MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ATM bị làm khó bởi chính sách thuế

23-03-2015 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Dư luận cho rằng, nếu cơ quan thuế vẫn tiếp tục giữ quan điểm của mình sẽ tác động rất tiêu cực đến chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đề ra.

Phải chăng có sự hiểu nhầm?

Theo quy định của pháp luật, tất cả chi phí đầu vào liên quan đến ATM, trừ máy ATM, được coi là tài sản cố định, thì đều được hoàn thuế GTGT. Thế nhưng vừa qua, theo phản ánh của các NHTM, khi thanh tra kiểm tra các kỳ thuế năm 2013 trở về trước, một số NHTM đã bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt khi thực hiện quy định khấu trừ thuế GTGT đối với chi phí đầu vào ATM.

Theo đó, cơ quan thuế yêu cầu các NHTM phải phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu dịch vụ trên tổng doanh thu từ ATM của NH để khấu trừ khi truy thu thuế GTGT phần chênh lệch này.

Ngoài ra, lãi phạt khi rút tiền từ ATM mà đến kỳ khách hàng chưa trả được cũng tạo thêm doanh thu cho NH. Tuy nhiên các NH cho rằng, kể cả thực hiện khấu trừ như vậy thì tỷ lệ truy thu này cũng rất thấp, chưa đến 1% doanh thu, nhưng lại khiến các NHTM phải ghi nhận chi phí cho máy ATM nhiều hơn. Và như vậy, chi phí đầu tư cho ATM đội lên và không thể hiện đúng bản chất ATM là phục vụ thanh toán.

Nhìn ở góc độ kế toán NH, một chuyên gia cho biết, về bản chất nghiệp vụ NH, cơ quan thuế yêu cầu như vậy là không đúng vì ATM không phải là công cụ cấp tín dụng mà cung cấp dịch vụ thanh toán. Và như vậy, thuế GTGT đầu vào phải được khấu trừ 100%.

Dư luận cho rằng, nếu cơ quan thuế vẫn tiếp tục giữ quan điểm của mình sẽ tác động rất tiêu cực đến chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đề ra. Bởi lẽ, việc đầu tư vào máy ATM của các TCTD phục vụ cho chủ trương trên đã rất tốn kém và rất nhiều NH lỗ.

“Nếu bóc tách riêng hoạt động ATM chắc chắn là lỗ, vì phí thu được thì ít mà tổng đầu tư lại rất lớn. Nay lại gánh thêm phần thuế GTGT, nghĩa là các NH phải cộng thêm vào chi phí đầu tư. Khi chi phí đầu tư tăng thêm như vậy sẽ càng không khuyến khích NHTM đầu tư vào hệ thống ATM để phục vụ cho chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt”, vị cán bộ kế toán cho hay.

Không cấp tín dụng vẫn phải chịu thuế

Được biết, vừa qua Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) đã tổ chức buổi đối thoại giữa cơ quan thuế và các NHTM về vấn đề này. Căn cứ vào Luật Các TCTD, các NH đều cho rằng, cung ứng dịch vụ qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ NH, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

Dịch vụ do các NHTM cung cấp qua kênh máy ATM đều là dịch vụ thanh toán và doanh thu từ dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Là một trong những phương tiện, kênh thanh toán của NH để phục vụ thanh toán, máy ATM không tạo ra doanh thu không chịu thuế GTGT.

Trường hợp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt tại máy ATM, đây là hoạt động giải ngân tín dụng nằm trong hạn mức tín dụng đã được thoả thuận tại hợp đồng thẻ tín dụng giữa NH với khách hàng. Máy ATM chỉ đóng vai trò như một “giao dịch viên” cung cấp dịch vụ giải ngân tín dụng cho khách hàng và doanh thu tạo ra chỉ là phí rút tiền mặt phải chịu thuế GTGT. Còn số tiền mặt mà máy ATM đã giải ngân cho khách hàng là nằm trong hạn mức tín dụng nói trên và được hạch toán riêng tại nghiệp vụ tín dụng.

Do đó, các NHTM đề nghị được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT của các chi phí liên quan tới đầu vào máy ATM như chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thuê mặt bằng, vận chuyển… cho kỳ tính thuế 2009-2013 và từ năm 2014 trở đi.

Điều đáng chú ý là sau phản ánh của các NHTM, Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo công văn về việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến máy ATM cho giai đoạn từ 1/1/2009 đến hết 31/12/2014 theo hướng: trường hợp máy ATM chỉ tạo ra 1 doanh thu chịu thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến máy ATM (trừ chi phí mua máy) được khấu trừ toàn bộ.

Tuy nhiên, theo VNBA, dự thảo như Bộ Tài chính vẫn chưa hợp lý, chưa phù hợp với với thực tiễn và chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Do vậy, VNBA đề nghị Bộ Tài chính đồng thời với việc khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào liên quan đến máy ATM trong giai đoạn từ 1/1/2009 đến hết 31/12/2013 cũng cần sớm xem xét sửa đổi lại Thông tư số 219/2013 để tiếp tục khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào liên quan đến máy ATM kể từ ngày 1/1/2014 trở đi, tạo điều kiện cho các NH phát triển hệ thống ATM, phục vụ mục tiêu phát triển công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện đúng chủ trương trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ.

 

Cần thống nhất khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến ATM

Vừa qua, trong công văn của NHNN gửi Bộ Tài chính về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: ATM là thiết bị phục vụ các giao dịch thanh toán thẻ như nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin, in sao kê tại ATM… không có chức năng phát hành thẻ tín dụng cũng như cấp tín dụng.

Trong công văn trên, NHNN cho biết thêm, triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các NH đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc đầu tư tăng cường hệ thống ATM.

Vì vậy, để góp phần khuyến khích các TCTD phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đề nghị Bộ Tài chính giải quyết khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến máy ATM như kiến nghị của VNBA. Đồng thời có văn bản hướng dẫn chung cho ngành thuế thực hiện thống nhất việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào các chi phí liên quan đến ATM cho tất cả các NH cung cứng dịch vụ ATM.

 


Theo Dương Công Chiến

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên