MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mạnh Mỹ: Cả mùa hè vừa qua chính sách của ông Trump khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo trong khi S&P 500 ung dung lập đỉnh

22-08-2018 - 08:50 AM | Tài chính quốc tế

Mùa hè năm nay, thị trường tài chính quốc tế đã bị chi phối bởi 1 yếu tố đặc biệt: chính sách ngoại giao của nước Mỹ.

Trong khi ở ngoài kia thỉnh thoảng xuất hiện một vài đợt sóng thì chính bản thân thị trường tài chính Mỹ lại trở thành 1 ốc đảo an toàn, nhờ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra vững chắc hơn cả.

Những động thái gần đây của Nhà Trắng, dù là "phát súng mới" trong cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang với Trung Quốc hay các lệnh cấm vận quốc tế đã khiến các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc giảm điểm sâu – đúng vào thời điểm các nền kinh tế mới nổi đang đối diện với những con gió ngược như đồng USD tăng giá và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.

Ngược lại, theo giới phân tích, chứng khoán Mỹ đã đánh bại tất cả các thị trường khác do nhà đầu tư tìm kiếm 1 thị trường ổn định hơn. Tổng cộng chỉ số S&P 500 đã tăng 3% kể từ đầu quý III đến nay và tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại, trong khi chỉ số MSCI AC World ex-USA Index (thị trường thế giới trừ Mỹ) đã giảm 2,8% trong cùng kỳ và cũng giảm khoảng 8% kể từ đầu năm đến nay.

Sức mạnh Mỹ: Cả mùa hè vừa qua chính sách của ông Trump khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo trong khi S&P 500 ung dung lập đỉnh - Ảnh 1.

"Dù đó là lệnh cấm vận, thuế mới hay chính sách điều tiết của NHTW... TTCK Mỹ đều phản ứng rất bình tĩnh, và hầu hết câu chuyện đều xảy ra bên ngoài nước Mỹ", Ed Keon, chiến lược gia trưởng tại QMA, 1 đơn vị của tập đoàn tài chính Prudential Financial nói.

Số liệu từ Viện tài chính quốc tế IIF cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đã nâng tỷ trọng nguồn vốn phân bổ vào cổ phiếu và trái phiếu Mỹ lên gần bằng mức trước bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, Mỹ cũng lấy lại ngôi TTCK được ưa chuộng nhất thế giới, theo kết quả khảo sát các nhà quản lý quỹ được thực hiện bởi Bank of America Merril Lynch.

Trong quá khứ, các thị trường nước ngoài có thể bắt kịp thị trường Mỹ nếu như căng thẳng hạ nhiệt hoặc tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ chậm lại đáng kể.

Một ví dụ cho thấy chính sách của Mỹ khiến các thị trường nước ngoài chao đảo nhưng tình thế có thể nhanh chóng đảo ngược là đồng peso Mexico. Đồng tiền này đã lao dốc vì những nỗi lo về quan hệ thương mại Mỹ - Mexico, nhưng sau đó đã tăng 27% so với đồng USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2017.

Tuy nhiên mùa hè vừa qua chúng ta đã được chứng kiến "sức mạnh Mỹ" có thể khiến các tài sản nước ngoài chao đảo như thế nào, ít nhất là trong ngắn hạn.

Sức mạnh Mỹ: Cả mùa hè vừa qua chính sách của ông Trump khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo trong khi S&P 500 ung dung lập đỉnh - Ảnh 2.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống mức thấp kỷ lục do những tác động từ cuộc tranh cãi với Mỹ xung quanh vụ bắt giữ 1 mục sư người Mỹ. Vốn đang mong manh vì những chính sách kinh tế không hợp lý của Tổng thống Erdogan, lạm phát leo thang và mức nợ nước ngoài cao, đồng lira tiếp tục rơi sâu hơn sau khi Tổng thống Trump thông báo tăng gấp đôi thuế đánh vào thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các thị trường khác sớm cảm nhận được làn sóng bất ổn lây lan từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục. Rupiah của Indonesia và baht của Thái Lan cũng giảm giá do xuất hiện thông tin cả 3 quốc gia này đứng trước nguy cơ mất đi một vài đặc quyền về miễn thuế.

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu trồi sụt sau khi Tổng thống Trump hồi tháng 5 rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế đã được ký kết từ năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Gần đây ông lại khiến thị trường dầu mỏ dậy sóng sau khi ban hành lệnh cấm vận mới đối với Iran.

Đồng ruble của Nga đã giảm gần 4% và TTCK của nước này cũng lao dốc sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm vận mới. Mỹ cáo buộc Moscow đã sử dụng chất độc thần kinh nhằm vào một cựu điệp viên hai mang sống ở Anh.

Còn ở Trung Quốc, bước vào quý III, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm điểm sau khi đã rơi vào thị trường con gấu một phần vì những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thị trường châu Âu – vốn gắn chặt với cả thị trường Mỹ và các thị trường mới nổi trên phương diện thương mại – cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm 2% kể từ đầu năm đến nay. Các cổ phiếu ô tô – ngành bị đe dọa đánh thuế - giảm mạnh nhất.

Theo Larry Hatheway, chuyên gia đến từ GAM Holdings, sự kết hợp giữa căng thẳng thương mại và lạm phát tạo ra 1 môi trường rất bất lợi cho các thị trường mới nổi. Nếu như tốc độ tăng trưởng gia tăng mạnh mẽ hoặc căng thẳng thương mại được xoa dịu, các tài sản mới nổi sẽ được gọi tên đầu tiên. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì không phải như vậy.

Đồng USD tăng giá có thể khiến các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ bị sụt giảm lợi nhuận nếu như đà tăng duy trì quá lâu. Chỉ số ICE Dollar Index đang ở mức cao nhất 1 năm, tăng gần 2% kể từ đầu quý và 5% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, tác động từ chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt của Mỹ và đồng bạc xanh tăng giá lên các thị trường mới nổi có thể khuếch đại đáng kể các phản ứng của thị trường đối với bất ổn chính trị.

Thu Hương

WSJ

Trở lên trên