MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép tăng vốn ngân hàng ngày một "nóng"

14-04-2016 - 10:44 AM | Tài chính - ngân hàng

2016 sẽ hứa hẹn là một năm vô cùng sôi động của các nhà băng có kế hoạch tăng vốn. Hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đều xin cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn trong mùa Đại hội năm nay.

Theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2016, sẽ có khoảng chục ngân hàng thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ.

VPBank là ngân hàng mở màn cho mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, mặc dù ghi nhận lợi nhuận trong năm 2015 tăng mạnh nhưng HĐQT VPBank lại đề xuất là không chia cổ tức bằng tiền mà chỉ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07%. Theo ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.

Tương tự, ACB cũng dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2015 với tỷ lệ 10% (được sự chấp thuận của NHNN ngày 29/3/2016). Tổng số vốn tăng thêm là 896 tỷ đồng, tăng từ mức vốn hiện tại 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng.

Theo tài liệu công bố mới đây của ngân hàng SHB, HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông xem xét phương án tăng vốn điều lệ thêm 711 tỷ đồng từ nguồn phân phối cổ tức năm 2015.

Tại ĐHĐCĐ bất thường 2015 của SHB, cổ đông đã thông qua phương án tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu để thực hiện giao dịch sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex.

SHB cho biết hồ sơ xin chấp thuận việc nhận sáp nhập công ty VVF đã được SHB nộp lên NHNN và dự kiến sẽ được chấp thuận trong thời gian tới. Do đó trong năm 2016, SHB sẽ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của ĐHĐCĐ về nội dung này. Hiện SHB có vốn điều lệ 9.486 tỷ đồng

Dự kiến trong năm 2016, OCB cũng sẽ tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất quá trình tăng vốn năm 2015 thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu là 500 tỷ đồng.

Theo TS. Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, đa phần các tổ chức đều lựa chọn phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, sử dụng cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Bởi với quy mô vốn pháp định tối thiểu như hiện tại ở các ngân hàng cổ phần nhỏ, nếu không tăng vốn, các ngân hàng sẽ khó có cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh.

Ông lớn cũng chạy

Không chỉ những ngân hàng nhỏ mà mới đây hàng loạt ông lớn ngân hàng cũng đang đôn đáo vì tăng vốn.

VietinBank cũng đang chịu áp lực lớn phải gia tăng nguồn vốn sớm khi Basel II được áp dụng. CAR của ngân hàng VietinBank tính đến cuối năm 2015 là 10,3%. Trong khi đó, mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Nếu Basel II được áp dụng, hệ số CAR của VietinBank có thể giảm 1%.

Còn nếu NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng nâng cao tỷ lệ tỷ lệ rủi ro mới đối với cho vay bất động sản lên 250%, thì hệ số CAR có thể giảm thêm 0,5-0,7%. Như vậy, nếu không khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu (CAR = vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ngân hàng), hệ số CAR của VietinBank sẽ có nguy cơ bị tụt xuống dưới mức tối thiểu.

Hệ số CAR của BIDV cũng đang ở mức tối thiểu 9%. Với hệ số CAR như hiện nay, BIDV sẽ phải đẩy nhanh việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Ngay cả ông lớn Vietcombank cũng chưa thể lạc quan với hệ số CAR ở khoảng 11-12%. Đây là lý do khiến ngân hàng này đang lên kế hoạch tăng vốn năm 2016. Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho hay, ngân hàng đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng lên 20%.

Lãnh đạo của một số ngân hàng cho chúng tôi biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.

Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu do vậy sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các chương trình cấp tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên