MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 lý do Việt Nam không phá giá VND

13-05-2010 - 09:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Cty CK Thăng Long đã phân tích vấn đề tỷ giá đang nóng lên mấy ngày gần đây sau phát biểu của 1 tổ chức trong nước rằng có thể phải phá giá VND để hỗ trợ vĩ mô.

Sau khi liên tiếp giảm nhờ lượng cung dồi dào thì khoảng một tuần gần đây giá USD trên thị trường phi chính thức đã bắt đầu tăng trở lại. Việc lên hay xuống giá của đồng USD là điều bình thường trong một thị trường vận hành theo quy luật cung cầu. Trong bối cảnh đó, một số tổ chức đã đưa ra nhận định về việc chính phủ Việt Nam có thể có ý định phá giá tiền tệ tiếp khoảng 4% nhằm kích thích xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng.

Ngay cả khi không gặp phải sự phá giá trả đũa của các đối tác thương mại, thì mục đích phá giá tiền tệ nhằm kích thích xuất khẩu đối với kinh tế Việt Nam lúc này rõ ràng là một lập luận thiếu cơ sở khoa học. Chúng tôi có thể liệt kê ít nhất 3 lý do chính mà Việt Nam không nên phá giá lúc này như sau:

1. Cùng với mục tiêu tăng trưởng (6,5%) thì mục tiêu kiểm soát lạm phát (đã được điều chỉnh lên 8%) là hai mục tiêu chính sách quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2010. Với đặc thù của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu, việc phá giá tiền tệ 4% cũng sẽ khiến cho giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng gần tương ứng, đẩy chi phí đầu vào của các doanh nghiệp lên cao, đồng thời vừa gây ra lạm phát vừa làm giảm tăng trưởng kinh tế. Do vậy mục tiêu kích thích tăng trưởng bằng thông qua cầu xuất khẩu (nhờ phá giá tiền tệ) sẽ là một giải pháp tồi do nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí và cung của các doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, số liệu thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy CPI đã tăng hơn 9,2% so với cùng kì năm ngoái và gần 4,3% so với đầu năm thì việc phá giá tiền tệ còn khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm soát dưới hai con số trở nên xa vời. Rõ ràng đây là điều mà chính phủ Việt Nam hoàn toàn không mong muốn xảy ra với bất cứ giá nào.

2. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những sản phẩm thiết yếu (khoáng sản, nông thủy sản, may mặc, dầy dép,…) và đã có lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả với sản phẩm của các nước khác. Cầu về những sản phẩm này co dãn thấp so với thu nhập và giá cả (tức là khi giá cả giảm nhờ phá giá, hay thu nhập của khách hàng tăng thì cầu về hàng xuất khẩu của Việt nam không thay đổi nhiều). Điều này đã được chứng minh trong năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì lượng xuất khẩu của những mặt hàng này không hề suy giảm (thậm chí còn tăng).

Do vậy, việc cố tình phá giá để kích thích xuất khẩu không những không đạt được mục tiêu mong muốn mà còn làm giảm uy tín đồng nội tệ và gây ra bất ổn trên thị trường tiền tệ. Cái mà Việt Nam nên làm lúc này để kích thích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại là tìm kiếm và khai thác thêm những thị trường xuất khẩu mới (bên cạnh những thị trường truyền thống như Mĩ, Nhật, và châu Âu) ví dụ như Trung Quốc, Asean, châu Phi, Trung Đông,… Những thị trường này rõ ràng là rộng lớn và chưa được khai thác đúng với tiềm năng, Việt Nam lại có ưu thế về chi phí vận chuyển và chất lượng đòi hỏi ở những thị trường này cũng không khắt khe như ở những thị trường truyền thống.

3. Theo báo cáo gần đây của Ủy Ban Tài chính – Ngân sách Quốc Hội thì đến cuối năm 2010 nợ quốc gia sẽ vào khoảng gần 45% GDP, tương đương với khoảng 750 ngàn tỉ đồng. Quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài Chính cũng cho thấy vay nợ nước ngoài chiếm khoảng 18% bội chi ngân sách. Do vậy, tổng nợ quốc qia đối với nước ngoài sẽ vào khoảng hơn 18% x 750 ngàn tỉ = 135 ngàn tỉ đồng. Việc phá giá 4% cũng có nghĩa là gánh nặng nợ của Việt Nam đối với nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 4% x 135 ngàn tỉ đồng = 5400 tỉ đồng, hay tương đương với 285 triệu USD.

Cân nhắc giữa lợi ích và chi phí ở trên thì việc lập luận chính phủ nên phá giá để kích thích xuất khẩu và tăng trưởng rõ ràng là một giải pháp tồi đối với kinh tế Việt Nam. Những lập luận như vậy chỉ nhìn thấy một mặt của các vấn đề kinh tế. Việc phá giá chỉ nên được thực hiện khi sức ép thâm hụt thương mại cao và dự trữ ngoại hối về ngưỡng an toàn tối thiểu cho hệ thống tiền tệ quốc gia. Tỉ giá nên được tự do biến động theo cung cầu và với luồng ngoại tệ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm thì rõ ràng việc phá giá tiền tệ sẽ là sai lầm. Nếu giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục thâm hụt thương mại chỉ đơn giản là phá giá tiền tệ thì có lẽ chính phủ Việt Nam đã thực hiện từ lâu chứ không cần đợi các “chuyên gia” đưa ra lời khuyên lúc này.

Phạm Thế Anh, Chief Economist 

Công ty CK Thăng Long

tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên