MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật bất ngờ về đội bóng giàu có bậc nhất thế giới: Real Madrid là một tổ chức phi lợi nhuận

05-06-2017 - 14:35 PM | Doanh nghiệp

Khác với hầu hết các đội bóng lớn trên thế giới, Real Madrid thực tế lại không thuộc về bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào cả.

Điều lệ của một trong những câu lạc bộ bóng đá có số lượng người hâm mộ đông đảo nhất thế giới khẳng định: “Real Madrid được điều hành bởi một Hội đồng người Tây Ban Nha (gọi là Socios). Mọi quyết định của chủ tịch CLB đều phải thông qua Hội đồng”. Điều này có nghĩa, thay vì thuộc sở hữu của những doanh nhân giàu có như hàng loạt câu lạc bộ khác, “Kền kền trắng” thuộc sở hữu của chính những người hâm mộ đội bóng.

Quan trọng hơn, câu lạc bộ có giá trị ước tính khoảng 3,65 tỷ USD vào năm 2015 và tính tới mùa giải 2015-2016 cũng là câu lạc bộ thương mại thành công nhất với doanh thu hơn 650 triệu USD, là một tổ chức phi lợi nhuận. Nói cách khác, mọi lợi tức mà họ làm ra hàng năm, sau khi đã cân đối chi tiêu như mua cầu thủ, trả lương đội ngũ nhân viên, đều được tái đầu tư phục vụ chính đội bóng.

Cỗ máy kiếm tiền thực sự

Real Madrid, câu lạc bộ Bóng đá Hoàng gia Madrid được thành lập tháng 3/1902. Từ Real trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Hoàng gia (Royal) và đã được vua Alfonso XIII phong cho câu lạc bộ vào năm 1920 cùng chiếc vương miện – hình ảnh quen thuộc trong biểu tượng của đội.

Khác với nhiều câu lạc bộ lớn trên thế giới, Real Madrid thuộc quyền sở hữu của hàng ngàn thành viên, được biết đến với tên gọi “socios”. Theo điều lệ của Real Madrid, những socios là những người tạo thành Đại hội đồng - cơ quan quản lý tối cao của câu lạc bộ. Theo báo cáo thường niên của đội bóng, Real Madrid có 91.671 thành viên với 2.103 thành viên của Đại hội đồng, trong đó bao gồm Hội đồng Quản trị, thành viên danh dự và 100 thành viên của câu lạc bộ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Real Madrid kém cạnh với bất kỳ đội nào trên thế giới về mặt tài chính, thậm chí bản thân cơ chế sở hữu này cũng là một loại bảo hiểm vĩnh cửu với “Kền kền trắng”. Hàng nghìn con người ấy, hầu hết thuộc giới quý tộc và thượng lưu, sẽ đứng ra gánh vác một khi đội bóng có trục trặc. Chính vì điều này, dù Real Madrid có giai đoạn lâm vào khó khăn, họ không bao giờ đối diện với nguy cơ sụp đổ.

Còn nếu coi Real Madrid là một doanh nghiệp, đội bóng này kiếm tiền cũng không thua kém so với những doanh nghiệp đứng đầu. Doanh thu của ông chủ sân Bernabéu lần đầu tiên vượt 600 triệu Euro trong mùa giải 2015-2016 với biên lợi nhuận EBITDA đạt 26%. Kể từ mua giải 1999-2000 đến nay, doanh thu qua các năm của Real Mardid tăng trưởng với CAGR 11% mỗi năm.

Với lượng cổ đông viên trung thành và có quy mô lớn nhất thế giới, nguồn thu từ bán vé và đóng góp từ hội viên của Real Madrid chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Real, khoảng 155 triệu Euro, bên cạnh những hoạt động vốn không xa lạ với các câu lạc bộ lớn là quảng cáo và bản quyền trận đấu.

Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của đội bóng, số tiền Real thu về từ các trận giao hữu và những giải thưởng danh giá từ những giải bóng lớn mới là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Như giải Champions League của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) vừa kết thúc, giải đấu có ngân quỹ 1,42 tỷ USD cho tất cả các đội dự, thấp hơn con số 1,51 tỷ USD mùa trước, nhưng tiền thưởng cho đội vô địch không thay đổi nhiều. Ước tính, số tiền mà Real Madrid nhận về sẽ không ít hơn 90 triệu USD sau chiến thăng trước Juventus vào ngày 3/6, bằng số tiền được nhận khi vô địch Champions League năm 2016.

Theo thống kê trong một vài năm gần đây, Real Madrid cũng là một trong những đội bóng nhận được nhiều tiền thưởng nhất từ Champions League, với 686 triệu USD, bên cạnh Bayern Munich với 697 triệu USD và Barca với 650 triệu USD.

Với nguồn thu lớn và không có áp lực về lợi tức cho cổ đông, cũng như chủ câu lạc bộ, ban lãnh đạo “Kền kền trắng” cũng đưa Real trở thành một trong những đội bóng bạo chi nhất cho lương cầu thủ và đốt tiền trên thị trường chuyển nhượng, chiến lược gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Florentino Perez – Galacticos, một chiến lược đưa Real thành câu lạc bộ với toàn những ngôi sao.

Mùa giải 2015-2016, Real Madrid “đốt” khoảng 457 triệu Euro cho các khoản chi phí, tăng so với mức 443 triệu của mùa giải trước đó. Riêng chi phí lương, thưởng cho dàn sao của đội bóng ước tính khoảng 300 triệu Euro.

Những vị chủ tịch tỷ phú

Hoạt động với mô hình phi lợi nhuận và những người chủ thực sự là người hâm mộ, trong khi Chủ tịch được coi như người “làm công ăn lương” khi các quyết định phải được thông qua bởi hội đồng thành viên, tuy nhiên chiếc ghế chủ sân Bernabeu lại là một trong những chiếc ghế “đắt giá” nhất.

Trong cuốn sách “The White House: The Story of Real Madrid”, tác giả Phil Ball đã thống kê một số tên tuổi từng giữ chiếc ghế này và nhận định “các đời chủ tịch Real Madrid đều là những tay tài phiệt giàu có”. Đơn cử như Florentino Perez – chủ tịch hiện tại của Real cũng đồng thời là chủ tịch tập đoàn xây dựng ACS với tài sản khoảng 2,2 tỷ USD; Fernando Martín Álvarez nắm giữ 8% cổ phần tại 2 ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là BSCH và BBVA; hay Ramón Calderón sở hữu khối tài sản 2.3 tỷ euro…

Ngồi lên chiếc ghế cao nhất ở Bernabeu của những vị tài phiệt này chắc chắn không phải vì tiền, khi điều kiện tranh cử chủ tịch Real Madrid là một ứng viên phải sở hữu tài sản bằng hoặc nhiều hơn 4 lần tổng số nợ của CLB. Đồng thời, một khi đắc cử, tân chủ tịch phải chi trả 15% tổng số nợ của Real. Điều này có nghĩa, không có khối tài sản hàng tỷ USD, có lẽ bạn không nên tranh cử.


Florentino Perez - vị chủ tịch giàu có và quyền lực của Real Madrid hiện sở hữu khối tài sản 1,8 tỷ USD theo ước tính của Forbes.

Florentino Perez - vị chủ tịch giàu có và quyền lực của Real Madrid hiện sở hữu khối tài sản 1,8 tỷ USD theo ước tính của Forbes.

Tuy vậy, Chủ tịch của Real lại là nước cờ tốt nhất “để đánh bóng hình ảnh, hay tạo thuận lợi cho con đường kinh doanh hoặc chính trị” như Phil Ball đề cập trong cuốn sách của mình. Danh tiếng trong giai đoạn đứng đầu đội bóng Hoàng Gia Tây Ban Nha chính là tác nhân giúp họ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của cử tri. Hơn nữa, các vị chủ tịch cũng không gặp khó khăn trong việc tạo được những mối quan hệ với những nhân vật quyền lực của đất nước này.

Trong số 8 vị chủ tịch gần đây của Real Madrid, 5 người đã tham gia chính trường và vươn tới những vị trí cao. Luis de Carlos (1978-1985) là vị cựu chủ tịch Real Madrid thành công nhất trên vũ đài chính trị. Sau khi rời sân Bernabeu, Carlos trở thành đảng viên của Công Đảng, thượng nghị sỹ trong 8 năm, chủ tịch Ủy Ban Tài Chính Thượng viện trong 4 năm. Trong khi đó, Calderón, Mendoza, Luis Gómez cũng đều trở thành hạ nghị sỹ.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên