MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo lãnh trái phiếu tại SeABank: Trách nhiệm thuộc về ai?

07-12-2012 - 11:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng là một pháp nhân, không phải là con người. Tất cả mọi hoạt động của nó phải thông qua người đại diện. Nếu người đại diện không có thẩm quyền, tất ngân hàng sẽ chối bay trách nhiệm.

Mới đây, ngân hàng SeABank (gọi tắt là ngân hàng) ra thông cáo báo chí trong đó thông báo sẽ từ chối thanh toán liên quan đến vấn đề bảo lãnh phát hành trái phiếu. Ls do là người ký chứng thư bảo lãnh không có thẩm quyền ký kết. Cũng vì vậy mà chứng thư này không làm phát sinh nghĩa vụ chi trả của ngân hàng

Theo đó, việc ký bảo lãnh phát hành trái phiếu không đúng pháp luật là sai phạm thuộc trách nhiệm cá nhân của bà Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Tổng giám đốc). SeABank sẽ không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch trái luật này.

Để có cơ sở cho việc xác định trách nhiệm các bên, cần làm rõ mối quan hệ các bên.

Trước hết, Vina Megastar phát hành một lượng lớn trái phiếu. Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel cùng với các đơn vị khác mua trái phiếu (gọi tắt là trái chủ). Bản chất mối quan hệ giữa Vina Megastar với các trái chủ là quan hệ vay. Khi cho vay thì có thể xảy ra hai khả năng: con nợ trả nợ hoặc con nợ xù. Để bảo đảm rằng trái chủ luôn đòi được nợ, ngân hàng vào cuộc. Theo đó, ngân hàng hứa rằng, nếu đến hạn mà Vina Megastar không trả nợ thì ngân hàng mới trả nợ thay.

Trong trường hợp này, có vẻ như Vina Megastar không trả nợ, nên các trái chủ mới níu áo của ngân hàng. Nhưng nên nhớ rằng, ngân hàng là một pháp nhân, không phải là con người. Tất cả mọi hoạt động của nó phải thông qua người đại diện. Nếu người đại diện không có thẩm quyền, tất ngân hàng sẽ chối bay trách nhiệm.

Tới đây phải xác định người đại diện của ngân hàng là ai? Về mặt nguyên tắc, mỗi ngân hàng chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Người đó có thể là TGĐ hoặc chủ tịch HĐQT. Nhưng ngân hàng thì phải tiến hành nhiều giao dịch với khách hàng. Do vậy, nếu chỉ có một người đại diện thì không xử lý hết công việc. Hệ quả là, người đại diện (theo pháp luật) sẽ san sẻ bớt quyền đại diện cho những đối tượng nhất định. Thuật ngữ luật học gọi là ủy quyền. Nhưng lưu ý rằng không phải tất cả những người được ủy quyền đều được san sẻ quyền đại diện như nhau.

Trong trường hợp của SeABank, TGĐ được phê duyệt các giao dịch với mức tối đa không quá 30 tỷ đồng, từ trên 30 tỷ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng tín dụng và trên 70 tỷ phải được phê duyệt của HĐQT.

Từ đó có thể thấy bà phó TGĐ ký chứng thư bảo lãnh 150 tỷ là vượt quyền. Hệ quả là, giao dịch này không làm phát sinh nghĩa vụ chi trả của SeABank. Dẫu vậy, vẫn có ngoại lệ là nếu SeABank biết bà phó TGĐ ký kết chứng thư bảo lãnh sai thẩm quyền mà vẫn không phản đối thì ngân hàng này vẫn phải chịu trách nhiệm.

Liên quan vấn đề này, các bên cần làm rõ tình tiết sau:

Một là, theo thông cáo báo chí, bà Phó TGĐ đã được ủy quyền của TGĐ. Điều đó có nghĩa việc SeABank khẳng định: “ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với tập đoàn Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho tập đoàn Vina Megastar không tồn tại trong hệ thống quản lý của SeABank” cần phải được xem xét lại. Vì về mặt logic, các hồ sơ về đợt phát hành trái phiếu của Vina Megastar là cơ sở để có việc ủy quyền giữa TGĐ và phó TGĐ.

Hai là, một nguyên tắc trong hoạt động ngân hàng là khi sa thải một nhân viên quản lý cấp cao (như trường hợp này) ngân hàng luôn rà soát các giao dịch mà họ đã thực hiện/quản lý. Bà phó TGĐ đã bị sa thải từ tháng 4/2012, về nguyên tắc ngân hàng đã biết có giao dịch bảo lãnh này. Nhưng ngân hàng không có động thái thông báo cho các bên liên quan về việc ký chứng thư không có thẩm quyền. Chính do việc không thông báo này có thể suy luận ngân hàng biết mà không phản đối.

Khi cả người phát hành trái phiếu và người bảo lãnh đều từ chối chi trả thì về nguyên tắc, trái chủ có quyền lựa chọn đối tượng khởi kiện đối với Vina Megastar hoặc SeABank để yêu cầu thanh toán.

Tuy vậy quyết định 693/2011/HĐ-HĐQT thì bà phó TGĐ ký chứng thư là không đúng thẩm quyền. Về mặt nguyên tắc, nếu ký hợp đồng không đúng thẩm quyền, bà phó TGĐ phải chịu trách nhiệm với các trái chủ mà không ràng buộc trách nhiệm với ngân hàng. Nhưng dùng tài sản cá nhân của bà này để chi trả cho khoản trái phiếu 150 tỷ là rất khó.

Do đó nếu muốn SeABank phải thanh toán, trái chủ cần chứng minh được SeABank nếu biết việc vượt thẩm quyền mà không phản đối. Như vậy mới ràng buộc được trách nhiệm trả nợ của SeABank. Khả năng làm được điều này là rất lớn vì như những gì mà SeABank chính thức công bố, có khá nhiều điều mâu thuẫn như đã đề cập trong phân tích trên.

Theo Phạm Hoài Tuấn

TBKTSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên