MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 tháng đầu năm: Nợ xấu tăng 66%, đã xử lý được 12.000 tỷ đồng

13-11-2012 - 12:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ đầu năm đến nay các TCTD đã xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu, khoản trích lập dự phòng mới tăng 14.000 tỷ đồng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro đến nay khoản 75.000 tỷ đồng.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (13/11), trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã thấy nguy cơ nợ xấu từ tháng 8/2011 và nguy cơ nợ xấu đang tăng lên rất nhanh.

Từ đầu năm đến nay nợ xấu tăng 66%

Tốc độ tăng trưởng nợ xấu gia tăng nhanh chóng từ năm 2008 (năm 2008 nợ xấu tăng 74%, 2009 27%, 2011 là 64%, từ đầu năm đến nay nợ xấu tăng 66%) như vậy khi đất nước gặp nhiều khó khăn thì hệ quả của việc áp dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ đã làm nợ xấu gia tăng liên tục. Nếu không giải quyết nợ xấu một cách kịp thời, có thể chúng ta sẽ phải mất 5 năm, thậm chí 15 năm để giải quyết vấn đề này.

Theo Thống đốc, hiện nay có 3 loại số liệu về nợ xấu, nhưng con số đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa thực tiễn nhất, số liệu báo cáo của các hệ thống tín dụng, nợ xấu đến 30/9 là 4,93% còn con số đánh giá của NHNN là 8,82%.

Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, thứ nhất là tại các TCTD cho vay vốn, thứ hai là ở các DN đi vay vốn, thứ ba là cơ chế chính sách ở cả chính sách vĩ mô và phát triển ngành, thứ tư là môi trường kinh doanh trong và ngoài nước và cuối cùng là do công thác thanh gia giám sát.

Về phía NHTM, trách nhiệm của các NHTM là lớn nhất, do tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng tín dụng không tốt, khi môi trường kinh doanh xấu đi thì nợ xấu ắt phải gia tăng.

Các giải pháp giảm nợ xấu

Đã có 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại

Thống đốc cho biết, trong thời gian qua hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm nợ xấu. Các TCTD phải cơ cấu lại nợ, đánh giá lại thực trạng DN để xác định thời hạn, lãi suất phù hợp hơn. Trong tháng 4/2012 vừa qua NHNN đã ban hành văn bản 780 về cơ cấu nợ cho DN và đã đem lại kết quả rất ấn tượng. Đến 30/6 tổng số nợ cơ cấu lại chỉ khoảng hơn 36.000 tỷ thì đến 30/9 số nợ được cơ cấu lại lên đến 252.000 tỷ đồng.

Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng cỡ khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nếu không có các giải pháp này thì nợ xấu không thể giải quyết được, nợ xấu sẽ không phải 4,93% mà là con số cao hơn.

Trích lập dự phòng 75.000 tỷ đồng, đã xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo số liệu Thống đốc công bố, bản thân các TCTD dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của NHNN đã trích lập dự phòng rất tốt, từ đầu năm đến nay hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng mới tăng 14.000 tỷ đồng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro đến nay (cả chung và riêng cỡ 75.000 tỷ đồng), các TCTD đã xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình.

NHNN thời gian vừa qua đi thanh tra giám sát ở một số TCTD, nhiều TCTD báo cáo nợ xấu chỉ 1-3% nhưng khi thanh tra giám sát thì có TCTD có nợ xấu lên đến vài chục phần trăm. Điều này để thấy rằng trách nhiệm về nợ xấu trước hết của TCTD, nợ xấu tăng cao gây tổn thất cho Ngân hàng thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro. Điều này dẫn đến việc ngân hàng hoặc không có lợi nhuận, hoặc phải sử dụng vốn điều lệ và vốn thực có để xóa nợ, cổ đông nhỏ phải bán tài sản hoặc các biện pháp khác để có tình hình tài chính lành mạnh.

Thống đốc cho biết, nếu TCTD có sai phạm về kinh tế phải xử lý theo pháp luật về kinh tế, NHNN sẽ tạo điều kiện để TCTD khắc phục hậu quả kinh tế đã gây ra.

NHNN đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống, tất cả TCTD nào chưa trích lập dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức, giao ngân hàng các cấp phê duyệt kế hoạch phân chia cổ tức của các TCTD để có nguồn vốn xử lý nợ xấu.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên