MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, viên chức: Nghỉ hưu chính thức không còn là hạ cánh an toàn

Bằng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Quốc hội đã chính thức đưa việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vào luật.

Chiều 25/11, với 426/454 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 18 Điều 1), thông qua lá phiếu, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (khoản 2 Điều 1), các đại biểu Quốc hội nhất trí khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo Luật.

Cùng với đó, Luật có quy định để thể hiện chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Trong khi đó, quy định về thi tuyển công chức đã có trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành được giữ nguyên để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên