MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi Thông tư 36: NHNN đã không quyết liệt?

28-05-2016 - 19:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã siết lại các điều kiện an toàn, nhưng giãn mức độ và lộ trình thực hiện để thị trường từng bước thích nghi, hay nói cách khác cơ quan điều hành đã chọn giải pháp mang tính dung hòa.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chính thức sửa đổi Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng... Điều đáng nói là, cơ quan quản lý đã "nhẹ tay" hơn so với dự kiến ban đầu.

Để bàn luận sâu hơn về những điều chỉnh chính thức này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính).

PV: Theo sửa đổi chính thức TT36: Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần... Như vậy, NHNN đang giãn lộ trình siết chặt việc cho vay BĐS. Theo ông, điều này có là hợp lý trong bối cảnh hiện nay hay nói cách khác tại sao NHNN đã không quyết liệt điều chỉnh như với dự kiến?

TS. Nguyễn Đức Độ: Nói chung, việc NHNN chọn giải pháp mang tính dung hòa là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế còn chưa đạt mức như kỳ vọng.

Nếu siết tín dụng bất động sản quá mạnh, đầu tư vào bất động sản và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sức khỏe của các NHTM còn yếu, nợ xấu còn cao, nên ở một mức độ nào đó, việc tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi cũng là giải pháp góp phần xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, hiện tại tỷ lệ tiền gửi dài hạn thấp trong khi nhu cầu vay dài hạn cao hơn, nên nếu giảm mạnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể khiến lãi suất tăng và tín dụng giảm, cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Một lý do khác là các chính sách cần điều chỉnh từng bước và có thể tiên liệu để tránh cú sốc cho thị trường.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tỷ lệ đòn bẩy trong kinh doanh bất động sản quá lớn cũng tạo ra rủi ro sau này. Đồng thời, các rủi ro về kỳ hạn cũng cần được quản lý thận trọng. Quyết định của NHNN được dựa trên sự cân đối giữa cái được và cái mất đã nói ở trên.

Một điểm sửa đổi khác nữa là tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%. Theo ông thì điều này tạo điều kiện như thế nào đến hoạt động phát hành TPCP?

Hiện nay, tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước rất thấp, trong khi nợ công đang ở sát mức trần và phải chịu mức lãi suất tương đối cao. Đó là chưa kể nhiều khoản vay có kỳ hạn ngắn dẫn đến phải vay để đảo nợ.

Việc hạ lãi suất phát hành TPCP là cần thiết, không chỉ để giúp giảm gánh nặng trả nợ cho ngân sách Nhà nước, mà còn giúp giảm mặt bằng lãi suất nói chung. Muốn vậy, phải tăng cầu mua TPCP. Trong khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu mua TPCP tương đối mạnh, việc nới lỏng hạn chế cho các đối tượng này là hợp lý.

Các doanh nghiệp BĐS và các NHTM đã có thể phần nào nhẹ bớt tâm lý khi sửa đổi TT36 theo hướng siết dần. Theo ông, điều này có tác động thế nào đến thị trường trong thời gian tới. Ví dụ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn giữ nguyên đén cuối năm nay như vậy thì xu huong của những năm tiếp theo được dự báo thay đổi ra sao?

Nếu giá trị của VND được giữ ổn định, lòng tin vào VND sẽ gia tăng và tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ gia tăng theo. Hy vọng rằng đến khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được hạ xuống, thì lúc đó các NHTM đã có thể huy động đủ số lượng vốn dài hạn cần thiết trên thị trường và không tạo ra áp lực đối với lãi suất.

Vâng! Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên