MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy đua tăng lãi suất huy động: Lợi bất cập hại

04-04-2011 - 16:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Cạnh tranh hút vốn của các ngân hàng đang tái diễn không chỉ đẩy mặt bằng lãi suất lên tiếp, mà còn góp phần vào quá trình tạo ra lạm phát chi phí đẩy của nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa chính thức có văn bản khuyến nghị các hội viên nên cân nhắc một cách thận trọng việc tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

VNBA cho rằng, động thái tăng lãi suất như vừa qua không chỉ đặt các NHTM đứng trước rủi ro tiềm ẩn mà còn khiến mục tiêu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới (khi lạm phát có xu hướng giảm) trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo VNBA, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư khá hấp dẫn hiện nay và đặc biệt là hầu như không có rủi ro trong khi thị trường chứng khoán tụt dốc, thị trường bất động sản trầm lắng, việc đầu tư vào vàng và USD có thể gặp rủi ro do thị trường tự do bị kiểm soát gắt gao…

Chính vì vậy, VNBA khuyến cáo các NHTM không nên tự đặt mình vào thế bất lợi thông qua việc tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn một cách vô lối.

Thực tế, cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động không kỳ hạn hoặc những kỳ hạn dưới một tháng của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn chưa có điểm dừng. Lãi suất không kỳ hạn đã được một số NHTM đẩy lên khá cao, từ 9-12%/năm, một hiện tượng chưa từng thấy trên thị trường tiền tệ VN.

Mức lãi suất huy động không kỳ hạn 3-3,6%/năm đã bị phá bỏ, thay vào đó là những mức lãi suất tiến sát đến trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra được ẩn dưới các loại tài khoản (như gói sản phẩm VP Super của VP Bank dành cho các khách hàng có nguồn tiền luân chuyển qua tài khoản thanh toán có lãi suất lên đến 9%/năm).

Thậm chí các TCTD còn có những kỳ hạn độc chiêu hơn cả kỳ hạn tuần đang được các ngân hàng áp dụng. Ví dụ, Habubank với mức lãi suất trả cuối kỳ cho kỳ hạn gửi 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày, 6 ngày tương ứng 12,5%/năm; 13/năm; 13,5%/năm và 13,8%/năm. Hoặc sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn lãi suất siêu thả nổi tại VietinBank cũng là một chiêu độc đáo khi khách hàng được chọn kỳ điều chỉnh lãi suất 1 tuần/2 tuần/3 tuần..

Với các cách “lách” khiến Thông tư 04/2011/TT-NHNN (áp dụng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất đối với tiền gửi rút trước hạn) dường như bị vô hiệu hóa. Người gửi tiền có thể đảo kỳ hạn và chuyển ngân hàng khi có cơ hội. Và như vậy, các cách lách luật này được nhận định là làm phí bình quân của ngân hàng tăng lên, rủi ro thanh khoản và kỳ hạn càng thêm trầm trọng.

Đối với các kỳ hạn khác, nhiều ngân hàng vẫn áp dụng chiêu khuyến mại cộng lãi suất và khách hàng vẫn có thể mặc cả tới 16-17%/năm, thậm chí 18%/năm với các món tiền gửi vài tỷ đồng cho kỳ hạn 1 hoặc 2 tháng. Lãi suất thật được thỏa thuận bằng miệng và phần chênh được trả ngay bằng tiền mặt. Một số chiêu lách luật được các NHTM sử dụng như thông qua hình thức khuyến mại “cào là trúng”, đặc biệt là sản phẩm huy động VND đảm bảo bằng USD…

Nhiều lãnh đạo NHTM than thở việc tăng lãi suất không kỳ hạn và lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn 1 hoặc 2 tháng được đưa lên 17%/năm là việc cực chẳng đã. Thực tế, nhu cầu vốn đang tăng cao, lại thêm kỳ vọng lạm phát tăng cũng khiến lãi suất huy động trở nên kém hấp dẫn.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, tình hình huy động VND của hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước đến 31/3 giảm 4% so với 31/12/2010. Trong khi đó, dư nợ VND ước đến cuối tháng 3/2011 tăng 1,9% so với cuối năm 2010. Cầu vốn tăng nhanh hơn cung vốn đã gây áp lực lên lãi suất của các NHTM. Các nhà băng này buộc phải tăng vốn để cho vay, vì nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ cao, đến 70-8-%/ tổng doanh thu tại các NHTM cùng với sức ép tăng vốn điều lệ. Do vậy, cuộc chạy đua lãi suất tại các NHTM vẫn chưa có điểm dừng.

Ngoài ra, việc NHNN tăng mạnh các lãi suất chủ chốt trên thị trường liên ngân hàng cũng khiến nguồn cung tiền từ ngân hàng trung ương bị thắt lại mạnh mẽ, buộc các ngân hàng phải áp dụng biện pháp truyền thống tăng lãi suất huy động để hút vốn.

Tuy nhiên, trần lãi suất huy động đã bị khống chế ở mức 14%/năm cũng khiến các NHTM quy mô nhỏ gặp bất lợi so với các ngân hàng lớn trong việc hút vốn. Trong khi các ngân hàng nhỏ đang phải chịu áp lực về tăng trưởng. Điều này đã buộc các ngân hàng này thường xuyên phải lách luật, châm ngòi cho các cuộc đua lãi suất.

Cạnh tranh hút vốn của các ngân hàng đang tái diễn không chỉ khiến mặt bằng lãi suất huy động đang vượt “trần”, mà còn tạo áp lực lạm phát do chi phí đẩy đang mạnh lên cùng với việc hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá.

Khi lãi suất đầu vào bị đẩy lên cao, lãi suất đầu ra cũng bắt buộc tăng để ngân hàng đảm bảo lợi nhuận, do đó cản trở quá trình giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Bởi lãi suất đầu ra sẽ bằng lãi suất danh nghĩa gồm chi phí thu hút vốn, cộng với phần lợi nhuận dự kiến của ngân hàng.

Hơn nữa, áp lực tăng lãi suất này đang tăng gánh nặng chi phí lên nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp sẽ không thể “kham” được mức lãi suất vay quá cao, khi đó dòng vốn sẽ không thể hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng. Hoặc nếu phải vay lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc cân đối lợi nhuận, thậm chí đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản. Như vậy vô tình rủi ro đẩy về phía ngân hàng khi nợ xấu tăng, nền kinh tế bị đe dọa về tăng trưởng bền vững.

Trong bối cảnh các dòng tiền trong lưu thông đang bị siết lại để ngăn chặn lạm phát, nếu không quản lý được lãi suất đầu ra, áp lực lạm phát do chi phí đẩy lên nền kinh tế sẽ càng gia tăng.

Quỳnh Chi

tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên