MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự nghiệp của "bố già" làng thời trang Karl Lagerfeld - người đã thay máu cả đế chế Chanel

20-02-2019 - 01:16 AM | Sống

Karl Lagerfeld là người đàn ông được mệnh danh là "bố già" của làng thời trang, người đã vực dậy đế chế Chanel khi đang bên bờ phá sản.

Huyền thoại làng thời trang Karl Lagerfeld đã qua đời ở tuổi 85. Ông sinh ra ở Hamburg, Đức năm 1933 và được biết đến là người nắm quyền sáng tạo của 2 thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới. Năm 1983, ông gia nhập Chanel với vai trò Giám đốc sáng tạo. Trong khi đó, ông từng giữ chức Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Fendi từ năm 1965. Lagerfeld là một nhà thiết kế, họa sĩ minh họa, nhiếp ảnh gia, nhà xuất bản và nhà sưu tập nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đối với làng thời trang thế giới.

Karl Lagerfeld được nhắc đến với hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi với mái tóc bạc, cặp kính đen và chiếc áo sơ mi cổ cứng. Đó là hình ảnh thương hiệu của người đàn ông tài ba bậc nhất làng thời trang.

Ông chính thức bước chân vào lĩnh vực thời trang khi vượt qua hơn 200.000 ứng viên và giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế thời trang năm 1954. Sau thành tích đó, Karl Lagerfeld được mời thực tập tại nhà may Pháp Pierre Balmain với vai trò là trợ lý và được đề nghị sản xuất trang phục do ông thiết kế trong bản vẽ.

Năm 1965, Lagerfeld bắt đầu hợp tác với Fendi, biến cửa hàng lông thú và đồ da của thành Roma thành một trong những thương hiệu thời trang lớn của thế giới.

Sự nghiệp của bố già làng thời trang Karl Lagerfeld - người đã thay máu cả đế chế Chanel - Ảnh 1.

Năm 2008, ông bắt đầu hợp tác với hợp tác với Silvia Venturini, hiện là Giám đốc thời trang và phụ kiện nam, cháu gái của người sáng lập Fendi. Hai người cùng nổi tiếng vì luôn sánh bước cùng nhau trên sân khấu sau mỗi buổi trình diễn thời trang của Fendi.

Năm 1971, làng thời trang thế giới nói chung và thương hiệu Chanel nói riêng đã chịu sự mất mát lớn khi huyền thoại Coco Chanel qua đời. Sự ra đi của biểu tượng thời trang nước Pháp khiến thương hiệu Chanel đứng trước nguy cơ phá sản. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ như Louis Vuitton, Burberrry, Versace… báo chí phương Tây giai đoạn đó cho rằng Chanel đã đến hồi kết.

Và rồi, Karl đã nhận lời trở thành Giám đốc sáng tạo và thiết kế chính cho các sản phẩm Haute Couture của Chanel vào năm 1983. Ông từng nói một câu nói nổi tiếng: "Khi một thương hiệu đứng trước thềm sụp đổ, nó vẫn là đống tro tàn chứ không có cơ hội hồi sinh". Tuy nhiên, những gì diễn ra lại hoàn toàn ngược lại. Nhiều nhà nghiên cứu đã hài hước rằng: Có lẽ Karl lừa dối mọi người, ông ta chỉ nói thế để mọi chuyện trở nên nghiêm trọng và ông ta sẽ vực dậy đế chế Chanel, mọi người sẽ nhìn Karl bằng con mắt khác

Lagerfeld đã giới thiệu bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên của mình cho Chanel năm 1983. Buổi trình diễn lấy cảm hứng từ hình bóng của chính Chanel từ những năm 1920 và 1930 với những bộ đồ đen dài đến đầu gối, áo khoác rộng, khăn choàng với nhiều chi tiết và trang phục dạ hội xù lông.

Khi giữ chức Giám đốc sáng tạo tại Chanel nổi tiếng bởi liên tục sáng tạo những bộ trang phục mộng mơ, lãng mạn đặc trưng của Coco Chanel thành những thiết kế mang hơi thở hiện đại, phù hợp với thị hiếu công chúng yêu thời trang. Kể từ đó, Chanel trở thành thương hiệu được nhiều sao Hollywood yêu thích, chứng tỏ đẳng cấp của thương hiệu này.

Những tác phẩm của Karl lấy cảm hứng từ những vật liệu của cuộc sống từ ván lướt sóng, gậy khúc côn cầu, các phụ kiện được lấy ý tưởng từ UFO, nhà ga, sân bay…

Sự nghiệp của bố già làng thời trang Karl Lagerfeld - người đã thay máu cả đế chế Chanel - Ảnh 2.

Karl Lagerfeld bên bàn làm việc của mình.

“Tôi may mắn vì có thể đặt mọi thứ lên giấy và mọi người có thể ngay lập tức mặc các bộ trang phục, phụ kiện mà không thắc mắc nhiều câu hỏi. Tôi thường không thay đổi suy nghĩ của mình vì trước khi trình bày một ý tưởng tôi đã phải “ném” tới 20 cái khác vào thùng rác”, Lagerfeld từng nói về quá trình thiết kế của mình vào năm 2015.

Giới mộ điệu biết đến Chanel bởi sự bay bổng của bà hoàng Coco, nhưng chính bàn tay sáng tạo của Karl Lagerfeld đã níu kéo khách hàng. Ông không chỉ thu hút khán giả bởi những thiết kế ấn tượng mà còn kích thích trí tò mò của họ bởi những điều bất ngờ trên sân khấu do "lão già gai góc" tạo ra.

Năm 1978, tiệc cưới xa hoa mà Karl tổ chức cho Paloma Picasso và Rafael López Sánchez là tiền đề cho cảm hứng trên sàn diễn đầy kinh ngạc mà Fendi và Chanel đều nổi tiếng.

Trên sân khấu Haute Conture Thu Đông 2019, Karl cho đặt một con sư tử - đại diện cho chòm sao của Coco Chanel - cao 18m giữa sân khấu và các người mẫu trình diễn xung quanh. Đó là một cách vinh danh đầy khéo léo và đầy thi vị cho nhà thiết kế tài hoa Coco.

Sự nghiệp của bố già làng thời trang Karl Lagerfeld - người đã thay máu cả đế chế Chanel - Ảnh 3.

Bố già Karl Lagerfeld đã hoàn toàn "thay máu" thương hiệu Chanel.

Mùa Xuân Hè 2014, “bố già” làng thời trang khiến khán giá choáng ngợp khi biến sân khấu Chanel thành một siêu thị thu nhỏ. Các người mẫu vừa trình diễn vừa shopping trong không gian thân thiện, gần gũi của cuộc sống…

Tại BST Xuân Hè 2018, Karl Lagerfeld lại tái hiện lại khung cảnh hung vĩ của thác nước trong bảo tàng Grand Palais. “Bố già” đã mượn khung cảnh để nói lên tầm quan trọng của thiên nhiên, câu chuyện con người chống chọi với bệnh tật.

Cùng với ê-kíp của mình, Karl Lagerfeld đã đem đến những sàn diễn không đơn thuần chỉ là một bục sân khấu mà ở đó là cả một bối cảnh sinh động đằng sau những bộ cánh lộng lẫy.

Sau hơn 30 năm tiếp quản Chanel, đế chế thời trang này vẫn phát triển mạnh mẽ, khẳng định ngôi vị hàng đầu. Làng thời trang thế giới vẫn không thể quên huyền thoại Karl Lagerfeld của làng thời trang – một con người gai góc, một nhà thiết kế đại tài.

Theo thông tin mới nhất, NTK huyền thoại Karl Lagerfeld đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris ở tuổi 85. Đối với giới mộ điệu toàn cầu, đây chắc chắn sẽ là tin buồn nhất trong năm 2019 này.

Minh An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên