MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi đúng hướng

22-10-2010 - 10:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, mức lạm phát hiện nay của Việt Nam thấp và WB đánh giá cao các chính sách điều hành của Chính phủ.

"Chính sách tiền tệ vẫn đang đi đúng hướng. Nhưng thách thức đặt ra là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cần giữ được chính sách này và xây dựng niềm tin vào chính sách tiền tệ". Đó là quan điểm của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về tình hình kinh tế Việt Nam.

Theo bà, Việt Nam có đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2010? Trong thời gian tới, Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao?

Bà Victoria Kwakwa: Các chính sách kích thích kinh tế trong năm 2009 đã tạo ra những đà tăng trưởng tốt cho năm nay. Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế có thể tăng trưởng tốt như: xuất khẩu tăng, FDI tăng, những cam kết ODA tăng...

Như vậy, Việt Nam đang đi đúng hướng và tôi nghĩ rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay là có thể đạt được, thậm chí còn cao hơn. Do đó, không có lý do gì để chính phủ phải lo lắng đánh đổi giữa tăng trưởng hay tập trung kiềm chế lạm phát.

Tăng trưởng cao không hoàn toàn đồng nghĩa với lạm phát sẽ tăng cao. Vì nếu các chính sách vĩ mô đúng hướng và được điều hành quyết liệt, chúng ta sẽ có được tăng trưởng mà vẫn đảm bảo được sự ổn định. Tôi không nghĩ bản thân sự tăng trưởng là một nguy cơ đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo quan điểm của tôi, nền kinh tế Việt Nam cho đến nay chưa có biểu hiện gì là tăng trưởng "quá nóng". Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN cần quản lý và giám sát chặt chẽ để sẵn sàng có các biện pháp giải quyết nếu có những dấu hiệu như vậy xảy ra.

Tuy nhiên, CPI tháng 9 tăng đột biến bà đánh giá thế nào về điều này?

Như trên tôi đã phân tích, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đến nay vẫn được thực hiện tốt.

Từ cuối năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong điều hành và giải quyết những rủi ro đối với nền kinh tế vĩ mô, nên về tổng quan hiện thị trường đang ở trạng thái tốt. Trong tháng 9, xu hướng lạm phát có tăng lên, nhưng một phần là do các học sinh, sinh viên bắt đầu năm học mới và một số loại học phí tăng lên.

Tuy nhiên, theo tôi mức lạm phát hiện nay của Việt Nam thấp và WB đánh giá cao các chính sách điều hành của Chính phủ. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 có tăng cao một chút, nhưng với chính sách tiền tệ thận trọng và tài khóa ổn định, chúng tôi tin rằng lạm phát của Việt Nam sẽ trong tầm kiểm soát.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề nào để kiểm soát lạm phát, thưa bà?

Tôi không thấy có tác động bất lợi nào cần phải nêu ra ở đây. Cách thức mà Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua cũng như xu hướng điều hành sắp tới là đúng đắn. Tuy nhiên thách thức và rủi ro là những thay đổi đột ngột trong chính sách, có thể từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay sự mất ổn định trong chính sách tài khóa.

Đây là những rủi ro thực sự, nhưng tôi tin Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định với những gì đã làm và hy vọng sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ bên ngoài dẫn đến những tác động xấu cho kinh tế Việt Nam.

Mặc dầu trên thị trường toàn cầu, một số mặt hàng, trong đó có dầu mỏ đang tăng giá và cùng với các yếu tố trong nước, có thể tác động đến lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, dường như chính sách tiền tệ vẫn đang đi đúng hướng. Nhưng thách thức đặt ra là Chính phủ và NHNN cần giữ được chính sách này và xây dựng niềm tin vào chính sách tiền tệ.

Vậy theo bà, Việt Nam có nên tiếp tục duy trì những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng như hiện nay?

Cách thức mà Chính phủ đang thực hiện cho đến nay theo tôi là đúng hướng, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ cần phải thay đổi chính sách hiện tại.

Những việc đã làm như thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, củng cố chính sách tài khóa, chủ động hơn trong điều hành chính sách vĩ mô... đều mang lại những hiệu quả tích cực. Tôi cho rằng, trong những tháng tới, Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi xu hướng này.

Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao tình hình, nhất là những vấn đề liên quan đến thị trường tiền tệ, các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để nhận định, đánh giá và có biện pháp đối phó kịp thời.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề rất quan trọng là Chính phủ và NHNN cần rõ ràng trong các định hướng chính sách vĩ mô và chính sách tiền tệ của mình để mọi người nắm được.

Tôi nghĩ khi mọi người được tiếp cận với nhiều thông tin hơn, hiểu về những định hướng của Chính phủ và NHNN hơn sẽ giúp ích cho điều hành của Chính phủ, từ đó làm tăng hiệu quả của chính sách. Các vấn đề thường nảy sinh khi tín hiệu thị trường không rõ, và họ không có nguồn thông tin để hiểu NHNN đang cố gắng làm gì.

Điều này có thể dẫn đến những lo ngại hoặc hiểu nhầm không đáng có. Và có thể gây ra những hệ lụy là phản ứng tiêu cực của thị trường và chính nó lại gây ra những tác dụng ngược đối với ổn định vĩ mô.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế trong 5, 10 năm tới, Việt Nam chủ trương tiếp tục mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh nhằm xoá đói giảm nghèo. Xin cho biết quan điểm của bà về vấn đề này?

Thách thức chung và lớn của Việt Nam là làm sao tiếp tục cải thiện được khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi Chính phủ phải giải quyết nhiều việc.

Đó là vấn đề cơ sở hạ tầng, tham nhũng, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết những yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước để việc sử dụng các nguồn lực nhà nước hiệu quả hơn… Tất cả những vấn đề trên nếu được giải quyết sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.

Để tiếp tục cải thiện và giải quyết được vấn đề đói nghèo tôi nghĩ Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, làm sao tăng năng suất lao động và hiệu quả của kinh tế nông thôn, nơi tỷ lệ đói nghèo lớn. Đây là yếu tố quan trọng để người nông dân có được thu nhập cao hơn.

Thứ hai, cần có các sáng kiến mới để thực sự giải quyết được vấn đề đói nghèo tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi tỷ lệ dân nghèo, đói thậm chí còn lớn hơn mức 30%, một số địa phương còn lên tới 50%.

Thứ ba, cần tăng cường bảo trợ xã hội và mạng lưới an sinh xã hội để giúp cho những đối tượng cận nghèo không bị rơi lại vào vòng nghèo đói.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Theo Hồng Dung
SBV

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên