MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bơm tiền ra thị trường: Cho vay không dễ nới tay!

03-04-2014 - 12:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu chỉ nhìn và chạy theo con số tăng trưởng tín dụng thì chưa hẳn đã nói được bản chất hay chất lượng đồng vốn bơm ra.

“Tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải tăng tín dụng lên, đưa thêm tiền ra nhưng phải trải đều ra, không để dồn vào các tháng cuối năm, đặc biệt là phải gắn với chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua.

Dĩ nhiên, đó là một yêu cầu không dễ, khi vừa phải tăng được tín dụng, lại phải gắn với chất lượng và giải quyết nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.

Không chỉ hiện nay, đã ba năm qua tăng trưởng tín dụng luôn chật vật với bối cảnh khó khăn như vậy. Đã có nhiều phân tích các nguyên nhân ở phương diện vĩ mô khiến tín dụng bị nghẹt.

Còn thực tế, các ngân hàng vẫn đang đối diện với nhiều trường hợp, tình huống mà không thể nới tay bơm tiền, dù muốn. Chúng tôi xin kể một số trường hợp, tình huống không hẳn là cá biệt.

Ngày 3/3/2014:

Trước thực tế khó vay vốn, một cử tri tại Hải Dương kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp”.

Kiến nghị trên không mới, nhưng phản ánh thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu mà ngân hàng đưa ra.

Văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, một số doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng khó vay vốn tín dụng, chủ yếu do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án; một số doanh nghiệp có số nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý, không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp nhưng không đảm bảo về thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật...

“Vì vậy, nếu nới lỏng điều kiện tín dụng để các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp vay vốn ngân hàng sẽ dẫn đến rủi ro tín dụng, nợ xấu sẽ gia tăng và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống”, Ngân hàng Nhà nước trả lời.

Mong muốn hạ chuẩn cho vay là không thể đáp ứng.

Ngày 20/3/2014:

Lãnh đạo huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) có buổi làm việc với đầu mối tổ chức xuất khẩu lao động trên địa bàn và đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Nội dung đặt ra: chính quyền đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn cho người dân đi xuất khẩu lao động.

Phía đầu mối tổ chức cho hay, thời gian qua nhiều đối tượng muốn thoát nghèo bằng xuất khẩu lao động, nhưng không có vốn đối ứng, vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng khó vì các khoản vay khá lớn đối với mỗi hộ dân (từ 100 - 200 triệu đồng) mà điều kiện thì chặt chẽ.

Lãnh đạo huyện và tổ chức đầu mối tin tưởng ở hiệu quả của hoạt động này, chỉ tập trung ở hai thị trường “chắc ăn” là Đài Loan và Nhật Bản. Họ kỳ vọng, sau đó, các lao động trở về vừa có tay nghề vừa có vốn thì đời sống sẽ vững bền hơn.

Nhưng phía ngân hàng quan ngại. Nhu cầu là chính đáng, mục đích tốt và cần thiết, nhưng tài sản thế chấp của các hộ dân vẫn chỉ là thửa đất mà giá trị khó cân bằng với quy mô khoản vay. Đặc biệt, ngân hàng rất khó quản lý được dòng tiền của người đi xuất khẩu lao động từ đầu mối nước bạn và tổ chức sử dụng lao động.

Tại buổi làm việc, đại diện LienVietPostBank nêu quan điểm: ngân hàng xem đây là cho vay kinh doanh để áp các điều kiện và giám sát chặt chẽ, nhưng không theo mục tiêu lợi nhuận mà gắn với yếu tố xã hội để hỗ trợ và có chính sách lãi suất ưu đãi. Trường hợp xấu, có rủi ro thì ngân hàng xem như công tác từ thiện cho các hộ nghèo…

Hiện LienVietPostBank mới tính thí điểm ở Cẩm Khê và Xín Mần (huyện nghèo của Hà Giang mà ngân hàng này nhận đỡ đầu).

Không riêng Cẩm Khê và Xín Mần, nhu cầu trên có ở cả nước. Đó là những nhu cầu vốn thực sự, đồng vốn có nhiều ý nghĩa nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể bơm tiền theo mục đích kinh doanh đơn thuần.

Ngày 31/3/2014:

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đăk Nông có báo cáo gửi về Ngân hàng Nhà nước, với tình hình tăng trưởng tín dụng “kém” mà… khả quan.

Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tại địa bàn này đến 31/3/2014 ước đạt 9.023 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng (3,21%) so với đầu quý (trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm tới 5,37%).

Với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bơm tiền ra nhiều hơn cho nền kinh tế thì có vẻ quý vừa rồi Đăk Nông không đáp ứng được. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn và chạy theo con số tăng trưởng tín dụng thì chưa hẳn đã nói được bản chất hay chất lượng đồng vốn bơm ra.

Báo cáo lý giải: tín dụng giảm do giá cà phê, tiêu… trong kỳ tăng mạnh, người dân có nguồn thu từ bán nông sản, nhu cầu vay vì thế cũng hạn chế đi. Mặt khác, các ngân hàng đã thu hồi được nợ đến hạn và quá hạn tốt hơn, nên dư nợ trong quý giảm đáng kể.

Từ trường hợp của Đăk Nông, giả sử năm nay ngân hàng thu hồi được nhiều nợ xấu, tổng dư nợ theo đó giảm đi khiến tăng trưởng tín dụng có con số thấp, thì như vậy còn tốt hơn trường hợp tín dụng tăng được 12 - 14%, thậm chí cao hơn, mà nợ xấu vẫn kẹt ở mức độ cao để tính cho tăng trưởng.

Ngày 1/4/2014:

Báo Tuổi Trẻ có bài viết “Nước mắt bên vựa lúa”, phản ánh toàn diện tình trạng người nông dân đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa nhưng “ôm” lúa khóc ròng vì không bán được.

Lúa ế, giá rớt, thương lái bỏ chạy, doanh nghiệp mua cầm chừng, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu réo nợ… Hàng núi lúa và những cánh đồng nặng trĩu kiểu tồn kho. Dòng tiền của người nông dân tắc ứ.

Oái ăm là, tình cảnh trên diễn ra ngay khi các ngân hàng đồng loạt triển khai chương trình cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông - Xuân 2013 - 2014. Dòng vốn này, dù muốn đẩy nhanh cũng có nguy cơ nghẹt do doanh nghiệp mua cầm chừng, tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, tiêu thụ chậm…

Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tiếp sức, tuyên bố luôn sẵn sàng nguồn vốn, áp trần lãi suất cho vay thấp, nhưng thực tế để bơm được tiền ra lại là chuyện khác.

Ngày 2/4/2014:

Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) có tài liệu cung cấp cho các cơ quan báo chí, với những đánh giá và quan điểm đáng chú ý.

Tài liệu nêu: tăng trưởng tín dụng theo quy luật thường tăng cao trong những tháng cuối năm, sau đó giảm hoặc tăng rất chậm những tháng đầu năm. Diễn biến tín dụng năm 2014 cũng không ngoài quy luật đó.

Tín dụng tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, và đến tháng tháng 3 tín dụng đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2, phù hợp với xu hướng của những năm trước (tháng 3/2012 tăng 0,98%, tháng 3/2013 tăng 1,17%). Nếu so với cùng kỳ năm trước, đến cuối tháng 3, tín dụng tăng khoảng 11,59%, bằng với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu do những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm; ngoài ra một nguyên nhân nữa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữ doanh nghiệp và ngân hàng nhưng doanh nghiệp không có dòng tiền do không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...

“Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát so cùng kỳ tăng ở mức thấp (4,39%), tín dụng đến tháng 3 đã có tăng trưởng thực, có tác dụng mở rộng đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này mở ra chiều hướng tích cực để ngành ngân hàng đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm 2014”, vụ chức năng trên đánh giá.

Cũng theo cơ quan này, “cần phải thấy rằng hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp và càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn”.

Theo Minh Đức

hangnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên