MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các lãnh đạo ngân hàng nói gì về quyết định hạ lãi suất huy động?

19-03-2014 - 09:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất là tất yếu và sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay đi xuống, tuy nhiên cũng không ít nhận định rằng cắt giảm lãi suất sẽ khó kéo dài bởi áp lực lạm phát.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 18/3, một loạt các lãi suất chủ chốt được cắt giảm bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và lãi suất huy động. Trong đó đáng chú ý lãi suất huy động tiền đồng giảm 1% ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, còn tối đa 6%/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất là tất yếu trong bối cảnh hiện nay và sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay đi xuống, tuy nhiên cũng không ít nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ khó kéo dài bởi áp lực lạm phát. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo ngân hàng thương mại.

Bà Nguyễn Minh Thu - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank):

Dòng tiền vào ngân hàng chảy sang các kỳ hạn dài

Tổng giám đốc OceanBank

Chủ trương của NHNN về việc giảm các mức lãi suất chủ chốt thời điểm này là phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô cũng như bám sát các động thái của thị trường.

Cụ thể, nguồn vốn huy động tiếp tục xu hướng tăng trong 2,5 tháng đầu năm trong khi việc đẩy tín dụng vẫn chưa được cải thiện, thậm chí số dư tín dụng của toàn ngành đang tăng trưởng âm. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14%, song hai tháng đầu năm vẫn còn giảm 1,66% so với cuối năm 2013, trong đó cho vay bằng VND giảm tới 1,98%.

Ghi nhận từ thời điểm NHNN công bố giảm trần lãi suất, tương tự những lần giảm lãi suất trước đây, hầu hết các khách hàng đều chuyển sang gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn, từ 7 tháng trở lên. Nhiều khách hàng bày tỏ sự quan tâm tới kênh đầu tư chứng khoán trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên khách hàng của chúng tôi cũng thừa nhận chứng khoán là bấp bênh và đó là kênh của những người chuyên nghiệp, còn đại bộ phận dân chúng vẫn lựa chọn việc gửi tiền vào ngân hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với tình hình huy động vốn như vậy, tôi cho rằng đây là các yếu tố để ngân hàng có thể yên tâm cho vay với lãi suất hấp dẫn và nguồn vốn ổn định hơn. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, lãi suất là yếu tố quan trọng, cần nhưng chưa đủ. Việc cải thiện tình trạng sức mua yếu của thị trường trong nước là vấn đề then chốt để doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh để ngân hàng có thể giải ngân. Để làm được việc này doanh nghiệp cần sự hỗ trợ rất lớn của toàn xã hội như nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, giao thông thuận tiện, thủ tục hành chính nhanh gọn… để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)

Lãi suất hạ có thể làm ấm thị trường chứng khoán, bất động sản


Tổng giám đốc NamABank
Với chủ trương của NHNN, tôi thấy động thái hạ lãi suất là hoàn toàn phù hợp và kịp thời. Vấn đề quan trọng lúc này là năm nay hạ lãi suất như vậy thì các chỉ số kinh tế có đảm bảo khi lãi suất quá hạ hay không, có bị chuyển dịch kênh đầu tư hay không.

Tôi cho rằng, việc hạ trần lãi suất sẽ giúp bất động sản và chứng khoán ấm lên. Hiệu quả đồng vốn thấp thậm chí không bằng lạm phát thì người có tiền tính đến các kênh đầu tư khác là tất yếu. Dẫu vậy vấn đề của thị trường hiện nay là quá nhiều người lo sợ rủi ro nên kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn

Tôi cũng cho rằng, xu hướng giảm lãi suất sẽ khó kéo dài. Thời điểm giảm lúc này là đúng nhưng kéo dài là không thể vì lãi suất sẽ phải tuân theo thị trường. Chẳng hạn lạm phát quay đầu tăng thì lãi suất cũng phải lên theo.

Một điều nữa đáng quan ngại là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng khi lãi suất xuống. Thông thường các ngân hàng nhỏ họ sẽ tìm ngách nhỏ để đi, nhưng nếu phải tuân theo một quy định chung thì những ngân hàng có ít mạng lưới, có thương hiệu không nổi sẽ bị kém cạnh tranh so với các ngân hàng tên tuổi. Đây cũng là vấn đề muôn thuở.

Ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng giám đốc NHTM Đầu tư và Phát triển VN (BIDV)

Không ảnh hưởng tới việc huy động vốn

Phó Tổng giám đốc BIDV

Tôi cho rằng NHNN hạ lãi suất là hợp lý. Ở BIDV, từ tháng 2 chúng tôi đã có chủ trương cho các chi nhánh hạ lãi suất huy động song tình hình huy động vốn không bị ảnh hưởng.

Chúng tôi nhận thấy, tình hình dân trí hiện nay khá cao. Sau khi có quyết định giảm lãi suất ở một số ngân hàng, người dân nhận ra rằng đó sẽ là xu hướng và nên chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài. Thực tế trong thời gian khoảng nửa tháng trở lại đây, nguồn tiền gửi dài hạn tăng rất mạnh.

Với quyết định hạ lãi suất lần này, tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng đến huy động vốn là không đáng kể. Từ đầu năm tới nay tín dụng của BIDV vẫn tăng 1,6% và huy động vốn tăng 2%.

Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Sẽ có mặt bằng lãi suất huy động và cho vay mới


Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank

Việc hạ lãi suất của NHNN là biện pháp rất tích cực, hợp lý trong điều kiện kinh tế hiện nay. Hạ trần lãi suất lần này sẽ không giảm nguồn vốn huy động nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn huy động, tức là sẽ giảm nguồn huy động ngắn hạn và tăng nguồn cung trung và dài hạn, đồng thời tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động.

Với người cho vay là các ngân hàng thì trước đây họ quan tâm cho ai vay và vay để làm gì còn hiện nay thì thêm là vay để làm gì và làm để làm gì. Còn với người vay là các doanh nghiệp, mặc dù lãi suất có giảm nữa nếu không kích cầu thì lãi suất có hạ nữa thì họ cũng không vay. Do vậy, cần phải kích thích tài chính công, phải là cơ chế, phải khuyến khích thị trường phát triển thì doanh nghiệp mới vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Đã qua 9 lần giảm lãi suất từ 2012 tới nay và chính sách tiền tệ cũng đã làm tất cả những gì có thể làm, nhưng giờ đây nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ thì không hiệu quả, đặc biệt vấn đề lãi suất không còn là khó khăn của doanh nghiệp. Vấn đề cần thiết phải giải quyết hiện nay là nhu cầu.

Và để giải quyết bài toán cầu cần có 3 biện pháp đồng bộ, thứ nhất là nên sớm nới room ngoại trên thị trường chứng khoán để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào với lãi suất rẻ hơn; thứ hai là đẩy mạnh đầu tư công và thứ ba là tăng đầu tư trái phiếu.

Ngân hàng HSBC cho rằng, việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế đang bị bủa vây. Nhưng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế.

Ngân hàng ANZ thì nhận xét, việc cắt giảm lãi suất huy động USD và VND là phù hợp với chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách chống USD hóa. Động thái cắt giảm lãi suất lần này sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng tín dụng.

Ts Phan Minh Ngọc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, chi nhánh Singapore nhận định, việc hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn chủ yếu là tác động lên các đối tượng có tiền gửi tạm thời nhàn rỗi dưới 6 tháng, chứ không nhất thiết là có tác dụng làm giảm đáng kể mặt bằng lãi suất tiền gửi và cả cho vay nói chung. Và đối với người tạm thời có tiền nhàn rỗi thì, thường là với tinh thần "vớt vát, được tí nào hay tí đó", việc giảm bớt 1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tuy là tình thế "cực chẳng đã" nhưng cũng không thực sự mang nhiều ý nghĩa so với người sống bằng các khoản gửi tiết kiệm.













Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên