MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác dụng thú vị của bức tường ngăn cách “hai thế giới” ở Hà Nội

Những bức tường ngăn cách các khu đô thị thượng lưu như Ciputra, Ecopark… với phần còn lại của thành phố có tác dụng như một màn chắn ô nhiễm không khí, tiếng ồn và cũng giúp tạo ra một vùng kinh doanh riêng biệt cho các dịch vụ cao cấp ở bên trong.

Các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản trên khắp thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD vào các cộng đồng biệt lập và ngày càng tham vọng. Ở phía tây Ấn Độ, Lavasa - một dự án đã được đổ vốn 30 tỷ USD để xây dựng thành phố tư nhân đầu tiên. Từ Punta del Este ở Uruguay đến Bangkok, Thái Lan, những khu vực tinh hoa đang được xây dựng để tách biệt khỏi các thành phố.

Nếu như ở Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara, động lực thúc đẩy giới thượng lưu sống sau các bức tường  là mối lo ngại về an ninh và tội phạm đô thị, thì tại Hà Nội, các dự án phát triển này lại nổi lên như là một khu vực thuận tiện và trong lành, không ô nhiễm.

Ở Hà Nội, những ngày xấu nhất, bụi mờ kín thành phố. Người bán hàng rong bán khẩu trang khắp nơi trên những con phố đông đúc. Số lượng ô tô và xe máy tăng cao, sinh ra hàng tấn khí thải, và tiếng ồn. Qua đường thôi cũng quá nguy hiểm, người dân ngày càng quan ngại về ô nhiễm khí thở.

Theo Lisa Drumond, một giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học York ở Toronto, đã nghiên cứu về Hà Nội trong nhiều thập kỷ: "Hiện nay, có rất nhiều cuộc thảo luận về ô nhiễm khí thở ở Hà Nội. Mọi thứ đang trở nên nguy hiểm và độc hại hơn".

Bằng cách tạo ra những không gian nơi mà những người giàu có có thể tách mình khỏi thành phố, những nhà phát triển bất động sản giới thiệu những đô thị được quảng bá với môi trường tuyệt vời, coi thành phố trung tâm như là một không gian độc hại cần tránh.

Vào một buổi sáng cuối tuần, giao thông ùn tắc bên ngoài cổng Ciputra, nhưng những người bán hàng rong không được phép vào bên trong. Âm thanh duy nhất của cuộc sống nơi đây là những đứa trẻ đang chơi trong sân của một trong những trường tư thục.

Tương tự, Ecopark được quảng cáo như một sự hài hòa hoàn hảo của con người và thiên nhiên, với những khu vực sinh thái mở nơi bạn và gia đình có thể đi dạo hoặc chỉ đơn giản là ngồi dưới bóng cây trong một chuyến dã ngoại, tận hưởng thiên nhiên trong lành nhất.

Được phát triển bởi Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng - liên doanh của một số công ty bất động sản Việt Nam, Ecopark là một khu đô thị lớn với quy hoạch tổng thể 500 hecta. Dự kiến hoàn thành năm 2020, Ecopark đang mở theo từng giai đoạn, với khu đầu tiên - Palm Springs - đã hoàn thành, có tới 1.500 căn hộ, 500 biệt thự và 150 shophouse. Giá thuê ở khu này là 1.500 USD, gấp hơn 10 lần mức lương tối thiểu hàng tháng của một công nhân tại Việt Nam.

Ở khu vực gần Ecopark, dân làng cho biết hàng ngàn gia đình, nhiều nông dân rơi vào thất nghiệp và nợ nần do mất sinh kế. Phú là một trong số đó, một nông dân trồng lúa trước đây sống ở làng Xuân Quang, gần Ecopark. Ông nói rằng gia đình ông đã mất gần 1.000 m2 đất cho dự án, họ nhận được 50 triệu đồng. Ông nói rằng số tiền đó là không đủ để bù đắp cho mất mát của gia đình ông. Ông và những người con của ông, cũng là nông dân, đã mất việc.

Người dân không muốn bán đất vì đã là nông dân thì phải có đất, giống như công nhân cần nhà máy, ông Phú nói: "Bây giờ chúng tôi đã mất đất, chúng tôi phải làm gì?". Ở tuổi 83, ông nói rằng mình quá già để thay đổi.

Phục vụ người giàu

Thị trấn tư nhân và phát triển bất động sản xa xỉ, và phục vụ cho giới thượng lưu đô thị làm cho một số người Việt Nam trở nên giàu có hơn.

Khi Forbes Việt Nam ra mắt vào năm 2014, Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup được coi là Donald Trump Việt Nam. Giá trị tài sản ròng ước tính 1,9 tỷ đô la của ông bao gồm cổ phần tại Vingroup, một trong những tập đoàn lớn nhất trong lĩnh vực phát triển trung tâm mua sắm và nhà ở cao cấp. Tại Hà Nội, danh mục đầu tư của Vingroup bao gồm một khu phức hợp ngầm khổng lồ ở phía nam trung tâm thành phố, hoàn chỉnh với một sân trượt băng quanh năm.

Hà Nội không phải là nơi duy nhất chuyển mình mạnh mẽ với các khu đô thị thượng lưu. Gã khổng lồ bất động sản Singapore Keppel Land và Banyan Tree Holdings, Lotte của Hàn Quốc, Sun Wah Group của Hong Kong cũng tạo ra nhiều thay đổi tương tự trên các tỉnh thành khác. Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô hợp tác với Tập đoàn Rose Rock - thành lập bởi gia đình Rockefeller, đang phát triển một tổ hợp bất động sản khổng lồ trị giá 2,5 tỷ USD dọc theo bờ biển ở phía đông nam Việt Nam.

Danielle Labbé là giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montreal, đã theo dõi sự bùng nổ của các khu đô thị mới được quy hoạch tổng thể ở thành phố Hà Nội trong nhiều năm. Labbé nói rằng sự bùng nổ này được thúc đẩy bởi hai bộ luật chính: luật đất đai mới năm 2003 và nghị định năm 2007, trao quyền quyết định về địa phương nhiều hơn so với tập trung hoàn toàn ở trung ương trước đó. Năm ngoái, Việt Nam cũng nới lỏng chế tài với quyền sở hữu công ty và tài sản của người nước ngoài - áp dụng các chính sách mới để thúc đẩy FDI vào bất động sản.

Trở lại với Ciputra, anh Lam (40 tuổi, lớn lên ở làng quê phía tây Hà Nội, kiếm sống nhờ xưởng bán khung tranh chạm khắc theo yêu cầu) nói rằng thỉnh thoảng anh cũng kiếm được tiền từ khu nhà giàu. Trên bàn làm việc của Lam, tựa lên tường là ba bức tranh, được đóng khung trang nhã trong gỗ tối màu đơn giản, dành cho khách hàng ở Ciputra. Nhưng Lam nói rằng cơ hội như vậy là rất hiếm. "Người giàu và người nước ngoài sẽ đến các trung tâm mua sắm lớn, ít mua đồ ở chỗ chúng tôi", anh nói. "Tôi thì đủ sống, nên tôi không lo lắm. Nhưng quanh tôi, người thì quá giàu, người lại quá nghèo".

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

The Guardian

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên