MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần thay đổi tư duy và bài học kinh nghiệm từ các nước

06-01-2015 - 15:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Mức độ minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang rất thấp, với hầu hết các đợt phát hành đều là phát hành riêng lẻ và thông tin được giữ bí mật ở mức cao nhất có thể.

Trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ được chuẩn hóa để một khi doanh nghiệp phát hành thì tất cả các nhà đầu tư đều biết là doanh nghiệp đó đã đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về báo cáo tài chính, kế toán và minh bạch thông tin. Niềm tin là nền tảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế, mức độ minh bạch trên thị trường này hiện đang rất thấp, với hầu hết các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều là phát hành riêng lẻ và thông tin được giữ bí mật ở mức cao nhất có thể.

Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2014 hầu như không có giao dịch, nếu có thì thông tin không được công bố để làm cơ sở định giá cho thị trường. Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trên thị trường sơ cấp năm 2014 là 26.722 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2013. Quy mô thị trường này rất khiêm tốn so với thị trường trái phiếu chính phủ. Nguyên nhân là do đâu?

Theo nhiều doanh nghiệp, bằng việc phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp có thể đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư và giảm thiểu cung cấp thông tin ra công chúng. Còn bản thân nhà đầu tư khi chấp nhận ít thông tin hơn sẽ được lợi nhuận cao hơn so với thị trường và có quyền đặt ra những yêu cầu cụ thể. Trong trường hợp có những kế hoạch chưa muốn công bố thông tin như tái cấu trúc doanh nghiệp, doanh nghiệp thường chọn phát hành riêng lẻ, đặc biệt là những công ty nhỏ đang trong giai đoạn khó khăn.

Nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các ngân hàng lớn, cũng hầu như không cần doanh nghiệp phát hành minh bạch thông tin, bởi họ đã nắm được thông tin về tình hình hoạt động, vay nợ, ... của doanh nghiệp. Thậm chí, họ ủng hộ việc bảo mật thông tin để đơn giản hóa thủ tục phát hành cho cả hai bên.

Sự mịt mờ thông tin gây bất lợi cho các nhà đầu tư nhỏ trên thị trường thứ cấp. Tình trạng không minh bạch cũng đã làm nảy sinh một vài vấn đề trong lòng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, khi mà doanh nghiệp và ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu doanh nghiệp như công cụ để thực hiện các hoạt động vay mượn lòng vòng và làm “đẹp” sổ sách cho nhau. Có không ít vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng nhưng lãi suất hoàn toàn đi chệch khỏi thị trường. Ví dụ như, một doanh nghiệp bất động sản hồi quý III/2013 phát hành trái phiếu có lãi suất năm đầu 10%/năm, thấp hơn 2 - 3%/năm so với mặt bằng phát hành của các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cuối tháng 12/2013 phát hành thêm một đợt nữa có lãi suất 11%/năm, trong khi mặt bằng chung là giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, do quy mô gia đình lớn và chi phí sinh hoạt tương đối thấp, người già có thể dựa vào con cái của họ để được chăm sóc khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhân khẩu học của Việt Nam đang thay đổi. Khi quy mô gia đình thu nhỏ, người trẻ ngày nay sẽ không sinh quá nhiều con để có thể dựa vào khi về già. Ngoài ra, chi phí y tế cho người cao tuổi sẽ tăng lên khi Việt Nam phát triển hoạt động y học hiện đại. Do đó, người Việt sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm tiết kiệm dài hạn để chi tiêu cho giai đoạn hưu trí của họ và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn được coi là một phương tiện tiết kiệm thích hợp.

Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy để đi trước và đón đầu các cơ hội này, nhằm sớm có các bước đi cụ thể hơn trong việc tham gia vào việc tạo ra nhiều sản phẩm hơn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đầy tiềm năng hiện nay tại Việt nam.

Theo kinh nghiệm của một số nước, thị trường trái phiếu ngoài vai trò là nguồn cấp vốn quan trọng của các doanh nghiệp, còn là nơi cung cấp một loại tài sản quan trọng đối với các nhà đầu tư dài hạn. Các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm dựa vào những tài sản có kỳ hạn dài để cố định mức lợi tức cần thiết, nhằm bảo đảm các sản phẩm tiết kiệm cho khách hàng của họ. Tuy nhiên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Việt nam cần thành lập các công ty định mức tín nhiệm để đưa ra định mức tín nhiệm cho các đơn vị phát hành trái phiếu nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn và cung cấp các sản phẩm tiết kiệm hưu trí hiệu quả cho khách hàng.


Khi nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, thị trường trái phiếu nội tệ của họ đều phát triển mạnh mẽ.

Tổng giá trị trái phiếu phát hành năm 2013 tại các nước này lần lượt đạt 28 tỷ USD, 17 tỷ USD và 9 tỷ USD tương ứng, so với 0,9 tỷ USD tại Việt Nam. Thị trường trái phiếu đã và đang là nguồn cung vốn chủ chốt và do đó là động lực chính cho phát triển kinh tế tại những nước này.

Vậy tại sao thị trường trái phiếu tại các nước láng giềng trong khối ASEAN lại phát triển hơn Việt Nam? Lý do chính nằm ở việc Việt Nam không có cơ quan xếp hạng nào được công nhận rộng rãi. Trong khi đó, Malaysia có hai công ty Rating Agency Malaysia(RAM) và Malaysian Ratings Company (MARC); Indonesia có Pefindo, còn tại Thái Lan là TRIS.


RAM Holdings, trước đây là Rating Agency Malaysia Berhad, thành lập vào tháng 11/1990, là cơ quan xếp hạng đầu tiên của Malaysia hoạt động với tư cách là chất xúc tác cho thị trường vốn và nợ nội địa. Cổ đông của công ty này bao gồm các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Trong quá trình hoạt động, RAM đã giúp huy động tổng cộng 270 tỷ USD trái phiếu và sukuk (trái phiếu Hồi giáo) phục vụ phát triển hạ tầng và doanh nghiệp ở Malaysia và 11 quốc gia khác.

Malaysian Ratings Corporation Berhad (MARC) được thành lập năm 1995 và trở thành công ty xếp hạng tín dụng thứ hai ở nước này. Công ty cung cấp đầy đủ các dịch vụ xếp hạng từ thương phiếu, trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi đến cổ phiếu có tài sản đảm bảo. Cổ đông chủ yếu của công ty này là các công ty bảo hiểm.

Một trong những lý do để RAM và MARC trở nên quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ Malaysia đó là vì hai công ty này nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phía chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Malaysia ra hướng dẫn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó yêu cầu các đơn vị phát hành phải có chỉ số đánh giá tín nhiệm từ một trong hai công ty nêu trên.

Tại Thái Lan, Công ty TNHH TRIS đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc đánh giá tín nhiệm kể từ năm 1993, khi chức năng đánh giá tín nhiệm là một phần của công việc. TRIS là công ty Thái Lan đầu tiên cung cấp dịch vụ này, sau đó đổi tên là Tập đoàn TRIS vào năm 2007. Công ty xếp hạng tín nhiệm TRIS được tách ra độc lập vào ngày 3/6/2002, chuyên thực hiện đánh giá mức độ tín nhiệm. Vào tháng 11/2011, Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s đã mua 5% vốn sở hữu của TRIS, từ đó càng làm tăng uy tín của TRIS.

Còn tại Indonesia, PT. PEFINDO được thành lập ngày 21/12/1993, theo sáng kiến của BAPEPAM (Ban Kiểm soát thị trường vốn) và Ngân hàng Indonesia (Ngân hàng Trung ương). Ngày 13/8/1994, PEFINDO được cấp phép hoạt động và duy trì là một trong các tổ chức hỗ trợ thị trường vốn của Indonesia từ đó đến nay. Chức năng chính của PEFINDO là cung cấp xếp hạng khách quan, độc lập và đáng tin cậy về mức độ rủi ro tín dụng của chứng khoán nợ được phát hành ra công chúng.

PEFINDO là một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân và đến năm 2014 được 86 tổ chức trong nước sở hữu, bao gồm các quỹ hưu trí lớn, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, Sàn chứng khoán Indonesia (IDX) và các công ty chứng khoán. Để cải thiện các phương pháp đánh giá và tiêu chí cũng như quá trình đánh giá, PEFINDO nhận được sự hỗ trợ từ đối tác nước ngoài Standard & Poor’s.

Do những công ty đánh giá tín nhiệm nhận được sự ủng hộ của chính phủ và liên kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài, họ có thể đưa ra định mức tín nhiệm cho các đơn vị phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ. Mức độ tín nhiệm trở thành một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn và cung cấp các sản phẩm tiết kiệm hưu trí, mà cả hai lợi ích này đều sẽ được đánh giá cao tại Việt Nam.

Do đó, ngoài việc để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới tại Việt nam, tác giả nhận thấy ngoài việc các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để đi trước đón đầu các xu thế sắp tới trên thị trường vốn tại Việt nam nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy tiềm năng nói riêng, các cơ quan chức năng rất cần sớm thành lập các cơ quan định mức tín nhiệm cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành; từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường và tạo ra một sự phát triển lành mạnh và lâu dài cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.


TS BÙI QUANG TÍN

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên