhà vào những năm 1970 nhưng không bao giờ câu chuyện được tiết lộ. Gia đình Kato đã giữ bí mật chuyện này suốt nhiều năm. Họ nói rằng ông Kato phải nằm liệt giường hay thỉnh thoảng kể một phiên bản khác rằng cha họ đi tu và phải sống tách biệt với mọi người.

Mặc dù số liệu về những người chết vì cô đơn tại Nhật Bản vẫn không rõ ràng và chính xác, thông thường đó là những nam giới bị ép phải nghỉ hưu sớm hoặc tái cơ cấu nhân sự khi kinh tế suy giảm.

Theo SKYE; DESIGN: LINK PHƯƠNG

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên