MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán lãi suất: Phải siết chặt kỷ luật tài chính

17-07-2011 - 19:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Một đề xuất lý thú để chống lạm phát, hạ lãi suất, đó là: giảm thu ngân sách, giảm vay nợ, cắt giảm đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư công.

Các doanh nghiệp kêu trời về lãi vay quá cao. Ngân hàng Nhà nước áp trần 14%/năm cho lãi suất huy động, trong khi lạm phát kỳ vọng của cả năm nay ở mức 18-20% và thực tế tất cả các ngân hàng đều phải nói dối với niêm yết lãi suất tiền gửi 14%/năm cho mọi kỳ hạn tiền gửi và thực tế thì huy động ở mức 18%/năm.

Một quy định bắt tất cả mọi người phải nói dối là một quy định sai, huỷ hoại lòng tin, tạo ra thói quen dối trá, rất có hại trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.

Một số “chuyên gia” hô hào phải tìm mọi cách giảm lãi suất để giúp các doanh nghiệp.

Các chuyên gia khác, ít nhất là tất cả những người dự hội thảo của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ngày 12.7.2011, thì cho rằng để chống lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, tức là lãi suất (huy động và cho vay) phải cao (hơn mức lạm phát) để giảm cầu và cung về tiền, giảm lượng tiền trong lưu thông – nguyên nhân trực tiếp của lạm phát.

Các “chuyên gia minh hoạ” hay các “cố vấn” thì lập luận phải hạ lãi suất xuống vì đó là giá của mặt hàng quan trọng nhất trong nền kinh tế - giá của vốn, nhà nước phải cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp để họ cho vay cũng với lãi suất thấp. Nhà nước lấy đâu ra tiền cho ngân hàng vay? Hay họ khuyên nhà nước in thêm tiền? Không hiểu các “chuyên gia” và cố vấn này có gửi tiền ở và vay từ ngân hàng Việt Nam hay không? Tôi không tin là họ có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, và kinh tế dẫu họ có rao giảng về ngân hàng. Nghe các cố vấn như vậy sẽ nguy hại cho đất nước.

Tại hội thảo trên có một đề xuất lý thú (thực ra đã được nêu ra, kiến nghị từ lâu, nhưng dường như các cơ quan nhà nước và các nhóm lợi ích ít lắng nghe) để chống lạm phát, hạ lãi suất: giảm thu ngân sách, giảm vay nợ, cắt giảm đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư công. Nói đã rất nhiều về chuyện này, nhưng làm thì quá ít, vì giảm thế, “cắt” thế, thì người ta lấy đâu để chia chác, nói cách khác nó đi ngược với “lợi ích” (bất hợp pháp) của một số nhóm lợi ích, nó không khuyến khích họ làm vậy. Phải tạo ra các khuyến khích khác (về mặt chính trị và hành sự) để họ có động cơ làm vậy (quyết tâm chính trị, trừng trị việc “chia chác”).

Mức thu ngân sách của Việt Nam (tính bằng tỷ lệ của GDP) luôn ở mức cao nhất nhì khu vực, từ 21,9% năm 1995 lên 27,7% năm 2008 (trong khi các con số tương ứng của Trung Quốc là 10,3 và 20,4%; của Thái Lan là 18,6% và 17%).

Tình hình kinh tế của chúng ta hết sức khó khăn, nhưng trong các năm qua chỉ tiêu thu ngân sách luôn luôn đạt rất tốt, luôn vượt dự toán, vượt kế hoạch và ngành thuế rất tự hào về thành tích đó. Thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2011 hơn 300 ngàn tỷ là con số cao, vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, thu nhiều không tốt cho đất nước. Nó không khoan sức dân, vắt kiệt sức của người dân và các doanh nghiệp, nhưng tai hại hơn nó khiến cho phân bổ nguồn lực của xã hội đi theo hướng không hiệu quả: người làm ăn hiệu quả có ít nguồn lực, kẻ làm ăn không hiệu quả lại được phân bổ nhiều nguồn lực một cách không tương xứng.

Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước của Việt Nam cũng cao nhất khu vực (tính bằng % của GDP trong năm 2008, Việt Nam 9,8%; Indonesia 1,6%; Malaysia 5,8%; Trung Quốc 3,7%).

Mức thu ngân sách của Việt Nam (tính bằng tỷ lệ của GDP) luôn ở mức cao nhất nhì khu vực, từ 21,9% năm 1995 lên 27,7% năm 2008 (trong khi các con số tương ứng của Trung Quốc là 10,3 và 20,4%; của Thái Lan là 18,6% và 17%).
Mức đầu tư từ ngân sách nhà nước của Việt Nam cũng cao nhất khu vực (tính bằng % của GDP trong năm 2008, Việt Nam 9,8%; Indonesia 1,6%; Malaysia 5,8%; Trung Quốc 3,7%).
Nếu chúng ta giảm thu (thuế) và giảm vay thì tổng nguồn tiền mà nhà nước có thể sử dụng sẽ giảm đi (trong khi tổng của xã hội vẫn không đổi), tức là vốn xã hội được phân bổ nhiều hơn cho khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả hơn và bớt đi của khu vực nhà nước hoạt động kém hiệu quả, do đó toàn bộ nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn (và đấy là cách giảm lạm phát, giảm lãi suất hữu hiệu và lâu bền nhất).

Giảm thu ngân sách, giảm chi ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước (mà giới chuyên gia thường gọi là các biện pháp, chính sách tài khoá thắt chặt) phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Ít nguồn lực hơn cho khu vực nhà nước kém hiệu quả buộc chi tiêu và đầu tư công phải cân nhắc kỹ hơn, và điều đó có thể giúp làm tăng hiệu quả chi tiêu. Việc giảm thu và giảm chi tiêu ngân sách phải được tiến hành cả ở cấp trung ương lẫn địa phương vì các địa phương chi một phần lớn của ngân sách nhà nước.

Quốc hội mới nên thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của mình trong quyết định về tổng thu ngân sách, về phân bổ và quyết toán ngân sách theo đúng như luật ngân sách quy định. Tổng cục thuế sẽ bị khiển trách hay kỷ luật thay vì được khen nếu thu vượt chỉ tiêu.

Nguồn lực xã hội như vậy được phân bổ tốt hơn: khu vực tư nhân hiệu quả nhận được nhiều nguồn lực hơn (do thu ít đi), khu vực nhà nước kém hiệu quả được phân bổ ít hơn (do giảm thu ngân sách), khiến cho hiệu quả của toàn xã hội tăng lên.

Ít nguồn lực hơn, làm cho kỷ luật tài chính của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước bị siết chặt hơn, khiến hiệu quả chi tiêu có thể tăng, tham nhũng, lãng phí có thể giảm.

Cả hai tác động tích cực đối với khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân sẽ khởi động vòng phản hồi tốt để nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, khiến cho lạm phát, lãi suất giảm và ổn định vĩ mô được cải thiện, rồi giữ vững và duy trì.

Giảm thu ngân sách phải đi cùng với giảm chi để cho bội chi ngân sách giảm xuống. Khi hiệu quả được cải thiện cả ở 2 khu vực, khi kỷ luật tài chính được duy trì thì bội chi ngân sách cũng giảm, thậm chí có bội thu.

Giảm thu ngân sách để giảm lãi suất, giảm lạm phát, thậm chí tăng bội chi ngân sách, nghe có vẻ phi lý, nhưng suy nghĩ kỹ đấy là một biện pháp đáng thực hiện.

Theo Nguyễn Quang A

Lao động

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên