MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Speedfactory là gì mà Adidas sau 3 năm ca ngợi đã từ bỏ, muốn chuyển về thuê gia công ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam?

Nhà máy robot có chi phí tốn kém và kém linh hoạt – AFP dẫn lại thông tin từ ông Martin Shankland, thành viên ban điều hành Adidas.

Speedfactory là khái niệm từng được Adidas hết lời ca ngợi cách đây 3 năm. Khoảng đầu năm 2016, Adidas đã cho ra mắt nhà máy tự động hoá đầu tiên với cái tên Speedfactory với các công nhân là robot tự động hoá tại Ansbach, Đức.

Nhà máy công nghệ cao này sẽ không hoạt động theo quy mô hàng chục nghìn công nhân theo phương pháp truyền thống tại các nước gia công thứ 3. Thay vào đó, nhà máy chỉ có 160 nhân công, đa phần là các kỹ sư, điều khiển, giám sát robot.

Điều này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu được sức người và thời gian sản xuất sản phẩm. Đây cũng được xem là bước tiến thay đổi toàn bộ diện mạo của ngành công nghiệp sản xuất da giày.

Năm 2017, nhà máy Speedfactory thứ 2 của Adidas được đặt tại Atlanta cho thị trường Mỹ.

Adidas tính toán rằng 1 nhà máy tự động hoá sẽ chỉ sản xuất được 1 triệu sản phẩm/năm, bằng 1% tổng sản phẩm của hãng nhưng về tổng thể, những ích lợi mà nó mang về lớn hơn.

Speedfactory là gì mà Adidas sau 3 năm ca ngợi đã từ bỏ, muốn chuyển về thuê gia công ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam? - Ảnh 1.

Thứ nhất, nhờ cách mạng công nghệ, nhiều người đã đặt hi vọng về việc đưa ngành sản xuất, chế tạo công nghiệp trở lại phương Tây, từ đó, giúp "tái tạo lại ngành".

Hầu hết giày thể thao, trị giá lên đến 80 tỷ USD, vẫn được làm ra với rất nhiều sức người trong những nhà máy khổng lồ. Các nước giàu đã đẩy việc sản xuất sang các quốc gia có lao động giá rẻ như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Campuchia hay Bangladesh.

Thứ hai là về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất.

Cụ thể, nếu theo hình thức truyền thống, để làm ra một đôi giày thể thao từ khâu thiết kế, làm thử sản phẩm mẫu, đặt nguyên liệu, gửi mẫu đi về, tinh chỉnh và đặt hàng nhà máy… sẽ kéo dài 18 tháng.

Trong khi đó, 3/4 sản phẩm của Adidas sẽ bán ra trong thời gian chưa đến 1 năm.

Speedfactory cho phép là rút ngắn khoảng thời gian đó bằng cách đẩy nhanh hơn chuỗi cung ứng. Ước tính, thời gian chờ đợi thậm chí chỉ rút xuống còn 1 ngày khi thiết kế đã xong. Quá trình thiết kế cũng được số hoá nhiều hơn.

Thời điểm đó, Adidas khẳng định hệ thống sản xuất mới này là cực kỳ nhanh và linh hoạt.

Thay vì đặt hàng các chi tiết của một sản phẩm để lắp ghép lại thành một đôi giày bằng sức lực nhân công, Speedfactory sẽ tự sản xuất phần lớn từ nguyên liệu thô, như nhựa, các loại sợi tổng hợp, những chất nhuộm màu cơ bản, tới tận giai đoạn thành phẩm.

Nhà máy được tự động hóa cao độ với các quy trình như đan - khâu vi tính hóa, cắt bằng robot, tạo hình chi tiết bằng in 3D... Do các phần mềm hướng dẫn, những con robot và máy in 3D nhận lệnh trực tiếp từ một chương trình máy tính để cả hệ thống vận hành trơn tru, không làm gián đoạn sản xuất…

Tuy nhiên, mọi thứ đã không như tính toán. AFP vừa qua cho biết từ cuối năm 2019, những đôi giày được sản xuất tại các "speedfactory" cũng sẽ "gia nhập" các mẫu giày khác của Adidas, được sản xuất tại các nhà máy hiện có ở châu Á.

Ông Martin Shankland, thành viên ban điều hành Adidas, nói rằng động thái trên sẽ khiến hoạt động sản xuất giày trở nên linh hoạt và kinh tế hơn đồng thời mở rộng phạm vi cho các sản phẩm có sẵn.

Hai "speedfactory" ở Đức và Mỹ chuẩn bị ngừng hoạt động chỉ sản xuất 1 triệu đôi giày trong tổng sản lượng khoảng 400 triệu đôi giày thể thao của Adidas muộn nhất vào tháng 4/2020. Hoạt động sản xuất sẽ được di dời sang các nước châu Á với chi phí thấp hơn.

AFP cũng đặt câu hỏi về tương lai 160 kỹ sư tại nhà máy Ansbach. Tuy nhiên, ông Claudius Kozlik, CEO Oechsler – đối tác của Adidas trong vận hành speedfactory cho biết 2 công ty sẽ tiếp tục hợp tác trong sản xuất đế cho giày bóng đá và đế in 4D.

Hà Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên