MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sóng ngầm" trong lòng châu Âu: Người Italy tự làm tự chịu

14-07-2016 - 08:21 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ giữa tháng 4 đến nay, cổ phiếu của những ngân hàng lớn nhất Italy đã giảm khoảng 50% và cơn bán tháo càng mạnh hơn sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU.

Nhà đầu tư trên toàn thế giới đang rơi vào trạng thái bấp bênh khi chứng kiến quá nhiều bất thường trên thị trường tài chính quốc tế. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 50 năm do chính phủ Thụy Sĩ phát hành rơi xuống mức âm. Dù đã phục hồi sau khi chạm mốc thấp nhất 31 năm so với USD vào ngày 6/7, không thể chắc chắn rằng đồng bảng đã chạm đáy. Một vài quỹ đầu tư bất động sản của Anh phải tạm ngưng hoạt động vì giá trị tài sản sụt giảm quá mạnh.

Brexit được cho là nguồn cơn gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, chỉ mình Brexit là chưa đủ. Có một nguy cơ khác được cho là nguy hiểm hơn đang nảy nở ở châu Âu: các ngân hàng Italy đang đứng ở bên bờ khủng hoảng.

Dù có quy mô lớn thứ tư châu Âu, Italy cũng là một trong những nền kinh tế yếu ớt nhất. Nợ công ở mức 135% GDP, tỷ lệ người trưởng thành có việc làm thấp hơn tất cả các nước châu Âu khác ngoại trừ Hy Lạp. Kinh tế Italy đã rơi vào tình cảnh “hấp hối” từ nhiều năm nay và bị bóp nghẹt bởi luật lệ hà khắc cùng với hoạt động sản xuất trì trệ.

Trong môi trường ấy, các ngân hàng của nước này không thể khỏe mạnh. Họ đang bị đè nặng bởi khối nợ xấu 400 tỷ USD (tương đương 20% GDP). Trong trường hợp lạc quan nhất, các ngân hàng này chỉ trở thành rào cản đối với tăng trưởng. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, chúng sẽ phá sản và cả hệ thống rơi vào khủng hoảng.

Không có gì đáng ngạc nhiên, các nhà đầu tư đã tháo chạy. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, cổ phiếu của những ngân hàng lớn nhất Italy đã giảm khoảng 50% và cơn bán tháo càng mạnh hơn sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU.

Đáng lo ngại nhất là Monte dei Paschi di Siena – ngân hàng lâu đời nhất thế giới và lớn thứ ba ở Italy xét về tổng tài sản. Những nỗ lực cứu vớt đã không thành công: hiện giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã giảm xuống mức bằng 1/10 giá trị sổ sách. Hơn nữa có nhiều khả năng Monte dei Paschi di Siena sẽ không thể vượt qua bài kiểm tra thanh khoản sẽ được NHTW châu Âu thực hiện vào cuối tháng này.

Chỉ riêng các ngân hàng Italy cũng đã là một mối nguy, nhưng từ đây có thể nhìn ra những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều lần. Đó là xung đột giữa chủ nợ và con nợ, giữa những luật lệ được tạo ra ở Brussels và tư tưởng chính trị của từng quốc gia. Cả hai đều là hệ lụy của những cuộc cải cách nửa vời.

Italy cần triển khai một cuộc cải tổ mạnh mẽ trên toàn bộ hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh dòng vốn tư nhân tháo chạy và quỹ cứu trợ ngân hàng đã cạn kiệt như hiện nay, Chính phủ cần bơm tiền vào hệ thống. Vấn đề ở chỗ giải pháp này là bất khả thi về mặt chính trị.

Luật mới của Eurozone quy định các ngân hàng không thể được Chính phủ cứu trợ trừ khi các trái chủ là bộ phận trước tiên chịu thiệt hại.

Quy định dùng chính tiền của các chủ nợ để giải cứu trước khi sử dụng đến tiền thuế của người dân là một quy định tốt. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà đầu tư định chế lớn là chủ nợ lớn nhất của các ngân hàng. Họ nhận thức được đầy đủ các rủi ro và có thể chịu lỗ.

Tuy nhiên, ở Italy câu chuyện lại khác. Khoảng 200 tỷ euro trái phiếu ngân hàng nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tháng 11 năm ngoái, khi một số ngân hàng nhỏ áp dụng quy định nói trên, một nhà đầu tư đã tự sát và thổi bùng lên một cơn bão chính trị. Nếu tiếp tục buộc dân thường phải chịu thiệt thòi, Thủ tướng Matteo Renzi sẽ phải lãnh hậu quả nặng nề.

Yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng lên các nước chủ nợ trong Eurozone. Đức đã đúng khi nói rằng Italy tự làm thì phải tự chịu. Không thể tha thứ cho nước này khi họ quá chậm chạp trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng. Bất kỳ quyết định nào cho phép các nước khác tự điều chỉnh luật chơi để có lợi cho họ cũng sẽ khiến các cử tri Đức nổi giận.

Giống như ông Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phải lo về cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm 2017. Đáp lại lời thỉnh cầu của ông Renzi, bà Merkel đã nói rằng: “Chúng ta viết ra luật lệ cho hệ thống ngân hàng của toàn châu Âu. Không thể có chuyện cứ 2 năm lại sửa đổi luật lệ 1 lần”.

Nhưng Thủ tướng Anh cũng có ý đúng. Áp lực đang đè nặng lên các ngân hàng Italy chỉ có thể vơi bớt nếu như niềm tin được phục hồi và niềm tin chỉ phục hồi khi Chính phủ bơm tiền. Nếu áp dụng luật lệ theo cách quá cứng nhắc và người dân mất tiền, niềm tin còn giảm mạnh. Hơn nữa, điều này mở ra cánh cửa cho phong trào 5 sao – một nhóm luôn cho rằng đồng tiền chung euro là nguyên nhân khiến kinh tế Italy lâm vào rắc rối.

Khi ấy người dân Italy sẽ có cảm giác rằng nước này không những chỉ được hưởng quá ít lợi ích từ EU mà còn bị phá hủy bởi những ràng buộc. Vì ở trong Eurozone, Italy đã không thể phá giá nội tệ để thúc đẩy tăng trưởng, đã phải dành một phần ngân sách để đóng góp chung và giờ đây phải chịu thiệt thòi so với các nước từng dùng tiền của Chính phủ để giải cứu các ngân hàng. Đồng euro cũng chẳng tồn tại được nếu như đánh mất niềm tin của người Italy.

Giải pháp hợp lý nhất cho châu Âu là cho phép Chính phủ Italy bơm tiền công quỹ vào các ngân hàng dễ đổ vỡ nhưng phải kèm theo các điều kiện khắt khe để buộc nước này cải cách toàn bộ hệ thống ngân hàng. Những ngân hàng yếu kém phải bị xóa sổ hoặc bị thâu tóm. Thêm vào đó cũng cần có cơ chế bảo vệ những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Hiện đã có những cuộc đàm phán về việc cho phép bơm vốn tạm thời cho Monte dei Paschi để tạo đáy cho cổ phiếu của ngân hàng này, đồng thời tạo niềm tin cho thị trường để những ngân hàng khác có thể huy động vốn tư nhân.

Có thể các lãnh đạo EU sẽ nói đây là ví dụ chứng minh rằng luật lệ hà khắc của họ có tác dụng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đó không phải là cách có thể giải quyết triệt để vấn đề. Có một bài học từ Brexit: bỏ qua nguyện vọng của các cử tri không phải là một chiến lược bền vững.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên