Năm 2010, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và
nước ngoài sẽ diễn ra sòng phẳng hơn, trên một “sân chơi” bình đẳng hơn.
Nếu như 2 năm trước, việc xuất hiện của các ngân hàng con
100% vốn nước ngoài trở thành tâm điểm gây chú ý, thì nay đã trở nên khá phổ biến.
Hiện có 5 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài (gồm HSBC, ANZ,
Standard Chartered, Hong Leong và Shinhan Bank) được cấp phép hoạt động tại Việt
Nam và còn nhiều hồ sơ khác đang chờ phê duyệt.
Sự gia tăng mạng lưới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài
chính bán lẻ của các ngân hàng ngoại cũng sẽ làm tăng áp lực với các ngân
hàng trong nước.
Theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO), 7 năm sau khi gia nhập, ngoài việc cấp phép hoạt động cho ngân hàng con
100% vốn ngoại, Việt Nam sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế định lượng. Số ngân hàng, tổng
giá trị giao dịch, số lượng nghiệp vụ, số nhân viên ngân hàng, nhận tiền gửi và
cho vay cũng như điểm đặt ATM... giữa các ngân hàng trong và ngoài nước sẽ
không có sự phân biệt. Vì vậy, các ngân hàng nước ngoài sẽ phình to cùng với xu
thế phát triển tương tự ở hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hiện các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đi vào hoạt động
trong năm qua đang nhanh chóng mở rộng quy mô và đẩy mạnh chiến lược phát triển
dịch vụ bán lẻ. Cụ thể, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam, hiện đã có
3 chi nhánh (ở Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương), 3 phòng giao dịch (PGD) ở Hà Nội,
4 PGD ở TP.HCM. Theo kế hoạch, trong năm 2010, HSBC Việt Nam sẽ mở thêm
PGD ở TP.HCM, Hà Nội và chi nhánh tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai.
HSBC Việt Nam từng bước gia tăng dịch vụ tài chính bán lẻ,
nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, mà đáng chú ý là việc HSBC Việt Nam vừa giới thiệu 10 máy ATM
đa chức năng mới (MFM) trong tuần đầu tiên của năm 2010. Mỗi chi nhánh và PGD của
HSBC Việt Nam
được lắp đặt một máy MFM nhằm giúp cho khách hàng có thể trực tiếp gửi tiền đồng
vào tài khoản HSBC.
Bà Lyndsay Rajah, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính
cá nhân của HSBC Việt Nam cho biết, HSBC cam kết cung cấp những sản phẩm sáng tạo
theo chuẩn quốc tế cùng với các dịch vụ được thiết kế riêng cho khách hàng Việt
Nam.
“Bước phát triển mới nhất của dịch vụ ngân hàng cá nhân này
cũng hỗ trợ cho chiến lược chuyển bớt các giao dịch thực hiện tại quầy giao dịch
sang hệ thống ngân hàng tự phục vụ. Điều này sẽ giúp cho khách hàng của chúng
tôi có nhiều lựa chọn, với mức tiện lợi cao hơn”, bà Lyndsay Rajah nói và cho
biết, 10 máy ATM đa chức năng mới này giúp nâng tổng số máy ATM của HSBC hoạt động
tại Việt Nam lên 146 máy.
Ngoài ra, thông qua thỏa thuận liên kết hệ thống ATM của
HSBC và Techcombank được ký vào tháng 5/2008, khách hàng của HSBC còn có thể thực
hiện các giao dịch miễn phí tại 564 máy ATM của Techcombank trên phạm vi toàn
quốc.
Trước đó không lâu, sự kiện HSBC Việt Nam hợp tác thành công
với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) cung cấp các dịch vụ ngân hàng của
HSBC qua 1.600 bưu cục trên cả nước cũng tạo ra nhiều tiện ích cho khách hàng.
Với việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ, các
ngân hàng ngoại đã bắt đầu tạo áp lực lên ngân hàng trong nước. Hệ thống ngân
hàng Việt Nam
sẽ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những ngân hàng nước ngoài
và đòi hỏi khả năng quản trị của ngân hàng phải cao hơn trước.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đảm bảo
để sự cạnh tranh này không tạo nên tình trạng bất ổn của hệ thống tài chính quốc
gia.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học
Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, trong ngắn hạn, hoạt động tái cấu trúc ngân hàng phải
được thực hiện liên tục, lâu dài và trên một bình diện rộng mới có thể nâng cao
khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, các ngân hàng nên giảm việc đưa vốn vào lĩnh vực
rủi ro cao, thiết lập được chính sách tín dụng với các nội dung rõ ràng. Đặc biệt
là các ngân hàng phải ra nét riêng cho các loại hình sản phẩm (mang tính độc
đáo, đột phát) của mình.
Theo Vân Linh
Báo Đầu tư