MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ: Sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa

21-03-2011 - 11:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Chất lượng tín dụng là vấn đề được Chính phủ “đặc biệt quan tâm” trong thời gian tới.

Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt là những giải pháp chủ yếu trong điều hành kinh tế sắp tới.

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại Quốc hội sáng nay nhấn mạnh, trong điều hành kinh tế vĩ mô sắp tới, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt, đặc biệt là cắt giảm đầu tư công và giảm bội chi ngân sách.

Đồng thời, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng sẽ được phối hợp hài hóa để giảm tốc độ tăng tổng cầu bằng cách giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, thắt chặt chi tiêu công để từng bước giảm sức ép lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá, kiểm soát thị trường ngoại tệ và thị trường vàng.

Báo cáo nhấn mạnh rằng năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng phải “giữ” ở mức dưới 20%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%. Tuy nhiên, Chính phủ cũng sẽ bảo đảm việc bố trí vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán, chủ trương chung là giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng.

Về chính sách đối với thị trường ngoại hối, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý để bình ổn thị trường, qua đó đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.

Chất lượng tín dụng cũng là vấn đề được Chính phủ “đặc biệt quan tâm” trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về an toàn tín dụng, ngân hàng theo thông lệ quốc tế.

Đối với chính sách tài khóa, một mặt Chính phủ sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 7-8% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua, đồng thời sẽ rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011.

Bội chi ngân sách, một trong những vấn đề “nóng” hiện nay, được Chính phủ xác định là một nội dung quan trọng trong điều hành, theo đó, năm nay sẽ giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Chính phủ cũng tập trung giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn. Đồng thời, Chính phủ sẽ rà soát lại nợ của Chính phủ, nợ quốc gia, không mở rộng đối tượng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn.

Đối với đầu tư công, Chính phủ đã quyết định sẽ cắt giảm tối thiểu 10% lượng vốn theo kế hoạch tín dụng đầu tư từ ngân sách của Ngân hàng phát triển Việt Nam. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không ứng trước, không kéo dài thời gian sử dụng vốn, chưa khởi công các công trình, dự án mới dùng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ.

Đối với các dự án đã triển khai, Chính phủ sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng cần được hoàn thành trong năm 2011. Trong khi đó, đối với các dự án đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, Chính phủ sẽ xem xét việc loại bỏ, kể cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Anh Minh
VnEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên