MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự ra đi của người phụ nữ này khiến chứng khoán Mỹ kéo dài chuỗi ngày bán tháo

22-09-2020 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Bà là Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ, người vừa qua đời hôm 18/9 vì bệnh hiểm nghèo.

Bà Ginsburg là 1 trong 9 Thẩm phán Tòa Tối cao của Mỹ. Dù không có liên hệ trực tiếp với thị trường tài chính Mỹ nhưng sự ra đi vào thời điểm nhạy cảm của bà Ginsburg đã khiến chứng khoán Mỹ phải trả giá đắt. Khi nước Mỹ chỉ còn cách cuộc bầu cử Tổng thống vài tuần, việc bổ nhiệm người thay thế bà Ginsburg đang là trọng tâm cuộc chiến của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Bà Ruth Bader Ginsburg là nữ thẩm phán có thời gian phục vụ lâu nhất tại Tòa Tối cao Mỹ. Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề cử bà Ginsburg vào vị trí này và được phê chuẩn. Bà là người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ được bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán Tòa Tối cao. Bà được biết tới là người bảo mệ mạnh mẽ cho nữ quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính, quyền được phá thai.... Bà còn được coi là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng ở Mỹ.

Thẩm phán tòa Tối cao Mỹ là vị trí gần như trọn đời. Điều III, phần 1 của Hiến pháp Mỹ quy định Thẩm phán Tối cao sẽ đảm nhiệm chức vụ chừng nào còn có tư cách đạo đức tốt. Thẩm phán tối cao chỉ có thể bị cách chức nếu bị Hạ viện luận tội và sau đó bị kết tội tại phiên tòa do Thượng viện tiến hành. Tổng thống hoàn toàn không thể tác động tới vị trí Thẩm phán tòa Tối cao mà chỉ có quyền đề cử cho ứng viên vào vị trí này để Thượng viện phê chuẩn.

Chính vì vai trò to lớn, Thẩm phán tòa Tối cao là vị trí có thể tác động tới chính sách và đời sống của người dân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới chứ không chỉ một hay vài năm. Tổng thống Donald Trump, một người bảo thủ, gần như chắc chắn sẽ đề cử một người có quan điểm bảo thủ vào chiếc ghế Thẩm phán Tòa Tối cao còn trống.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đưa ra đề cử chính thức vào ngày 25 hoặc 26/9. Hiện tại, đang có 5 ứng viên cho vị trí này và Nhà Trắng đang tiếp tục lựa chọn. Khả năng người ông Trump đề cử sẽ đắc cử rất cao bởi Thượng viện, cơ quan nắm quyền phê chuẩn, hiện do người Cộng hòa kiểm soát.

Nếu điều đó thành sự thực, những người bảo thủ sẽ chiếm 6 trong tổng số 9 ghế của cơ quan này. Điều này rõ ràng sẽ không thể làm hài lòng những người Dân chủ, vốn đang kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn sau cuộc bầu cử ngày 3/11 tới. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đang có chút lợi thế so với ông Trump nhưng bài học từ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị.

Chiếc ghế mà bà Ginsburg đang trở thành tâm điểm cuộc chiến căng thẳng giữa người Dân chủ và Cộng hòa. Nó gạt sang một bên gói kích thích kinh tế mới, vốn đang lầm vào bế tắc vì những bất đồng giữa 2 đảng. Người ta cho rằng, kinh tế Mỹ chỉ có thể đạt được một gói kích thích mới cho tới sau cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.

Kết hợp với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở Mỹ và châu Âu cùng làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ sau khi nó chạm đỉnh lịch sử vài tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua đợt bán tháo theo tuần dài nhất 1 năm qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, Dow Jones giảm 509 điểm trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm là 38,41 điểm và 14,48 điểm. Trong phiên giao dịch, Dow Jones có lúc rơi tới gần 1.000 điểm nhưng đà bán tháo đã hạ nhiệt về cuối phiên.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên