MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ cơ chế bán nợ xấu cho nhà đầu tư ngoại

04-11-2013 - 15:17 PM | Tài chính - ngân hàng

VAMC được ví như bệnh viện nợ xấu, với nhiệm vụ trước mắt là làm tan “cục máu đông” nợ xấu, nếu để tích tụ sẽ dẫn đến “tai biến mạch máu não” cho tổng thể nền kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng trao đổi với phóng viên về “đầu ra” của tài sản nợ xấu.

Thưa ông, đã có 14 TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Có vẻ công ty đang rất “đắt khách”?

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Đúng vậy. Vì có 3 điểm tích cực khi bán nợ xấu cho VAMC. Thứ nhất, khi các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC thì nợ xấu được đưa ra ngoại bảng. Thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) ngay 100% thì nay ngân hàng chỉ phải trích 20%. Đây cũng là cơ hội để cho ngân hàng không bị sốc về mặt tài chính đồng thời có đủ thời gian tái cơ cấu lại chính mình, cải thiện hệ số uy tín.

Đặc biệt, trong vòng 5 năm sau khi bán, khi ngân hàng cần vốn hoặc gặp vấn đề về thanh khoản có thể mang trái phiếu đặc biệt (TPĐB) vay tái cấp vốn tại NHNN tối đa 70% giá trị TPĐB.

Thứ hai về phía DN cũng được hưởng lợi từ việc VAMC mua nợ của ngân hàng. Đó là DN sẽ không phải bán tháo tài sản nhất là bất động sản để trả nợ. Vì VAMC sẽ điều chỉnh lãi suất, kỳ hạn nợ, xem xét miễn giảm lãi cho DN. Không những vậy, nếu DN thiếu vốn kinh doanh còn được ngân hàng bơm vốn tạo điều kiện DN phục hồi sản xuất, lợi nhuận tăng dần, trả được nợ.

Thứ ba, khi tổng cầu tăng nhờ chính sách điều hành vĩ mô, DN trở lại sản xuất kinh doanh sẽ hạn chế đóng cửa nhà máy, giảm thiểu thất nghiệp, tạo công ăn việc làm và sản phẩm hoàn chỉnh có thể tiêu thụ cho xã hội, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tôi khẳng định VAMC mua nợ bằng TPĐB không dùng một đồng vốn nào từ ngân sách nhà nước. Đây là việc làm riêng có trong xử lý nợ xấu (XLNX) của Việt Nam.

Tôi cũng lưu ý, tỷ lệ vay tái cấp vốn của các TCTD khi mang TPĐB thế chấp tại NHNN tối đa là 70%. Nhưng tùy vào thời điểm cụ thể phụ thuộc vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, có thể tỷ lệ trên chỉ là 60% - 50% thậm chí 40%. Việc không áp dụng cố định mà linh hoạt như vậy nhằm kiểm soát cung tiền, không gây áp lực lạm phát.

“Đầu vào” có vẻ đang khá suôn sẻ, vậy VAMC đã tính phương án “đầu ra” cho các khoản nợ xấu đã mua?

Tôi cho rằng, VAMC được ví như bệnh viện nợ xấu, với nhiệm vụ trước mắt là làm tan “cục máu đông” nợ xấu, nếu để tích tụ sẽ dẫn đến “tai biến mạch máu não” cho tổng thể nền kinh tế - xã hội. Sau khi hồi sức cấp cứu xong thì bệnh viện mới phân loại các khoản nợ xấu mua về, tách từng “ca bệnh” về khoa chuyên ngành để chữa trị. Nếu quá trình cấp cứu đã xong, “bệnh nhân” nào không sống được thì phải đưa vào “nhà xác”, hay nói cách khác là DN nào không thể tồn tại được thì cho phá sản. Còn bệnh nhân nào có thể sống được thì VAMC phải đưa ra liều thuốc chữa trị bệnh. Tức là VAMC sẽ tính toán đến “đầu ra” cho các khoản nợ xấu đã mua.

Tuy nhiên, quan điểm của VAMC là trước hết trong nước tự xử lý. Khi các ngân hàng bán nợ cho VAMC thì việc bán nợ cho ai là quyền của VAMC. Nhưng tại sao VAMC không làm như vậy. Bởi thứ nhất, tôn trọng người bán là các TCTD (hay nói cách khác là người cho vay – PV) vì họ vẫn phải trích lập DPRR cho khoản nợ này. Thứ hai là tôn trọng cả DN, nhất là những DN có khả năng phục hồi tốt. Có thể nói VAMC, ngân hàng và DN tuy 3 là 1 nhưng tuy 1 vẫn là 3. Có nghĩa là phải gọi 3 “nhà” ngồi lại với nhau để tìm phương án giải quyết “con bệnh”. Nếu chỉ một “nhà” sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề.

Ngoài ra, tôi rất ủng hộ NĐT trong nước muốn tham gia mua nợ xấu, tái cấu trúc lại DN. Thậm chí TCTD có thể cho NĐT này vay vốn tiếp để tái cấu trúc DN. Tôi hy vọng trong thời gian tới các NĐT trong nước sẽ được vay vốn mua nợ xấu. Qua đó giúp ngân hàng đạt mục tiêu “kép”: vừa tăng trưởng tín dụng vừa hỗ trợ tái cấu trúc của chính các ngân hàng.

Ông có nói đến giải pháp bán nợ cho NĐT nước ngoài. Khả năng này hiện thực thế nào thưa ông?

Tôi đã từng trao đổi với các tập đoàn lớn nước ngoài đến Việt Nam ngỏ ý mua nợ xấu như Dragon Capital, Holding Capital, SAM… Và qua báo chí tôi thấy có thông tin nói rằng 60 tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài mong muốn mua nợ xấu Việt Nam. Nếu họ mua được nợ xấu, sẽ có một lượng vốn khổng lồ. Tôi thấy việc này rất có ý nghĩa với chúng ta, vì vậy việc bán nợ cho NĐT nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, việc bán nợ cho NĐT ngoại phải thực hiện theo lộ trình.

Tôi cho rằng việc NĐT ngoại mua ngay nợ xấu của Việt Nam tại thời điểm hiện nay là rất khó. Bởi vì muốn bán nợ cho NĐT ngoại phải kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ liên quan đến đối tượng khách hàng này. Cụ thể, đó là tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng nội, cũng như DN như thế nào; quyền sở hữu bất động sản của NĐT ngoại ra sao; hay việc họ chuyển vốn ra nước ngoài; quy định về chính sách thuế đối với họ như thế nào…

Rất nhiều vấn đề “cần và đủ” kèm theo khi chúng ta bán nợ cho NĐT ngoại mà hiện chúng ta đã có nhưng chưa đồng bộ, đầy đủ. Do vậy, phải rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NĐT ngoại mới có thể đề xuất mua bán nợ, nhất là các khoản nợ của VAMC lại liên quan ở nhiều lĩnh vực. Làm tốt được điều này, bán nợ cho NĐT ngoại mới thành công được.

Thực tế, Việt Nam chưa có tiền lệ bán nợ cho NĐT nước ngoài. Do vậy chúng ta phải nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm các nước từng bán nợ. Thời gian đầu khi các bên chưa thể mua đứt bán đoạn các khoản nợ, VAMC mong muốn NĐT ngoại mua cổ phần DN theo quy định hiện hành cùng với DN hỗ trợ tái cấu trúc.

Vậy thời điểm nào “đầu ra” của nợ xấu sẽ được khơi thông?

Tôi dám chắc không bác sĩ nào khẳng định sẽ giúp bệnh nhân khỏe ngay khi vừa mới vào cấp cứu. Khi bệnh nhân vào bệnh viện rồi thì phải khám bệnh mới tiên lượng bệnh ra làm sao. Hơn nữa, khi đã vào viện trong tình trạng phải cấp cứu thì bệnh đã rất xấu nên phải hồi sức và chuẩn đoán kỹ bệnh đã rồi mới có phác đồ điều trị, để tránh tiêm nhầm thuốc gây phản ứng…

Theo tôi, chúng ta nên đặt vấn đề mục tiêu cuối cùng là XLNX được ở mức tối đa và tôi nhìn nhận rằng, sau 5 năm nợ xấu được xử lý tận gốc. Căn cứ rất đơn giản là, với quy định hiện nay của NHNN, nếu không bán được tài sản của khoản nợ xấu thì TCTD cũng tự xử lý vì đã trích dự phòng rủi ro đủ 100% giá trị tài sản thế chấp. Vấn đề ở đây TCTD phải làm sao duy trì ổn định, xác định mức chia cổ tức hợp lý để không phát sinh thêm nợ xấu mới, ổn định kinh doanh có đủ chi phí trả lương và dành một phần nhỏ lợi tức còn lại tập trung xử lý rủi ro.

Mặt khác như tôi đã nói, trong quá trình XLNX phải thận trọng, nhưng cũng cần có sự sáng tạo và cập nhật thị trường. Ví dụ, khi NĐT nước ngoài mua dự án có thể giúp nhiều DN thoát khỏi nợ xấu, giải phóng tài sản cho các TCTD. Nếu cơ chế mua bán chưa đủ, VAMC có thể tính đến chức năng và quyền hạn của mình làm việc với các cấp ngành, thậm chí cả lên cấp Chính phủ, để làm sao hướng dẫn các NĐT ngoại mua nợ càng sớm càng tốt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Thanh Huyền

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên