MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chặn ngay đà tăng của nợ xấu

21-09-2012 - 14:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Bằng viêc hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát vốn và tái cấp vốn cho các ngân hàng, những tiêu cực do khủng hoảng nợ xấu gây nên sẽ được giảm thiểu, đồng thời giúp ngăn chặn nợ xấu gia tăng.

Nợ xấu đang là thuật ngữ được nhắc tới khá nhiều trên thị trường tài chính ngân hàng những tháng gần đây.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng về Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/5/2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,47% tổng dư nợ, tức khoảng 117.000 tỷ đồng. Kết quả giám sát của Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN trong khi đó cho thấy tỷ lệ nợ xấu đến 31/3/2012 là 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6%. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tính toán thì con số lại là 11,8%, tương đương với 270 nghìn tỷ đồng. Còn theo các tổ chức tín nhiệm quốc tế, nợ xấu của Việt Nam có thể lên đến 13%.

Tố độ tăng của nợ xấu ngày càng nhanh hơn trong thời gian gần đây do vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức phức tạp; tình trạng cho vay tập trung vào nhóm khách hàng có liên quan; tăng trưởng kinh tế và tổng cầu chậm lại; đầu tư mạnh vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tính minh bạch của các tổ chức tín dụng còn hạn chế và nhiều hành vi che giấu nợ xấu; năng lực kiểm tra của cơ quan giám sát hạn chế…

Cần số liệu nợ xấu thống nhất

Nợ xấu và phân loại nợ ở nước ta hiện nay đang được thực hiện theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các TCTD; và quyết định 18/2007/QĐ-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định 493.

Tuy nhiên, trong quy định của 2 quyết định này lại cho phép NHTM được thực hiện phân loại nợ theo 2 phương pháp là định lượng và định tính, bước đầu tiếp cận các thông lệ quốc tế về phân loại nợ. Quyết định này cũng không có quy định rõ và mang tính bắt buộc về thực hiện phân loại nợ theo đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng nên dẫn đến tình trạng tùy tiện phân loại nợ, khiến cho các con số không được thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

Tại buổi trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban TVQH hôm 21/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, số liệu của NHNN là chuẩn nhất và NHNN cũng điều hành chính sách theo số liệu này. Dẫu vậy, theo các chuyên gia về tài chính ngân hàng, chừng nào khi chưa có số liệu về nợ xấu thống nhất thì chưa thể giải quyết nợ xấu. Có ý kiến cho rằng, NHNN cần đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe hơn về phân loại nợ để có một kết quả chính xác và thống nhất giữa các cơ quan quản lý, từ đó mới giải quyết dứt điểm vấn đề.

Cần chặn ngay đà tăng của nợ xấu

Đã có nhiều giải pháp về giải quyết nợ xấu mà các chuyên gia đã đưa ra, nhưng tựu chung lại có thể quy về 2 nhóm, đó là nhóm giải pháp mang tính chất ngắn hạn và nhóm mang tính dài hạn.

Giải quyết nợ xấu bằng giải pháp ngắn hạn sẽ giúp ngăn chặn mức độ khủng hoảng của nợ xấu và áp lực gia tăng nợ xấu. Cụ thể là, bằng biện pháp này, các ngân hàng sẽ tránh được ảnh hưởng tiêu cực của nợ xấu lên sự an toàn của hệ thống, tránh được khả năng xảy ra khủng hoảng niềm tin của khách hàng và ngăn chặn việc khách  đến rút tiền hàng loạt.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì việc giải quyết nợ xấu bằng biện pháp này sẽ gồm các giải pháp cụ thể:

Thứ nhất là Ngân hàng trung ương hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao để bù đắp lượng tiền bị rút ra. Thứ hai là sẽ kiểm soát vốn và gia hạn nợ cho các tổ chức này nhằm thu hút dòng vốn bị chảy ra. Thứ ba là tái cấp vốn cho ngân hàng thông qua các khoản trái phiếu xử lý nợ xấu hoặc huy động từ nguồn khác dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Và cuối cùng, bảo hiểm toàn bộ cho tiền gửi để tăng niềm tin trong hệ thống ngân hàng, tạo ra thời gian cần thiết cho việc tái cấu trúc hệ thống.

Đối với việc bảo hiểm tiền gửi toàn bộ, chính sách này có thể sẽ khiến chi phí khá cao, tuy nhiên nếu so với những tổn thất do hệ thống ngân hàng sụp đổ thì lại hữu hiệu và ít tốn kém hơn nhiều.

Ở nhóm giải pháp dài hạn, một AMC được lập để giải quyết nợ xấu đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước. Tuy nhiên, trong trường hợp ở nước ta, nguồn kinh phí lấy ở đâu để giải quyết được khoản nợ hơn 200 nghìn tỷ là cả một vấn đề và đến nay dường như vẫn chưa có lời giải.

Trong nhóm này, biện pháp gắn giải quyết nợ xấu với tái cấu trúc ngân hàng và tái cấu trúc kinh tế được đánh giá là giải pháp mang tính cơ bản, vì ngoài vấn đề xử lý nợ xấu nó còn giúp ngăn chặn nợ xấu gia tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên áp dụng cả hai nhóm giải pháp này một cách song song. Việc giải quyết nợ xấu cũng cần được giải quyết càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế.

(Giải quyết nợ xấu - kỳ 2: Giải quyết nợ xấu không chỉ phụ thuộc vào một bên)

Tiến Phương

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên