MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG

31-05-2021 - 08:03 AM | Doanh nghiệp

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG

Nhìn chung, với những động thái quyết liệt của các đại gia Việt, tương lai về một thị trường bán lẻ cân sức giữa hai bên đang dần rõ nét, sau thời gian dài đối mặt với bài toán bị thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam – "miếng bánh" tỷ USD từ lâu đã trở thành điểm ngắm của hàng loạt thương hiệu lớn mà trong đó vị thế dần rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Với cơ cấu dân số trẻ, sẵn sàng chi tiêu cùng các hiệp định FTA được đẩy mạnh… thị trường bán lẻ nước ta liên tục mở rộng quy mô, đặc biệt ngay trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19.

Báo cáo của Deloitte ghi nhận, năm qua ngành bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một hiện tượng tăng trưởng vượt bậc tại khu vực Đông Nam Á. Trong tổng số 5.000 tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 79% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam theo đó xếp hạng thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng lĩnh vực bán lẻ toàn cầu vài năm trở lại đây.

Sự màu mỡ là câu trả lời cho động thái loạt "ông lớn" ngoại nhảy vào, lần lượt thâu tóm và chiếm một thị phần lớn trong ngành thập niên qua. Chiều ngược lại, doanh nghiệp quy mô lớn trong nước cũng nỗ lực khai thác cơ hội trên sân chơi của chính mình.

Nếu như trước đây thế lực nội điển hình chỉ có VinCommerce của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thì nay vị thế cạnh tranh đã ở tầm cao mới với sự góp mặt của MWG, THACO… hay Novaland, KIDO trong cuộc đua chuỗi.

Đà phục hồi mạnh mẽ của ngành tiêu dùng bán lẻ trong khu vực Châu Á

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG - Ảnh 1.

Nguồn: TheGlobalEconomy.com.

Sự trỗi dậy của thế lực nội địa

Điểm lại, trước khi chuyển giao cho Masan từ cuối năm 2019, VinCommerce đã liên tục bành trướng: từ viên gạch đầu tiên là mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail và lập hệ thống Vinmart, Vinmart+, đến loạt thương vụ đình đám như nhận 100% vốn chuỗi Maximark (tháng 10/2015), thâu tóm chuỗi siêu thị Fivimart (tháng 9/2018), mua toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi của Shop&Go (tháng 4/2019), sáp nhập Queenland Mart (tháng 8/2019).

Năm 2019, Vingroup chính thức chuyển giao cho Masan – doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Bằng việc tận dụng thế mạnh kép thương hiệu sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam và kênh bán lẻ hiện đại quy mô (~1/4 toàn thị trường), Masan trong cuộc chơi mới đặt tham vọng dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương.

"Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%", Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nói.

Một tay chơi trong mảng điện máy, điện thoại, Thế giới Di động (MWG) chỉ vài năm trở lại đây đã trở thành một thế lực lớn của phân khúc bán lẻ này với 50% thị phần. Sau thất bại với chuỗi Điện thoại Giá rẻ, MWG tiếp tục kiến tạo mô hình đại lý cũng như bán thêm xe đạp… nhằm khai thác triệt để thị phần còn lại (khoảng 30% từ các đối thủ khác hiện nay).

Không dừng lại, với chuỗi bách hoá, ông Nguyễn Đức Tài tại buổi chia sẻ mới nhất bày tỏ: Ước mơ 5-7 năm tới là Bách Hoá Xanh sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt. Tính đến cuối tháng 3/2021, chuỗi Bách Hoá Xanh đã có 1.803 địa điểm kinh doanh, trong đó có 318 cửa hàng được nâng diện tích, 18 trung tâm phân phối (DC) với hiệu suất sử dụng bình quân vào mức 70-75% công suất thiết kế.

Hay THACO, sự góp mặt trong phân khúc trung tâm thương mại dường như rõ nét hơn khi Tập đoàn đứng ra mua lại siêu thị Emart từ đối tác Hàn Quốc trong tháng 5 vừa qua.

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG - Ảnh 2.

THACO vừa mua lại Emart.

Ở phân khúc bán lẻ theo chuỗi, Tập đoàn KIDO (KDC) vừa có công bố ký thoả thuận với đối tác kinh doanh, chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng. Tổng đầu tư dự án dự kiến 100 tỷ đồng, KDC sẽ tham gia 61% vốn và nắm chi phối hệ thống bán lẻ này.

KDC xuất thân là công ty trong ngành hàng thực phẩm, lợi thế hiện nay của Tập đoàn là công đoạn R&D sản phẩm, đón đầu được xu thế, khẩu vị tiêu dùng của giới trẻ. Năm 2020, KDC đã có một công cuộc tái cấu trúc toàn bộ Công ty, đưa hết những thành viên sáp nhập vào Tập đoàn. Ngoài ra, KDC cũng bắt tay với Vinamilk cùng ra mắt thương hiệu nước Vibev.

Được biết, thị trường bán lẻ theo chuỗi cũng là sân chơi lớn của loạt tay lớn ngoại nội hiện nay. Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, riêng thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam hiện đạt 1 tỷ USD/năm.

Trong cuộc chơi này, Công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng không đứng ngoài cuộc, trong đó Công ty TNHH The Sherpa - thành viên của Tập đoàn Masan – đã mua lại 20% cổ phần thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam.

Trước đó không lâu, Nova Consumer - thành viên Tập đoàn No Va (Novaland) của ông Bùi Thành Nhơn - cũng thâu tóm PhinDeli. Được biết, Nova Consumer được ví như cánh tay nối dài từ mảng cốt lõi là bất động sản của Tập đoàn, hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái No Va. Liên tục mở rộng, Nova Consumer hiện hoạt động trong 3 nhóm ngành: Thực phẩm - Thức uống - Dinh dưỡng.

Nhìn chung, với những động thái quyết liệt của các đại gia Việt, tương lai về một thị trường bán lẻ cân sức giữa hai bên đang dần rõ nét, sau thời gian dài đối mặt với bài toán bị thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoại.

Thị trường bán lẻ tiếp tục "màu mỡ" và cạnh tranh quyết liệt, riêng năm 2021 dự tăng trưởng 10%

Dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cũng không hề kém cạnh trong bối cảnh Covid. Điển hình, Central Group mới đây cũng liên kết vốn với PTTOR – đưa chuỗi cà phê Thái vào Việt Nam. Trong đó, Café Amazon với 40% vốn của Central Group, theo kế hoạch sẽ rót hàng triệu USD và phủ khắp các tỉnh thành trong thời gian tới.

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG - Ảnh 3.

Trong động thái mới nhất, Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC, thành viên của Central Group) công bố kế hoạch 5 năm tại Việt Nam có tổng giá trị đầu tư khoảng 35 tỷ Bath (1,1 tỷ USD) với mục tiêu mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành trên toàn quốc.

Theo CRC, ngành dịch vụ tại Việt Nam tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán sỉ và bán lẻ với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế. Ngành dịch vụ cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.

Ở diễn biến khác, ngay trong tháng 1/2021, Pandora cũng mở mới 1 cửa hàng mới tại Hà Nội sau khi đã khai trương 2 cửa hàng liên tiếp trong những ngày cuối tháng 12/2020. H&M cũng đã đồng loạt giới thiệu các cửa hàng mới tại Vincom Plaza Hạ Long (Quảng Ninh) và Vincom Plaza Hùng Vương (Cần Thơ). Uniqlo - thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản cũng đã mở thêm 5 cửa hàng tại Hà Nội và Tp.HCM ngay trong năm 2020. Hay "ông lớn" Nhật AEON cũng lên kế hoạch tái cấu trúc từ cuối năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam….

Trở lại với thị trường, theo giới phân tích, triển vọng thị trường bán lẻ trong năm 2021 rất tích cực với mức tăng khoảng 10%. Khi mà, chi tiêu của người dân Việt Nam năm 2020 chỉ tăng nhẹ 3,3% do tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên năm nay khi thu nhập của người dân dần ổn định trở lại, dự báo tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình sẽ phục hồi mạnh lên 9,69%.

Trong tầm nhìn dài hạn, quy mô dân số Việt Nam tăng 2% mỗi năm, dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050 sẽ là dấu hiệu tốt cho các nhà bán lẻ khi thị trường được mở rộng. Nhìn vào những tiềm năng của thị trường bán lẻ, giới chuyên gia nhận định Việt Nam đang là "miền đất hứa" cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời cũng là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp ngoại.

Chi tiêu hộ gia đình kỳ vọng phục hồi mức 9,7% trong 2021

Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG - Ảnh 4.

Nguồn: Fitch Solutions, National statistics, BSC tổng hợp.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên