MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà Mau: Một tiệm vàng mỗi tháng bán… một tấn vàng?

14-07-2011 - 08:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo sổ sách, chứng từ, doanh thu bán vàng trong bảy tháng của tiệm vàng này lên đến gần 7.500 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng vẫn chưa giải mã được sự bất thường này.

DNTN tiệm vàng Hoàng Khiêm đặt cửa hàng kinh doanh tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với ngành nghề kinh doanh theo đăng ký là mua bán, chế tác vàng, cầm đồ. Như các tiệm vàng khác, trong nhiều năm nay, mỗi ngày người ta thấy cũng chỉ vài chục lượt khách ra vào. Với cơ quan thuế, Hoàng Khiêm kê khai doanh số ấn định là 714 triệu đồng/tháng, tức doanh thu mỗi ngày chưa đến 24 triệu đồng.

Thế nhưng tháng 7-2010, Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi phát hiện doanh thu ghi trên sổ sách, hóa đơn tài chính của Hoàng Khiêm lên đến hơn 35 tỉ đồng, tương đương khoảng 1.000 lượng vàng/ngày. Theo sổ sách, chứng từ, từ tháng 1 đến giữa tháng 8-2010, Hoàng Khiêm có doanh thu bán vàng lên đến gần 7.500 tỉ đồng, so với giá vàng tại thời điểm bán thì tương ứng với 200.000 lượng vàng (gần bảy tấn vàng) - một con số khó tưởng tượng.

Làm việc với Chi cục Thuế, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, chủ DNTN Hoàng Khiêm, giải thích: Thực tế DNTN Hoàng Khiêm có bán hàng cho Công ty Vàng bạc, đá quý Sài Gòn SJC, địa chỉ 115 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM, doanh số đúng như thể hiện trên sổ sách, hóa đơn. Cụ thể, từ năm 2009, Hoàng Khiêm có thuê nhà xưởng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM để gia công, chế tác vàng. Tại đây, Hoàng Khiêm đã mua vàng, gia công, chế tác và bán lại cho Công ty Vàng bạc, đá quý Sài Gòn SJC. Ông Khiêm lý giải: “Chúng tôi gia công, chế tác và nhận tiền công 60.000 đồng/lượng vàng. Lẽ ra chỉ ghi trên hóa đơn giá trị gia công nhưng do phía SJC yêu cầu ghi đúng giá trị số vàng hai bên mua bán. Chúng tôi nghĩ mình đăng ký thuế theo hình thức ấn định, nên dù có ghi doanh số bao nhiêu cũng không bị ngành thuế thu thêm thuế nên chúng tôi đã ghi theo đề nghị của đối tác”. Tuy nhiên, Hoàng Khiêm không trình ra được các hợp đồng và chứng từ thể hiện việc gia công như lý giải.

Tháng 10-2010, Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi có văn bản đề nghị “UBND huyện Đầm Dơi chỉ đạo công an kinh tế và quản lý thị trường vào cuộc làm rõ nguồn hàng mua vào của Hoàng Khiêm. Nếu nguồn hàng không phải là hàng lậu thì xem xét xử lý phạt hành chính vì vi phạm nguyên tắc tài chính, luật thuế”.

Ngày 27-6-2011, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau có kết luận ban đầu về nội dung trên, trong đó đề nghị “Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi phối hợp với công an kinh tế huyện Đầm Dơi chuyển hồ sơ DNTN Hoàng Khiêm để điều tra, khi có kết quả điều tra của công an, báo cáo đề xuất Cục Thuế việc xử lý vi phạm”.

Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Trường Hà, Phó Trưởng Công an huyện Đầm Dơi, cho biết cơ quan này chưa vào cuộc. Ông Hà nói: “Ngành thuế hoặc thanh tra phải có kết luận ban đầu về dấu hiệu vi phạm pháp luật của Hoàng Khiêm và chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an làm rõ, chúng tôi mới có cơ sở xem xét và tiến hành công việc của mình”.

Ông Lê Thanh Dư, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi, nói: “Doanh thu của DNTN Hoàng Khiêm là không bình thường, phi thực tế. Nhưng cơ quan thuế không đủ cơ sở để kết luận Hoàng Khiêm có dấu hiệu buôn lậu hay hợp thức hóa vàng buôn lậu như dư luận nêu”.

Ngày 12-7-2011, trao đổi với PV, ông Trần Nam Việt, Phó ban Thường trực Ban Phòng, chống tham nhũng tỉnh Cà Mau, cho biết cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc.

Về phía Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, ông Tôn Mạnh Tiến - Phó Chi cục trưởng nói: “Tôi chưa được báo cáo gì về vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, hợp thức hóa vàng lậu tại DNTN Hoàng Khiêm, Đầm Dơi”. Ông Tiến cho biết ông Mai Tâm, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, người trực tiếp tham gia đoàn liên ngành làm việc với Hoàng Khiêm ngày 27-9-2010, chưa từng báo cáo gì về vụ Hoàng Khiêm. Ông Mai Tâm đã bị tai nạn giao thông mất cách đây năm tháng.

Theo Trần Vũ

PL TPHCM

duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên