MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép tăng trưởng tín dụng giảm

19-05-2018 - 08:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Để có một hệ thống NH lành mạnh, các NH vẫn phải tăng vốn chủ sở hữu nhưng tránh bài học trước đây không tăng được thì cho khất, hoặc tăng thông qua sở hữu chéo.

Ông Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên Chính sách Công- Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy
23 bài viết

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc phát triển Trường đại học Fullbright, chúng ta luôn muốn điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đạt được cả hai mục tiêu là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là duy trì giá trị đồng tiền, thông qua giữ lạm phát thấp, vừa ổn định tỷ giá, nhưng lại vừa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Năm nay, có thể mục tiêu trên sẽ khác đi so với năm 2017.

Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi đó?

Trong năm 2017, đặc biệt quý I/2017, tăng trưởng kinh tế rất thấp, gánh nặng đặt rất lớn lên CSTT là phải hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng chúng ta nhìn vào quý I/2018 thì tăng trưởng tốt. Dù cho những quý sau không tăng được tốt như quý I thì tăng trưởng GDP trong năm 2018 vẫn có thể đạt mục tiêu. Cho nên, theo tôi, định hướng về CSTT không nên đặt nặng phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hay nói cách khác là không nên nới lỏng CSTT để tăng trưởng, mà hướng CSTT tới mục tiêu duy trì ổn định đảm bảo lạm phát thấp.

Thực tế, những năm qua, NHNN điều hành CSTT luôn giữ lạm phát thấp hơn mục tiêu đặt ra và tạo uy tín rất tốt đối với thị trường, NĐT… Theo tôi, năm 2018, NHNN vẫn nên tiếp tục đặt mục tiêu này là quan trọng nhất. Thứ 2 là trước những kết quả đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô thì công cụ dùng để điều hành CSTT và tín dụng nên có lộ trình điều chỉnh.

Một vấn đề nữa theo tôi cũng nên cân nhắc có sự thay đổi. Đó là các công cụ hành chính. Nhìn lại những năm từ 2011 đến nay, do những áp lực vừa ổn định vĩ mô, vừa tái cấu trúc NH nên NHNN phải đưa ra các công cụ điều hành chính sách mang tính chất đặc biệt, không theo thông lệ của một nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là các biện pháp hành chính như trần lãi suất, quota tăng trưởng tín dụng...

Hiện đang có những quan điểm cho rằng vẫn cần áp dụng vì nhiều vấn đề tồn tại chưa xử lý được. Nhưng nhìn vào kết quả mà chúng ta đạt được, tôi tin là các NĐT, các DN, người dân tin tưởng vào sự ổn định vĩ mô. Đây chính là thời điểm để NHNN xem xét đưa ra lộ trình giảm các biện pháp hành chính như đối với trần tín dụng để thay thế bằng những công cụ mang tính gián tiếp và mang tính thị trường hơn.

Theo ông, thời gian tới, tăng trưởng tín dụng theo cách nào phù hợp?

Theo tôi, thay vì áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH, chúng ta điều hành bằng cách những NH đủ vốn, nợ xấu thấp thì không bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Nếu NH nào tăng tín dụng mà không đảm bảo đủ vốn thì không được tăng trưởng tín dụng nữa. Thực tế, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng không ai muốn.

Bởi trong bối cảnh vẫn còn NH yếu kém, NHNN buộc phải đưa ra chỉ tiêu tín dụng nhằm khống chế không để tín dụng đối với NH đó phình to ra. Nhưng như nói ở trên, đó là biện pháp hành chính không đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, tạo động cơ phát triển tốt. Khi nền tảng đang vững theo tôi nên xem xét một lộ trình để giảm bớt các biện pháp hành chính.

Ông đã thấy tín hiệu tích cực từ hoạt động xử lý nợ xấu?

Trong thời gian qua, do chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu nên bản thân các NH đã phải tạo nguồn lực tài chính để xử lý. Cụ thể là NH nỗ lực cải thiện lợi nhuận và sử dụng lợi nhuận đấy để xử lý nợ xấu thông qua trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu hồi và xử lý TSĐB thuận lợi hơn đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã tăng quyền xử lý tài sản, theo đó giúp NH xử lý nợ xấu tốt hơn.

Ở Việt Nam trước đây khi liên quan đến thu hồi nợ thì pháp luật lại nghiêng về bảo vệ con nợ thay vì chủ nợ. Điều này hoàn toàn khác so với quốc tế. Chính vì thế dẫn đến việc nợ xấu cao thì chủ nợ sợ. Nhất là xử lý tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Có những khoản nợ tranh chấp ra tòa 10 năm chưa chắc xong.

Việc ra đời Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu thực chất là tăng quyền xử lý nợ cho NH. Tôi hy vọng, thời gian tới đây Quốc hội sẽ thực hiện đánh giá tốc độ thu hồi nợ như thế nào sau thời gian Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống. Cuối cùng, để có một hệ thống NH lành mạnh, theo tôi, các NH vẫn phải tăng vốn chủ sở hữu nhưng tránh bài học trước đây không tăng được thì cho khất, hoặc tăng thông qua sở hữu chéo.

Xin cảm ơn ông!


Theo Thủy Nguyễn

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên