MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỗng dưng... ôm nợ thẻ tín dụng

16-10-2013 - 10:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi nhiều VĐV bỗng dưng... ôm nợ xấu, những đơn vị liên quan đã đổ lỗi cho sai sót, VĐV không tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng...

Sau một thời gian chạy đua phát hành, ngân hàng (NH) đang đối mặt với những vụ lùm xùm do thẻ tín dụng gây nên. Mới đây nhất là vụ 76 vận động viên (VĐV) vướng nợ xấu tại Vietinbank TP.HCM với tổng số tiền lên đến hơn 1,5 tỉ đồng.

Trong khi nhiều VĐV bỗng dưng... ôm nợ xấu, những đơn vị liên quan đã đổ lỗi cho sai sót, VĐV không tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng...

Vay ít, nợ nhiều

Ngày 8/8/2013, VĐV Nguyễn Hữu Duy (điền kinh) bất ngờ nhận được thông báo nợ quá hạn của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, trong đó yêu cầu phải thanh toán hơn 30,2 triệu đồng và lãi, phí trong vòng 15 ngày. Quá thời hạn trên, NH sẽ tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ.

Tại thông báo này, NH cũng cho biết đã chuyển toàn bộ dư nợ trên thành nợ xấu đồng thời chủ động khóa thẻ. “Tôi hết sức hoang mang không biết vì sao lại có số nợ lớn như vậy” - Duy nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, VĐV này cho biết tham gia chương trình “Tiếp sức nhà vô địch” vào khoảng cuối năm 2010 do Công ty cổ phần Thế Giới Thể Thao (SWC) phối hợp với Vietinbank triển khai. Duy được cấp thẻ tín dụng với hạn mức 25 triệu đồng.

Tháng 10/2011, Duy mua trả góp một máy giặt hơn 5 triệu đồng và đã trả NH hơn 5 triệu đồng, nhưng dư nợ NH báo về mỗi lúc một lớn. Thấy không minh bạch nên VĐV này đã ngưng đóng thêm tiền. Tháng 10-2012, Duy qua trụ sở SWC tìm hiểu số nợ và muốn hủy hợp đồng nhưng công ty này không còn ở đó nữa, số điện thoại liên lạc cũng thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Ngân - phó giám đốc NH Vietinbank Tp.HCM - cho biết NH đã làm việc với SWC và 17 VĐV trong tổng số 76 VĐV có nợ quá hạn. Trong đó xác định có bốn trường hợp hủy hợp đồng, 13 trường hợp còn lại dư nợ là có thật và đang trả nợ cho NH. Với bốn trường hợp sai sót, SWC đã ủy quyền cho NH trích tiền từ tài khoản của công ty mở tại NH để thu nợ.

Trong danh sách nợ xấu của Vietinbank TP.HCM còn có vận động viên Bùi Thị Huyền Trang (bóng rổ) với số nợ hơn 26,4 triệu đồng. Trang cho biết ban đầu đăng ký mua xe hơn 37 triệu đồng. Vì hạn mức tín dụng chỉ là 18 triệu đồng nên phải bù thêm tiền mặt gần 20 triệu đồng. Nhưng phía Công ty SWC cứ hẹn lần hẹn lữa mà không giao xe nên Trang quyết định không mua nữa. Sau đó, SWC chấp nhận cho Trang hủy hợp đồng và trả lại số tiền bù trước đó của Trang.

Nhưng kỳ lạ là sau đó Trang liên tục bị NH báo nợ. “Tôi có đến NH tìm hiểu nhưng khi sự việc trở nên lớn thì phía Công ty SWC và đại diện NH mới đến làm việc với tôi. Bà Lê Phạm Hạnh Dung - giám đốc công ty - giải thích vì nhân viên SWC ra vào liên tục nên có sai sót và cam kết chịu trách nhiệm sẽ đứng ra trả số nợ của tôi” - Huyền Trang nói.

Ngoài ra còn có hai VĐV khiếu nại về số nợ là Ngô Minh Nhật (điền kinh) và Huỳnh Thị Kiều Trang (bóng chuyền). Có số nợ lớn nhất trong danh sách là VĐV Đỗ Hồ Hải (cử tạ) với hơn 57 triệu đồng.

Bà Hồ Ngọc Quá, mẹ Hải, cho biết trước đó Hải có vay NH hơn 30 triệu đồng để mua xe. Sau đó, Hải vay thêm nhiều nguồn bên ngoài để góp với tổng số tiền 20 triệu đồng và chỉ nợ lại hơn 10 triệu đồng, nhưng sau một năm đã bị NH tính đến hơn 57 triệu đồng.

“Hồ Hải vừa bị đứt gân tay, không tập luyện được nên cũng không có lương. Bây giờ Hồ Hải sang Campuchia làm phụ hồ và bặt vô âm tín. Tôi đã 60 tuổi lại mang bệnh tim, phổi và đang ở nhà cháu tại Tiền Giang bán vé số đắp đổi qua ngày nên khó trả nổi số nợ này” - bà Quá cho biết.

Bản hợp đồng nhiều điểm lạ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các VĐV nói họ biết trước đó Trường Nghiệp vụ TDTT Tp.HCM cam kết sẽ chuyển lương cho VĐV qua thẻ đồng thương hiệu Vietinbank và SWC, nhưng sau đó đã không thực hiện. Ngoài thẻ đồng thương hiệu, mỗi VĐV còn được phát hành thêm một thẻ tín dụng, nhưng điều kỳ lạ là chưa ai trong số các VĐV được cầm đến chiếc thẻ này.

Nhiều VĐV không biết, hoặc không phân biệt giữa thẻ ghi nợ nội địa (ATM) và thẻ tín dụng. Trong khi đó, dù được cho ký nhận cả thẻ ATM và thẻ tín dụng, nhưng thực tế các VĐV chỉ nhận được thẻ ATM.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, SWC yêu cầu phía VĐV ký một văn bản trong đó có rất nhiều điểm lạ. Theo đó, SWC sẽ nhận thẻ thay cho VĐV, cà thẻ để thanh toán sản phẩm; có toàn quyền xử lý thẻ bằng cách lưu giữ, gửi giữ, hủy bỏ hoặc bất kỳ hình thức nào khác... Ngoài ra, các VĐV chỉ sử dụng thẻ để cà tại máy POS do NH cấp cho riêng công ty một lần để mua hàng hóa, sau đó sẽ hủy thẻ ngay nhưng điều khoản này không được đưa vào trong hợp đồng.

SWC cũng khẳng định tất cả thẻ tín dụng đều được khóa ngay sau khi cà thẻ một lần, nhưng trong thông báo nợ quá hạn gửi VĐV Nguyễn Hữu Duy vào tháng 8 NH mới thông báo “chủ động khóa thẻ” của VĐV này.

Bà Hạnh Dung giải thích theo thỏa thuận, NH cấp cho SWC riêng một máy cà thẻ, sau khi nhận thẻ SWC sẽ cà thẻ ngay tại máy POS để chuyển tiền sang tài khoản của SWC. Từ đó SWC sẽ thực hiện mua hàng theo yêu cầu của VĐV.

Sau khi thanh toán xong, thẻ sẽ tự động khóa để đảm bảo không ai có thể lợi dụng các thẻ này. “Quy trình sử dụng thẻ như vậy là do đặc thù thẻ này phát hành chỉ nhằm cấp cho VĐV hạn mức tín dụng mua sắm các phương tiện thiết yếu như xe máy, laptop... nên xài xong là khóa ngay” - bà Hạnh Dung nói.

Nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Ngân - phó giám đốc Vietinbank TP.HCM - cho biết vừa qua khi làm việc với đại diện SWC, phía NH mới biết có thỏa thuận này.

Liên quan đến khiếu nại của bốn VĐV, bà Hạnh Dung thừa nhận có sai sót do những VĐV này đã đăng ký mua hàng nhưng sau đó lại hủy, trường hợp VĐV Nguyễn Hữu Duy và VĐV Bùi Thị Huyền Trang là những ví dụ.

“Nhân viên công ty thay đổi thường xuyên nên có sự sai sót, chậm điều chỉnh dẫn đến VĐV này phát sinh số nợ lớn cộng lãi quá hạn, phí phạt... Với những VĐV này, công ty đã đối chiếu lại dư nợ và thanh toán phần tiền gốc cho NH. Riêng phần lãi và phí phạt, công ty đang làm đơn xin NH giảm bớt” - bà Hạnh Dung nói.

Theo Ánh Hồng – Tấn Phúc 

hanhle

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên