MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh tài chính – ngân hàng Việt Nam trước và sau khi gia nhập WTO

28-11-2013 - 13:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Hệ thống tài chính vẫn dựa chủ yếu vào các NHTM, trong khi vai trò của các định chế tài chính phi ngân hàng còn khá hạn chế

Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố Báo cáo về các quy định về tài chính, tái cấu trúc thị trường tài chính và hiệu quả chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Báo cáo này cho rằng, trong thời kỳ ngay trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các hoạt động tài chính, ngân hàng đã bùng nổ nhằm đón đầu cơ hội phát triển và chuẩn bị cho việc thực hiện cam kết mở cửa dịch vụ mạnh hơn.

Tuy vậy, số lượng NHTM mới được cấp phép trong giai đoạn hậu gia nhập WTO là không nhiều. Nói cách khác, các NHTM hầu hết đều đã được cấp phép và đi vào hoạt động từ trước năm 2007, nhằm đón đầu cơ hội phát triển sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Bùng nổ về số lượng ngân hàng

Tính đến cuối năm 2011, số lượng NHTM hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đã lên đến 101 (gồm năm NHTM Nhà nước, hai ngân hàng chính sách, 50 chi nhánh NHTM nước ngoài, năm NHTM 100% vốn nước ngoài, bốn ngân hàng liên doanh và 35 NHTM cổ phần).

Đến năm 2010, ngoài các hoạt động kinh doanh cốt lõi, các tập đoàn, công ty lớn (nhất là của nhà nước) còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động đầu tư tài chính, bất động sản.

Hệ thống tài chính còn đa dạng hơn với sự hiện diện của khoảng gần 1.100 qũy tín dụng nhân dân, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, các quỹ hỗ trợ phát triển của thành phố, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm, v.v...

Quy mô về vốn của các tổ chức tín dụng cũng tăng mạnh: Vốn điều lệ của riêng hệ thống NHTM đã tăng tới 44% vào năm 2006, 89% vào năm 2007 và 18% vào năm 2008

Tuy vậy, số lượng NHTM nói chung và số lượng NHTM cổ phần nói riêng có xu hướng giảm, nhất là sau Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Độ sâu của thị trường tài chính có mức phát triển khá

Theo báo cáo, tỷ lệ huy động vốn từ tiền gửi các các tổ chức và dân cư qua hệ thống các tổ chức tín dụng trên GDP đã tăng từ mức 15% năm 1992 lên 38,4% vào năm 2000, 66,7% vào năm 2005 và đạt đỉnh 151,2% vào năm 2010, trước khi giảm xuống còn xấp xỉ 130% vào năm 2011.

Tỷ lệ tiền gửi so với GDP có xu hướng tăng mạnh, nhất là trong giai đoạn 2007-2010 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, cũng như do cạnh tranh giữa các NHTM nhằm cải thiện khả năng thanh khoản của mình.

Trong giai đoạn 2007-2010, các NHTM vẫn được tự do cạnh tranh về lãi suất huy động, dù một số ngân hàng nhỏ có xu hướng nâng cao mức lãi suất này nhằm cạnh tranh với các ngân hàng lớn.


Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cũng tăng từ 13,7% năm 1992 lên 35,1% vào năm 2000, 65,9% năm 2005 và 125% năm 2010, sau đó giảm xuống còn 109,4% vào năm 2011.

Nhìn chung, tỷ lệ này tăng khá nhanh trong giai đoạn 2007-2010, dù có những bước giảm vào năm 2008 do tác động của chính sách kiềm chế lạm phát (vào giữa năm) và do suy giảm kinh tế trong nước (từ quý IV).

Chỉ số vốn hóa thị trường cũng tăng mạnh từ 0,69% năm 2005 lên khoảng 55% vào năm 2009, trước khi giảm liên tục còn 20% vào năm 2011.

Mức vốn hóa giảm vào các năm 2010-2011 một phần còn do hạn chế tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán và bất động sản đã làm giảm dòng tiền vào TTCK. Bên cạnh đó, có thể thấy biến động của các chỉ số này gắn bó khá mật thiết với diễn biến của nền kinh tế nói chung.

Báo cáo này cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro bất ổn như hiện nay, điều này cũng cho thấy sự phát triển của thị trường tài chính còn chưa thực sự vững chắc.

“Cho đến những năm hậu gia nhập WTO, thị trường tài chính Việt Nam đã hình thành đủ các cấu phần cơ bản. Tuy vậy, hệ thống tài chính vẫn dựa chủ yếu vào các NHTM, trong khi vai trò của các định chế tài chính phi ngân hàng còn khá hạn chế” – Báo cáo nhấn mạnh.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên