MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Càng bán vàng miếng cho thị trường càng tiếp tay cho vàng hóa'

27-09-2013 - 07:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS Ngô Trí Long, càng bán vàng miếng cho thị trường là càng tiếp tay cho “vàng hóa”, là đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân.

PGS.TS. Ngô Trí Long vừa có tham luận về chính sách điều hành thị trường vàng tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2013. 

Theo TS.Long, một năm qua với việc ban hành NĐ 24/CP cùng với những văn bản pháp quy do NHNN ban hành về quản lý vàng, thị trường vàng luôn trở thành “điểm nóng”. Sau hơn 1 năm thực hiện, cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn. Hoạt động của thị trường vàng trong nước xem ra vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mà các mục tiêu của NĐ 24/CP đề ra, đúng như các đại biểu QH đã chất vấn Thống đốc tại các phiên họp Quốc hội.

TS. Ngô Trí Long cho rằng , việc quản lý thị trường vàng đang là một thách thức cho cơ quan quản lý. Thị trường vàng còn bất ổn, căn nguyên từ cơ chế chính sách. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều quy định quản lý thị trường vàng đã thay đổi liên tục, theo chiều hướng ngược nhau. Hầu hết các quy định thay đổi chỉ nhằm giải quyết tình thế hơn là mang tính hệ thống, ổn định. Căn cứ vào mục tiêu NĐ24/CP đưa ra, chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay còn tồn tại những bất cập.

TS Long đặc biệt quan tâm tới mục tiêu chống vàng hóa của NĐ24. Theo ông, NHNN không nên lạm dụng việc chống “vàng hoá” để bao biện cho việc sử dụng các biện pháp hành chính trong quản lý bằng việc cấm. Phải coi vàng đúng theo chức năng của nó, là 1 loại tiền tệ đặc biệt, để tránh tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế thì không được xem vàng là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, thị trường vàng phải được lưu thông một cách bình thường, khi người dân có nhu cầu bán vàng để lấy tiền chi tiêu hoặc đầu tư, kinh doanh họ phải thực hiện được một cách dễ dàng, có như vậy mới có thể huy động được số vàng đang cất trữ trong dân để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tại sao lại như vậy? Theo TS Ngô Trí Long, điều này xuất phát từ thực tế là nếu Nhà nước ngăn cấm việc trao đổi, mua bán vàng, việc ngăn cấm này chỉ thực hiện được bề nổi mà thôi, với chức năng vốn có của vàng và với thể tích gọn nhẹ, nếu ngăn cấm việc mua bán vàng trên thị trường, sẽ dẫn tới tình trạng đưa vàng ra nước ngoài để bán, điều này có thể gây ra một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng là tài sản của nhân dân được tích trữ dưới dạng vàng theo tập quán truyền thống sẽ chảy ra nước ngoài.

Hơn nữa khi càng cấm đoán thì nguy cơ giao dịch ngầm, buôn bán vàng trái phép sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Nếu không cho phép vàng thực hiện theo bản chất, chức năng vốn có của nó, sẽ càng làm cho quá trình kiểm soát của Nhà nước đối với loại tiền tệ đặc biệt này trở nên phức tạp và sẽ không tận dụng được những nguồn lực to lớn trong toàn xã hội, bởi vì nếu như người sở hữu vàng chỉ được cất giữ ở trong nhà, vàng sẽ bị mất hết các chức năng vốn có của nó khi đó việc cất giữ vàng chẳng khác nào cất giữ một tài sản vô giá trị. Cho tới nay việc huy động nguồn lực vàng trong dân để đưa vào phát triển kinh tế-xã hội vẫn chưa được NHNN triển khai thực hiện.

Việc NHNN độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân và có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hóa? Hiểu một cách giản đơn là như vậy, vì dân còn ít vàng hơn nên hiện tượng vàng hóa sẽ phải giảm.

Theo NHNN, 5 tháng sau khi thực hiện Nghị định 24/CP, các TCTD đã mua lại hơn 60 tấn vàng, tính trung bình mỗi tháng mua hơn 10 tấn vàng. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi cho rằng như vậy có nghĩa vàng đã biến thành tiền tương đương khoảng 3 tỷ USD và được chuyển thành tiền để phục vụ nền kinh tế. Các TCTD mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động. Điều này đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi tiền đưa vào phát triển kinh tế. Thực tế, là các NHTM mua vàng từ dân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc đóng tình trạng “thiếu hụt” trong tài khoản buôn bán vàng của các ngân hàng này và để phục vụ việc người dân rút vàng đã gửi vào hệ thống ngân hàng từ trước.

Giả sử là NHNN chỉ đạo các NHTM hoặc NHNN trực tiếp mua vàng từ dân để chống vàng hóa, thì điều này nó không giúp gì được cho mục tiêu chống vàng hóa mà chỉ là việc bơm tiền vào nền kinh tế. Bởi vì, trong điều kiện không cho nhập khẩu vàng, việc mua vàng từ dân, nó sẽ đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn. Bởi khi cầu tăng, mà cung không thay đổi thì giá tăng, tạo ra kỳ vọng về giá vàng tiếp tục tăng, vì nguồn cung khan hiếm hơn sau khi mua mà không có bổ sung. 

Một hệ lụy khác có thể NHNN đã phải tung tiền ra để hỗ trợ các NHTM mua vàng, chưa kể đến việc NHNN từ đầu năm tới nay liên tục tiếp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chống vàng hóa bằng cách này tạo thêm rủi ro cho đồng VNĐ. Hiện tượng này không có lợi cho việc chống vàng hóa.

Chủ trương của NHNN là chống “vàng hóa”, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ thì việc tổ chức 61 phiên đấu thầu vàng cho đến nay đã bán hơn 60 tấn vàng quy chuẩn. Điều này cho thấy càng bán vàng miếng cho thị trường là càng tiếp tay cho “vàng hóa”, là đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân. Như vậy là đi ngược lại mục tiêu chống vàng hóa và chuyển vàng dự trữ trong dân thành VNĐ để phát triển kinh tế không thực hiện được.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên