MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sống còn" phụ thuộc vào cơ cấu nợ vay ngân hàng, Hùng Vương (HVG) vẫn chưa được Vietcombank cho giãn nợ

10-01-2019 - 08:19 AM | Doanh nghiệp

Khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương (HVG) phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Sau 1 năm kinh doanh chật vật, Thủy sản Hùng Vương (HVG) của đại gia Dương Ngọc Minh vừa tổng kết và công bố BCTC niên độ 2017-2018 với một số điểm sáng. Tuy nhiên, ghi nhận thì hiện HVG vẫn đang trong quá trình xin sự phê duyệt của ngân hàng cho việc gia hạn thời hạn thanh toán các khoản vay, đây là vấn đề đã được cổ đông mổ xẻ khá nhiều tại ĐHĐCĐ thường niên 2017-2018, là yếu tố quyết định sự thành bại tính đến hiện tại của doanh nghiệp này.

BCTC hợp nhất được lập trên giả định có thể thanh toán các khoản nợ vay

Được biết, BCTC hợp nhất được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục, với giả định rằng Tập đoàn sẽ có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường ở tương lai gần.

Tại ngày 30/9/2018, lỗ lũy kế của HVG ghi nhận hơn 423 tỷ đồng, đồng thời HVG vẫn đang nợ các khoản vay đến hạn chưa trả tại các ngân hàng TMCP. Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Theo đó, khả năng hoạt động kinh doanh của HVG phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Tại ngày lập BCTC hợp nhất niên độ 2018-2019, Ban Giám đốc đã lập kế hoạch lợi nhuận và dòng tiền kế hoạch trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh mà theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo. Thêm vào đó, tại ngày lập BCTC hợp nhất, Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xin sự phê duyệt của ngân hàng cho việc gia hạn thời hạn thanh toán các khoản vay.

Dựa trên các cơ sở này, Ban Giám đốc HVG cho rằng việc lập BCTC hợp nhất dựa trên cơ sở liên tục là phù hợp. Theo đó, BCTC không đi kèm các điều chỉnh có thể cần được thực hiện đối với tài sản và nợ phải trả của HVG trong trường hợp Tập đoàn không có khả năng tiếp tục hoạt động trong tương lai.

Đang xin Vietcombank dãn nợ đến 8 năm

Ghi nhận, tính đến cuối niên độ 2017-2018 thì tổng nợ ngắn hạn HVG ghi nhận giảm từ 7.070 tỷ về 3.124 tỷ, nợ vay dài hạn giảm từ 671 tỷ về chỉ còn 135 tỷ đồng.

Sống còn phụ thuộc vào cơ cấu nợ vay ngân hàng, Hùng Vương (HVG) vẫn chưa được Vietcombank cho giãn nợ - Ảnh 1.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất của vẫn là BIDV với dư nợ bằng đồng USD và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Hai khoản này lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay. Đến cuối tháng 9/2018, Tập đoàn vẫn chưa thanh toán phần vay đến hạn trả cho BIDV với số tiền hơn 52,5 tỷ đồng.

Tiếp đến, chủ nợ lớn thứ hai là Vietcomnank, trong đó HVG đang vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ Ngân hàng này với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ phát sinh giữa tháng 10/2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 năm ngoái, Công ty chưa thanh toán phần vay đến hạn trả 550 tỷ đồng và đang xin Vietcombank chấp thuận giãn thời gian thanh toán trong vòng 8 năm tiếp theo.

Ngoài ra, HVG cũng vay vốn tại một số nhà băng khác như Vietinbank, HDBank, Agribank... và đều đáo hạn trước tháng 6/2019. Các khoản vay này được thực hiện nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản.

Hiện, toàn bộ tài sản từ hữu hình đến quyền sử dụng đất đều được HVG dùng để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng.

Nhớ lại tại ĐHĐCĐ thường niên 2017-2018 vừa qua, khi được hỏi liệu HVG đã qua giai đoạn khó khăn nhất chưa, Chủ tịch Dương Ngọc Minh phân trần thực tế đã ở tận cùng của gian truân. Từng trấn an cổ đông, ông Minh cho biết "Tính đến nay, BIDV đã thông qua việc giải ngân rồi, còn về phía Vietcombank cũng đã thỏa thuận xong hết", theo đó vấn đề trọng yếu là nợ vay đang dần được giải quyết.

Cùng với đó trong công văn gửi HoSE hồi tháng 3/2018, HVG công bố kể hoạch triển khai 4 phương án khắc phục lỗ, bên cạnh thoái vốn và đóng cửa một số nhà máy không hiệu quả, Tập đoàn cho biết sẽ thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn để hoàn thành các dự án dở dang, khoanh nợ và ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay hiện tại.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên