MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc NHTM: Thay đổi cách thức điều hành

04-07-2016 - 08:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ mới đã xác định sẽ kiên quyết tái cấu trúc hệ thống NHTM, xem đó là hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế, nhưng cũng là hệ thống ổn định của kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát để duy trì lãi suất thấp, xử lý nợ xấu quy mô lớn để giảm lãi suất.

Phải tuân thủ nguyên tắc thị trường

Tái cấu trúc NH tốn rất nhiều tiền, nhiều nước phải vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên đến hàng trăm tỷ USD. Tái cấu trúc NH cũng tốn kém rất nhiều thời gian và những thay đổi về pháp lý. 5 năm vừa qua Chính phủ cũng như NHNN đã tiến hành một bước ngắn về tái cấu trúc, tức duy trì các NHTM hoạt động trở lại ổn định trong tình trạng thanh khoản bình thường, tạo điều kiện cho một số NH lớn phục hồi và tăng trưởng khả năng sinh lời, nhưng cũng ra tay kiên quyết tái cấu trúc các NH yếu kém.

Tuy nhiên công việc chỉ mới dừng lại ở mức tạm ổn định, vẫn còn đó một khối nợ xấu khổng lồ, không chỉ là những con số các NHTM báo cáo mà lớn hơn rất nhiều; vẫn còn đó tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm và toàn bộ các thể chế về hoạt động; an toàn hệ thống, quản trị rủi ro chưa tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đó là những điều mà trong vòng 5 năm tới phải thực hiện và NHNN đang xây dựng đề án trình Chính phủ.

Đề án lần này sẽ thực hiện rõ ràng minh bạch, xấu nói xấu, tốt nói tốt, công khai minh bạch để Chính phủ dựa vào đó “liệu cơm gắp mắm”, tiền có đến đâu làm đến đó, mở cơ chế đến đâu làm đến đó và khuyến khích các NHTM tự chịu trách nhiệm và giải quyết dưới sự giám sát của NHNN.

Bên cạnh đó, tới đây việc tuân thủ nguyên tắc thị trường cũng cần phải được áp dụng. Trước đây có nhiều vấn đề phải tổ chức rất nhiều cuộc họp nhưng bàn không ra, đơn giản vì không tuân thủ nguyên tắc thị trường. Thí dụ như trong vấn đề cân đối ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, đã có thời điểm chúng ta cần 11 tỷ USD nhưng tính toán mãi chỉ cân đối được 2,7 tỷ USD chỉ vì không chấp nhận nguyên tắc thị trường.

Nếu theo nguyên tắc thị trường, các NH đầu mối mua ngoại tệ theo giá thị trường và bán ngoại tệ đó theo giá thị trường cho Tổng công ty Xăng dầu, Tổng công ty Xăng dầu cũng hạch toán ngoại tệ đó theo giá thị trường vào trong giá tính thuế xăng dầu, lập tức 8 tỷ USD không cân đối được sẽ cân đối trong thời gian rất ngắn. Một việc tưởng như không giải quyết được lại được giải quyết nhanh theo giá thị trường. Vì vậy cần hướng tới nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động, sinh lời và phá sản theo nguyên tắc thị trường. Có trường hợp DN vay 1.400 tỷ đồng cách đây 3-4 năm nhưng gặp khó khăn, nếu như lúc đó cho phép phá sản, DN có thể bán tài sản để trả nợ, nhưng lại không cho phá sản mà hoãn thu hồi nợ hay nói cách khác là giãn nợ.

Phương thức này làm phát sinh nợ từ 1.400 tỷ đồng thời điểm đó đến nay đã lên 3.000 tỷ đồng, trong khi đó tài sản của DN 3 năm trước trị giá 1.400 tỷ đồng thì hiện bán chưa đến 700 tỷ đồng. Hay như việc cho phép tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780 dẫn đến nợ xấu tăng lên, bởi lãi dự thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng (lấy con số lãi dự thu nhân với khoảng 8-9 lần sẽ ra con số nợ xấu).

Lãi dự thu tức nợ xấu không chuyển nhóm, cứ thế thu lãi, có NH có lãi dự thu lên đến 20.000 tỷ đồng. Do vậy những vấn đề này không nên kéo dài thời gian, trì hoãn, bởi không giải quyết được nền kinh tế không phục hồi phát triển được trong trung hạn.

Lâu nay các chính sách đầu tư chỉ khuyến khích bằng tín dụng, đẩy chính sách đầu tư công từ ngân sách sang các NHTM mà các NHTM không phải là tổ chức chịu đựng được rủi ro. Vì thế các NHTM từ chối hoặc lảng tránh, hoặc trả lời cho có vì không thể thực hiện.

Do đó, các chính sách hỗ trợ DN vẫn nằm đó. NH là nhà kinh doanh với đặc thù rủi ro rất lớn, vì họ là người đi vay tiền của người khác để cho vay, nên họ cần phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ lại bị đẩy vào chỗ phải có những sai sót, đặc biệt là 4 NHTM có vốn nhà nước. Số tiền 4 NH này phải đứng ra chịu trách nhiệm cho chính sách rất lớn nên thường gặp khó khăn về tài chính. Đó là những điều phải rút kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc NH trong những năm tiếp theo.

Thách thức điều hành nhưng vẫn có lối mở

Tuy nhiên, khó khăn cho Chính phủ là nguồn lực tài chính, nên việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa và toàn bộ DN trong việc duy trì lãi suất thấp không hề dễ. Lãi suất nếu không được kiểm soát tốt rất có thể lạm phát tăng trở lại, khi đó giá các mặt hàng cơ bản đang có dấu hiệu phục hồi lại trông chờ tăng trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là lợi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi xuống, lãi suất liên NH cũng đang ở mức khá thấp, đó là điều trong ngắn hạn có thể duy trì lãi suất ở mức thấp. Song về dài hạn cần phải kiểm tra dư địa của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn bao nhiêu.

Để giảm lãi suất phải nới lỏng tiền tệ, muốn nới lỏng phải có dư địa của chính sách tiền tệ mới làm được chứ không thể in thêm tiền. Trung Quốc hiện đang giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 17-20%, với dư địa rất lớn họ có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5-10% Hoa Kỳ cũng đang để tỷ lệ dự trữ bắt buộc 10%. Trong khi Việt Nam trước đây để tỷ lệ này 10% nhưng hiện chỉ có 3% nên không giảm xuống được nữa. Chính sách tài khóa càng không còn dư địa, thâm thủng ngân sách quá lớn.

Về nguồn lực, chúng ta chỉ có dự trữ ngoại tệ khoảng 35-36 tỷ USD, khoản này cũng chỉ là một nguồn lực tạm vì so với quy mô nhập khẩu, khoản này chỉ đủ 10 tuần nhập khẩu, nếu không may rắc rối gặp thiên tai, phần đó không đủ, chưa kể còn vô vàn chi tiêu khác. Do đó có thể nói Chính phủ mới trong bối cảnh mà dư địa phát triển không còn gì.

Nhà điều hành tại Việt Nam luôn đứng trước mâu thuẫn lớn mà điều này đã thành quy luật, không ai làm khác được trước mối quan hệ tỷ giá - lãi suất VNĐ - cung ứng tiền. Muốn lãi suất giảm phải tăng cung tiền và đẩy tỷ giá tăng lên; nếu không muốn tỷ giá tăng theo nguyên tắc giữ ổn định, NHNN phải bán ngoại tệ chứ không thể làm bất cứ điều gì trái thị trường.

Trường hợp Chính phủ yêu cầu không để tăng lạm phát trong tương lai buộc phải thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ đẩy lãi suất tăng lên, theo đó tỷ giá hối đoái sẽ giảm; nếu NHNN không muốn tỷ giá giảm sẽ phải bỏ VNĐ để mua USD (từ đầu năm đến nay đã mua 8,2 tỷ USD để tỷ giá ổn định nếu không tỷ giá giảm xuống ảnh hưởng đến xuất khẩu).

Như vậy, điều hành thị trường tiền tệ sẽ không thể không trả giá về mặt chính sách, do vậy theo tôi nên tạm thời để ổn định ít nhất qua chu kỳ tăng trưởng thấp này. Kinh tế Việt Nam từ năm 2013 đang ở đáy và tăng dần lên đến năm 2014 và lại xuống đáy mới vào năm 2016.

Câu hỏi đặt ra là đáy này còn bao lâu? Nhóm phân tích mô hình của chúng tôi và các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu và cho rằng sẽ kéo dài đến hết quý III-2016, sau đó chu kỳ ngắn hạn này sẽ đi lên. Rất có thể sự kiện Brexit làm cho chu kỳ này kéo dài, nhưng dù sao chúng ta cũng sẽ có chu kỳ tăng trưởng dài hạn trong tương lai, nên tất cả đầu tư nên hướng vào việc tận dụng xu thế tăng trưởng dài hạn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa

Sài Gòn Đầu tư

Trở lên trên