MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng gió nhân sự cấp cao ngành ngân hàng

09-04-2019 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Cuộc đua nhân sự cấp cao tại các ngân hàng đang rất nóng bỏng.

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng đã bắt đầu diễn ra, trong đó nóng bỏng nhất là vấn đề nhân sự cấp cao. Điều này một mặt đem lại làn gió mới cho phát triển kinh doanh, mặt khác cũng để lộ ra sự thiếu nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng.

Từ thuận buồm xuôi gió

Hàng loạt ngân hàng đã và sẽ bầu lại HĐQT nhiệm kỳ mới. Techcombank mới đây đã công bố tờ trình ứng cử viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 với tám người. Đáng chú ý có hai ứng viên mới: Ông Saurabh Narayan Agarwal đang là giám đốc tư vấn tài chính và quản lý của Warburg Pincus New York (Mỹ) và Singapore; ông Nguyễn Nhân Nghĩa từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Ngân hàng VIB cũng vừa thông qua danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới với bảy người, trong đó có sáu thành viên thông thường, một thành viên độc lập. Trước đó nhiều ngân hàng đã liên tục thay đổi nhân sự cấp cao. Ví dụ, tại ABBank, chỉ trong năm 2018 đã ba lần thay tổng giám đốc, trong đó có người xin từ nhiệm chỉ sau năm tháng giữ chức vụ này.

Đặc biệt, VietinBank vừa có tờ trình công tác nhân sự nhiệm kỳ 2019-2024. Trước đó nhân sự ngân hàng này có nhiều biến động khi ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Lê Đức Thọ, vốn trước đó là tổng giám đốc ngân hàng, đã thay ông Thắng giữ chức vụ chủ tịch HĐQT VietinBank…

Giới chuyên gia dự báo tình hình nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm nay. Theo TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có nhiều lý do dẫn đến sự chuyển dịch, thậm chí xáo trộn nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng. Chẳng hạn, một số ngân hàng Việt gặp phải các vấn đề như vốn chủ sở hữu bị âm, lợi nhuận sụt giảm mạnh, nợ xấu tăng,…

Hơn nữa, khi bị buộc phải tái cơ cấu nhằm đảm bảo an toàn ngân hàng thì các nhân sự cấp cao cũng phải thay đổi để phù hợp với định hướng phát triển mới. “Việc thay đổi nhân sự cấp cao được xem là sự cần thiết, gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của từng ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc” - TS Mùi nhìn nhận.

Sóng gió nhân sự cấp cao ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Mới đây Eximbank quyết định bãi nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc (trái) và yêu cầu ông bàn giao vị trí này lại cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Quyết định này đã gây ra cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Ảnh: TL

Đến tranh cãi quyết liệt

Bên cạnh những vụ thay đổi nhân sự cấp cao suôn sẻ, trong nội bộ một vài ngân hàng đã xuất hiện những cuộc đấu đá quyết liệt về nhân sự mà cuối cùng phải nhờ tòa phân xử. Điển hình nhất là mới đây, HĐQT Ngân hàng Eximbank đã quyết định thay chủ tịch HĐQT khi chưa kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đó, ngân hàng này quyết định bãi nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và yêu cầu ông bàn giao vị trí này lại cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Cẩm Tú nguyên là tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á và cũng vừa được bầu bổ sung là thành viên HĐQT Eximbank vào năm 2018.

Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có phản ứng rất quyết liệt trước quyết định phế truất này. Đáng chú ý, ông Lê Minh Quốc đã có đơn lên TAND TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tranh chấp thành viên công ty đối với bảy cá nhân là thành viên HĐQT và Eximbank.

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan, tòa án đã quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” quy định tại Điều 127 của Bộ luật Tố tụng dân sự, buộc các đồng bị đơn nêu trên phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019 ngày 22-3-2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Eximbank cũng đã xác nhận thông tin tòa án đã tạm dừng thi hành nghị quyết thay đổi vị trí chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, ngân hàng này nhấn mạnh cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22-3 và ban hành Nghị quyết số 112 bầu chủ tịch mới là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và điều lệ của ngân hàng. Do đó, nội dung cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp lý.

Như vậy, cuộc tranh cãi này tới nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Điều này có nghĩa ông Lê Minh Quốc vẫn giữ chủ tịch HĐQT nhưng chắc chắn công việc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Rạn nứt sẽ cản trở phát triển

Một chuyên gia bình luận có khả năng Eximbank muốn có nhiều thay đổi trong chiến lược và điều hành kinh doanh. Lý do là liên tiếp trong năm 2018, ngân hàng này đã để xảy ra một số vụ mất tiền của khách hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thậm chí tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, nhiều cổ đông đã bày tỏ sự thất vọng trong việc quản lý, điều hành của ngân hàng và đề nghị tổng giám đốc Eximbank nên rời chức vụ.

Tổng Giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết đã phát biểu lúc đó rằng ông đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ mà HĐQT giao, cũng như xử lý những tồn đọng trong quá khứ. Tuy vậy, ông nhận thấy trong giai đoạn mới Eximbank cần có những mục tiêu phát triển mới, do vậy ngân hàng này có thể tìm một nhân sự phù hợp với mục tiêu mới của ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc thay đổi các vị trí chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh ngân hàng, vì những người đứng đầu thường có tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh khác nhau.

Tuy nhiên, nếu các nhân sự cấp cao trong ban điều hành có quá nhiều xung đột với nhau, hay nói cách khác “cơm không lành, canh không ngọt” sẽ gây ra nhiều rạn nứt trong công tác tổ chức kinh doanh. Điều này tạo rào cản cho sự phát triển ngân hàng, ngược lại sẽ tạo động lực cho ngân hàng phát triển.

Có thể dẫn ra trường hợp ông Dương Công Minh rời vị trí chủ tịch HĐQT LienVietPostBank sang ngồi vào ghế nóng chủ tịch HĐQT Sacombank. Bằng một loạt thay đổi chiến lược kinh doanh mạnh mẽ, ông Minh đã đem lại làn gió mới cho Sacombank như kiện toàn lại bộ máy nhân sự, thực hiện các công tác xử lý và thu hồi nợ xấu… Từ đó đã giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sacombank tăng trưởng tốt với con số lần lượt là gần 8.000 và 1.800 tỉ đồng.

Mạnh tay thuê người nước ngoài

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, người có hàng chục năm làm việc tại các ngân hàng Mỹ cho rằng các ngân hàng Việt có thể mạnh tay bổ sung nhân sự cấp cao bằng người nước ngoài. Điểm thuận lợi của các nhân sự này là họ có nhiều kinh nghiệm và đóng góp lớn cho tổ chức điều hành ngân hàng cũng như giúp tiếp cận với những nguồn vốn đối tác quốc tế…

Cũng theo ông Hiếu, việc thay đổi nhân sự cấp cao là vấn đề vô cùng quan trọng với ngân hàng. Tại các ngân hàng Việt Nam có hai vị trí hàng đầu là chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Đặc biệt, vị trí chủ tịch HĐQT tại ngân hàng có ý nghĩa cao hơn tính thông thường so với doanh nghiệp. Họ là người định hình hoạt động ngân hàng và hầu hết đưa ra các quyết định lớn và chủ chốt.

Theo Phương Minh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên