MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự bế tắc của tình trạng nghèo tập trung ở Mỹ: Ít được chính phủ quan tâm, trẻ em nghèo lớn lên chắc chắn sẽ nghèo, IQ và EQ đều sụt giảm vì sống trong đói khổ quá lâu!

05-10-2019 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Nơi bạn lớn lên sẽ ảnh hưởng đến "quỹ đạo" cuộc đời và chi phí nhà ở tăng cùng bất bình đẳng thu nhập càng khiến vấn đề này tồi tệ hơn. Số lượng người Mỹ sống trong cảnh nghèo đói tập trung đã tăng 57% kể từ năm 2000, phần lớn họ đều sống ở vùng ngoại ô hoặc thành phố nhỏ.

Người nghèo đổ dồn về vùng ngoại ô

Đối với nhiều người, hình ảnh "rập khuôn" về người nghèo ở Mỹ vẫn giống với khu Cabrini-Green nổi tiếng - một khu nhà được hoàn thiện vào năm 1962 gần trung tâm Chicago. Các băng đảng, người sử dụng ma tuý và tình trạng bạo lực tràn ngập cả thành phố, cảnh sát thì không thể kiểm soát. Quan niệm phổ biến về người nghèo chủ yếu vẫn là họ là người da đen. Tuy nhiên, "khuôn mẫu" này giờ đây không còn đúng. Khu vực Cabrini- Green đầy tệ nạn không còn nữa, khung cảnh đó đã bị phá huỷ vào năm 2011. Thay vào đó là khu phố mới yên bình, với những căn hộ thấp, một ngôi trường mới, sân chơi và không gian xanh, bên cạnh các cửa hàng rượu và phòng tập gym dành cho thế hệ Z.

Thay vào đó, để nhìn nhận về thay đổi đối với sự nghèo đói ở Mỹ, chúng ta nên đi tới Harvey - một thị trấn ngoại ô nhỏ với 26.000 người, chỉ cách Chicago 32km về phía nam. Dù rất gần một thành phố lớn, nhưng thu nhập hộ gia đình trung bình ở đây là rất thấp, 24.343 USD. Sau khi hoạt động quản lý trở nên thiếu hiệu quả và không thể thanh toán nợ trái phiếu, tình hình tài chính của thành phố này "rơi tự do". 

Ở đây, cứ 4 căn hộ thì có 1 căn bị bỏ trống. Gần 36% cư dân của họ được xếp vào diện nghèo, tỷ lệ cao hơn so với nhiều hạt nghèo nhất ở Kentucky và phần còn lại của Appalachia. Dù Harvey chưa bao giờ là một thị trấn giàu có, nhưng tỷ lệ nghèo vẫn tăng mạnh từ mức 22% vào năm 2000. Khi các chính trị gia, nhà báo và nhà xã hội học tiếp tục dồn sự chú ý vào các khu ổ chuột nổi tiếng ở phía nam và phía tây thành phố, thì lại có rất ít người để tâm đến hoàn cảnh ở những nơi như Harvey.

Sau những thay đổi về nhân khẩu học trong thập kỷ qua, giờ đây các vùng ngoại ô của Chicago ngày càng có nhiều người nghèo hơn là trong trung tâm. Điều này cũng tương tự với những nơi khác ở Mỹ. Theo một cuộc điều tra dân số năm 2000, 10,5 triệu, tương đương 31%, người nghèo sống ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn nhất nước Mỹ. Những ước tính gần đây nhất của Cục Điều tra Dân số cho thấy số người nghèo sống ở vùng ngoại ô đã bùng nổ, tăng 56%, lên tới 16,3 triệu người. 

Sự bế tắc của tình trạng nghèo tập trung ở Mỹ: Ít được chính phủ quan tâm, trẻ em nghèo lớn lên chắc chắn sẽ nghèo, IQ và EQ đều sụt giảm vì sống trong đói khổ quá lâu! - Ảnh 1.

Không giống như người nghèo sống ở thành thị, thường là những người da đen, thì người nghèo ở vùng ngoại ô lại là những người da trắng và người Hispanic (người gốc Cuba, Mexico, Puerto Rico, Nam hoặc Trung Mỹ, hay một người mang văn hóa hoặc nguồn gốc Tây Ban Nha).

Hệ quả của nghèo tập trung

Tình trạng của Harvey cho thấy vấn đề cấp bách của nghèo đói hiện nay ở Mỹ. Nghèo đói không tăng lên trên toàn quốc, nhưng lại trở thành một yếu tố ngày càng nguy hiểm. Người nghèo tập trung nhiều hơn ở bên ngoài các thành phố phát triển mạnh, và do đó không nhận được nhiều sự chú ý. Sống trong cảnh nghèo đã là cái khó, nhưng cơ hội sẽ giảm dần nếu bạn sống ở khu vực nghèo tập trung (20% hàng xóm của bạn sống dưới mức nghèo) hoặc nghèo đói cùng cực (hơn 40%).

Nơi bạn lớn lên sẽ ảnh hưởng đến "quỹ đạo" cuộc đời và chi phí nhà ở tăng cùng bất bình đẳng thu nhập càng khiến vấn đề này tồi tệ hơn. Số lượng người Mỹ sống trong cảnh nghèo đói tập trung đã tăng 57% kể từ năm 2000, theo Elizabeth Kneebone đến từ Đại học California. Tình trạng nghèo đói gia tăng ở các vùng ngoại ô và thành phố nhỏ, phần lớn người nghèo ở Mỹ đều sống ở những khu vực này.

Vẽ ra tỷ lệ của hầu hết tình trạng rối loạn chức năng xã hội, như nghiện ngập, tội phạm, tử vong ở trẻ sơ sinh, thất nghiệp hoặc bệnh về thần kinh, và bạn sẽ luôn tạo ra một bản đồ giống nhau. Hậu quả của nghèo đói tập trung lớn hơn nhiều so với nghèo đơn thuần. Bằng chứng rõ ràng nhất đến từ 3 nhà kinh tế học Raj Chetty, Nathaniel Hendren và Lawrence Katz của Đại học Harvard, họ khảo sát ngẫu nhiên các gia đình, trong đó có 1 số hộ được trao Phiếu lựa chọn Nhà ở (housing voucher) để chuyển đến các vùng nghèo sang vùng khá giả hơn. Đối với những trẻ chuyển đến vùng khá giả hơn khi còn nhỏ, nhóm nghiên cứu nhận thấy những ảnh hưởng lớn đến tương lai lâu dài. Tỷ lệ đi học đại học tăng 16,5%; thu nhập hàng năm khi trưởng thành tăng 31%; tỷ lệ phụ nữ làm mẹ đơn thân giảm 26%.

Một hậu quả sâu sắc hơn của nghèo đói tập trung đó là cảm giác tuyệt vọng và bế tắc. Nghèo đói không chỉ là thiếu thốn về vật chất, mà còn gây suy nhược về mặt tâm sinh lý, tạo sự lo lắng không ngừng về tương lai. Do đó, mỗi ngày, người nghèo đều phải chịu sự đau khổ vì đói rét, bạo lực hay nghiện ngập. Áp lực về tâm lý đối với người trưởng thành là rất đáng ngại. Các nhà khoa học nhận thấy điều này tương đương với việc khiến điểm IQ giảm 13.

Chính quyền thành phố và chính phủ có thể giúp người nghèo hay không?

Bên ngoài các thành phố, cái nghèo còn khó giải quyết hơn vì họ không dễ để tiếp cận dịch vụ xã hội. Các thành phố vẫn có thể điều hành các cơ quan lớn cần thiết để giúp đỡ người nghèo. Do đó, các quận trong thành phố đã chi tiêu gấp 10 lần cho mỗi người để hỗ trợ người nghèo vùng ngoại ô, theo Scott Allard đến từ Đại học Washington. Và khả năng tài chính của họ đang ở tình trạng xấu.

Các thành phố nhỏ gặp khó khăn thì khó có thể giúp đỡ cư dân của chính mình. Họ chỉ đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ thiết yếu như trị an và dọn đường, chứ không nói đến mở các chương trình đào tạo nghề hoặc cạnh tranh để có được trợ cấp liên bang. Bên ngoài những thành phố lớn, hệ thống giao thông lại rất hiếm và nhiều người không thể trả chi phí bao dưỡng ô tô.

Dẫu vậy, vẫn còn một số tổ chức có thể hỗ trợ họ. Hệ thống y tế từ thiện The Sisters of Charity Health System, điều hành một bệnh viện ở gần Tremont, Cleveland, đã thành lập một quỹ từ thiện với hy vọng phá vỡ "vòng tròn nghèo đói" giữa các thế hệ ở nơi này. Giống như Pittsburgh, Cleveland có tài sản văn hoá và tài chính để đưa thành phố thoát khỏi lối mòn này. Họ sở hữu một bệnh viện đẳng cấp thế giới, một trường đại học nghiên cứu lớn, một sân bay quốc tế và trụ sở của 1 số công ty.

Ở các thành phố nhỏ ở gần đó, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Youngstown, từng là trung tâm sản xuất thép phát triển rất mạnh, có lúc dân số lên tới 170.000 người, giờ đây lại là một thị trấn vắng vẻ với dân số 65.000 người. Tỷ lệ nghèo ở đây là 37%, cao hơn Cleveland, nên khả năng "hồi sinh" sẽ khó. Aaron Renn, đến từ viện nghiên cứu Manhattan Institute, cho hay: "Không như Cleveland, Youngstown không có tài sản gì. Họ trải qua tình trạng suy giảm dân số nghiêm trọng, cũng không có tổ chức cao cấp nào ở đó."

Ở hầu hết những thành phố khó khăn, một số người vẫn nỗ lực để xoay chuyển tình trạng này. Ian Beniston điều hành Tập đoàn Phát triển Khu Youngstown, với một đội ngũ nhân viên nhỏ và tình nguyện viên. Họ dọn rác từ bãi cỏ, khôi phục những bãi đất bị bỏ hoang và các khu ổ chuột. Anh chia sẻ: "Đó là những thứ cơ bản thôi. Nhưng điều tiến bộ nhất là, chúng tôi là những người trẻ sống ở những thành phố như thế này."

Đối với các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hoà, mối ưu tiên đã thay đổi từ giải cứu những khu vực nghèo đói sang việc ủng hộ mối lo ngại của giới trung lưu, như bất bình đẳng thu nhập và dịch chuyển xã hội kém. Tổng thống Trump thì chỉ nhắc đến khu Baltimore với mục đích cạnh tranh với các đối thủ chính trị. Tuy nhiên, điều này không mang đến ý nghĩa gì, bởi họ đang làm ngơ trước những khó khăn của người nghèo ngày nay, đó là trẻ em nghèo lớn lên sẽ lại nghèo. Và mọi thứ còn khó khăn hơn nữa do các vấn đề về chủng tộc. 

Hương Giang

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên