MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ẩn số lãi suất

06-09-2015 - 19:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng đang tăng nhanh, 8 tháng đầu năm đạt 9,31%. Bài toán tỷ giá đã được hóa giải nhưng câu chuyện lãi suất cao lại đang nóng lên.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/8, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 9,31% so với cuối năm 2014 trong khi cùng kỳ, tín dụng chỉ tăng 4,07%. Trong khi tín dụng tăng khá mạnh thì huy động vốn vẫn giữ ở mức độ khá ổn định.

Cụ thể, tính đến 20-8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%). Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,22% (cùng kỳ năm 2014 tăng 8,46%). Trong tháng 8 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND tương đối ổn định so với tháng trước. Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định.

Tăng trưởng tín dụng đang là điểm sáng của nền kinh tế. Và dự đoán trong thời gian còn lại của năm, đến thời kỳ tăng tốc sản xuất của doanh nghiệp, tín dụng còn tăng mạnh nữa. Tuy nhiên, một nỗi lo đang mở ra, lãi suất sẽ nóng dần lên và tạo lập mặt bằng mới. Theo tính toán của nhiều chuyên gia tài chính, khi tỷ giá tăng 3%, lãi suất có thể tăng khoảng 1%.

Trở lại với các động thái điều hành của NHNN thời gian gần đây. Đầu tiên NHNN sử dụng biện pháp kỹ thuật hôm 12/8 tăng gấp đôi biên độ tỷ giá từ cộng trừ 1% lên cộng trừ 2% trong bối cảnh Trung Quốc phá giá sâu đồng nhân dân tệ. Sau đó 1 tuần, NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% và nới thêm biên độ tỷ giá +/-3% để đón đầu trước nguy cơ Cục dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng sắp điều chỉnh lãi suất USD.

Nếu như bức tranh tín dụng năm 2015 được nhận định khá lạc quan, thì câu chuyện lãi suất vẫn là một ẩn số khi có nhiều nhận định khác nhau. Bài toán giảm lãi suất đang gặp trở ngại lớn vì bài toán tỷ giá. NHNN đã chủ động dẫn dắt thị trường bằng việc điều chỉnh tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt nhưng bù lại, ở phía bên kia là giới ngân hàng đau đầu với bài toán lãi suất.

Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại nhìn nhận, các ngân hàng cần cân đối nguồn vốn đầu vào tốt hơn và phải có sự đồng thuận giữa các ngân hàng. Nếu một số ngân hàng “phá rào” lãi suất thì rất nguy hiểm.

Đầu năm 2015, NHNN đưa ra mục tiêu, nếu có thể được sẽ cố gắng cắt giảm lãi suất 1-1,5% để hỗ trợ DN. Cộng đồng DN cũng luôn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Báo cáo mới nhất Theo dõi Tài chính SME châu Á 2014 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho rằng, các DN nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam cần được tiếp sức, đặc biệt là việc tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính từ ngân hàng.

Ngoài tỷ giá, còn nhiều yếu tố bất lợi đang làm khó mục tiêu giảm lãi suất. Đó là thực tế huy động vốn đang chậm lại. Một số kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán đang ấm dần. Đặt trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh nên các ngân hàng cũng không còn dư thừa nhiều tiền như trước. Điều này khiến các ngân hàng “ngại” điều chỉnh lãi suất cho vay.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay e rằng khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5 - 2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên điều chỉnh lãi suất giảm khó.

Gần đây, lãi suất kỳ hạn ngắn ngày đã được các ngân hàng điều chỉnh nhẹ. Một số ngân hàng ngoài quà tặng kèm còn cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,1 - 0,3% để giữ chân và thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Điều này tạo điều kiện tạo cửa để sóng lãi suất cao dâng trở lại.

Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận xét, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới.

 

Theo H.Hương

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên