MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sunhouse - Tập đoàn bán chảo chống dính thu ngàn tỷ và sở thích "bắt dao rơi" của shark Phú

12-12-2017 - 15:15 PM | Doanh nghiệp

Trước khi nổi lên với vai trò vị Shark quyền lực trong chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phú đã khá quen mặt với truyền thông với vai trò một ông chủ tập đoàn chuyên kinh doanh đồ gia dụng Sunhoue và một nhà đầu tư có sở thích “bắt dao rơi” qua một số thương vụ M&A khá lạ lùng và mạo hiểm: đầu tư vào các công ty gặp khó khăn, thậm chí trên bờ vực phá sản.

Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse và các cổ đông đã bán toàn bộ vốn tại Sunhouse. Rất có thể đối tác mua lại toàn bộ cổ phần của Sunhouse là Tập đoàn Electrolux. Một chuyên gia trong ngành nhận định, Electrolux mua lại Sunhouse vì hệ thống phân phối của tập đoàn này.

Cùng tìm hiểu quá trình phát triển của Sunhouse và quan điểm kinh doanh đầu tư của ông chủ tập đoàn này - "shark" Nguyễn Xuân Phú để hiểu hơn về tiềm lực hiện tại của tập đoàn này.

Từ công ty bán chảo chống dính đến tập đoàn ngàn tỷ doanh thu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng được ông Nguyễn Xuân Phú thành lập vào tháng 5/2000.

Khởi nghiệp khá thuận lợi với mảng thương mại - nhập khẩu trong giai đoạn 2000 - 2004, lúc thị trường Việt Nam mở cửa đã giúp công ty luôn đạt mức tăng trưởng cao. Giai đoạn khó khăn bắt đầu khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, thị trường phát triển nóng, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn do đồng won tăng giá.

Nhận thấy sản xuất nội địa sẽ giảm được một khoản chi phí đầu vào lớn, năm 2003, ông Phú đã mời một đối tác Hàn Quốc, có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng gia dụng, cùng liên doanh đầu tư sản xuất với tỉ lệ góp vốn 70-30.

Năm 2004, công ty của ông Phú chính thức liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam và xây dựng nhà máy liên doanh sản suất đồ gia dụng, ứng dụng công nghệ Anodized lạnh. Giữa năm 2004, nhà máy tại Việt Nam ra mắt sản phẩm đầu tiên là bộ nồi inox và chảo chống dính mang thương hiệu Sunhouse. Sản phẩm này sau đó chiếm đến 60% thị phần chảo chống dính toàn quốc.

Tuy nhiên, thời kỳ đầu, công ty lỗ nặng. Cuộc họp tái cấu trúc công ty nhanh chóng được triệu tập. Để cạnh tranh với các đối thủ đã có thương hiệu, ông Phú quyết định phải lập lại bộ máy kinh doanh và tăng cường đầu tư sâu sản xuất nguyên vật liệu và linh kiện.

Thành công bước đầu, ông Phú lấy lãi thu được quay lại tái đầu tư, mở rộng quy mô. Năm 2010, Sunhouse chính thực được lấy tên là Công ty Cổng phần Tập đoàn Sunhouse, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng (hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…).

Từ nhà máy 12.000 m2 với 60 lao động, hiện nay, Sunhouse đang sở hữu 7 công ty thành viên và 6 nhà máy, với tổng diện tích hơn 40ha, nhân sự 1.600 người, cùng mạng lưới 50.000 điểm bán, có mặt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng truyền thống… trên 63 tỉnh thành; bước đầu đã vươn ra các thị trường nước ngoài như Đông Nam Á, Trung Đông...

Tổng quy mô thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam theo ước tính của Bộ Công thương vào khoảng 15 tỷ USD. Hiện Sunhouse đứng thứ hai về doanh thu trên thị trường ngành với 1,8 nghìn tỷ đồng (79,2 triệu USD), xếp sau Kangaroo với doanh thu năm 2016 khoảng 2 nghìn tỷ đồng (88 triệu USD), chủ yếu đến từ các sản phẩm lọc nước. Tuy nhiên, tính riêng doanh thu từ các thiết bị gia dụng, Sunhouse đang nắm giữ thị phần lớn nhất của khoảng 8% thị trường trong nước.

Sở thích “bắt dao rơi” và mô hình công ty gia đình

Được truyền thông biết đến là một người có sở thích "bắt dao rơi" sau một vài thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp đang gặp "vấn đề", theo ông Phú, để đưa doanh nghiệp nhanh chóng phình to, cách nhanh nhất là M&A.

Còn nhớ, cuối năm 2011, ông Phú đã gây xôn xao dư luận khi quyết định mua lại Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn - một công ty con thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đang bên bờ vực phá sản. Giá mua gấp 3 lần thị giá của SHC. Sau khi mua lại SHC, ông Phú đã xử lý các khoản nợ xấu của SHC, cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp này và giao cho bà Nguyễn Thị Vân Anh - em gái út của ông quản lý.

“SHC chuyên về dịch vụ logistics, vận tải... những ngành sẽ hỗ trợ tốt cho Sunhouse trong việc hoàn thiện bộ máy lưu thông hàng hóa từ cảng biển về kho và từ kho tới các điểm phân phối. Cơ sở hạ tầng sẵn có của SHC như hệ thống cảng, văn phòng, đầu kéo, container, xà lan sông cũng còn khá tốt để Sunhouse có thể tận dụng”, ông Phú cho biết.

Hay tháng 9/2013, ông Phú chi khoảng 7,7 tỉ đồng để mua hơn 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI), với giá 3.400 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ đông của SHI.

Theo ông, kết quả kinh doanh của SHI không tốt là do đầu tư dàn trải, cả vào những lĩnh vực không phải thế mạnh, nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng, giá cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực. “Tuy nhiên, Sơn Hà là một công ty có tiềm lực về tài chính, công nghệ và con người, có nền tảng phát triển bền vững. Họ cũng sản xuất các mặt hàng gia dụng nên có thể hỗ trợ cho Sunhouse”, ông cho biết.

Trong chia sẻ với báo chí vài năm trước, ông Phú cho biết 70-80% cổ phần Tập đoàn Sunhouse do anh em gia đình ông nắm giữ. Trên thực tế, Sunhouse hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với 1 công ty mẹ và 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm – bánh kẹo, hàng gia dụng, logistics. Ngoài công ty mẹ do ông Nguyễn Xuân Phú quản lý, các công ty còn lại đều do anh em ruột và người thân tín của ông điều hành. Ông Phú khẳng định bản thân ông rất yên tâm với mô hình công ty gia đình này.

Là một lão làng trong lĩnh vực kinh doanh đồ gia dụng, theo ông Phú, thị trường thiết bị gia dụng không đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao cũng không cần nhiều lao động, trong khi lao động dồi dào là một lợi thế của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chi phí lao động ở Trung Quốc sẽ tăng do thu nhập của người dân đang được tăng cường, vì vậy Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục chiến lược lao động giá rẻ. Vào thời điểm đó, Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Tuy nhiên, ông Phú nói rằng thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ đến từ các đối thủ cạnh tranh từ Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc do sự miễn thuế do các hiệp định thương mại của Việt Nam quy định. Bên cạnh đó, thị trường trong nước đòi hỏi phải có sản phẩm đa dạng, đó là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Kiến Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên