MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay BOT, BT giao thông: Ngân hàng “liệu cơm gắp mắm”

24-07-2015 - 10:49 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN ban hành Chỉ thị 05 không phải để ngăn cản cấp tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông mà là cảnh báo để các NH thận trọng hơn, liệu sức mình không nên chạy theo trào lưu.

Vốn NH chỉ là trợ lực

Trong thời gian qua, các NHTM đã đầu tư một nguồn vốn không nhỏ tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông. Dư nợ với các dự án loại này đang có xu hướng gia tăng tại nhiều NH. Theo lãnh đạo vụ, cục chức năng NHNN, riêng trong năm 2014, cam kết cho vay kết cấu hạ tầng là khoảng 115.000 tỷ đồng, trong đó cho vay BOT, BT của các NH là gần 89.000 tỷ đồng. Số liệu được cập nhật mới nhất, tính từ đầu năm đến 31/3/2015, cho vay BOT đã đạt xấp xỉ 81.000 tỷ đồng.

Với nguồn vốn trên, theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống NH góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm những tác động tích cực của hoạt động cho vay dự án giao thông của các NH, đó là thúc đẩy tiến độ thi công tại các dự án bị chậm do thiếu vốn tạm thời, ngân sách chưa kịp cấp.

Một ví dụ điển hình, dự án Quốc lộ 1A nếu không có sự trợ lực vốn kịp thời của hệ thống NH chắc chắn tiến độ sẽ rất chậm, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực và đất nước. Tác dụng tích cực nữa là tính lan tỏa cho vay dự án kết cấu hạ tầng giao thông khá lớn, vì liên quan đến nhiều lĩnh vực xây lắp, vật liệu xây dựng… giúp giải phóng lượng hàng tồn kho cho các DN trong ngành này.

Mặc dù có những tác động nhất định nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn vốn NH chỉ là trợ lực chứ không phải nguồn vốn chủ yếu trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin thêm, các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Những dự án này đều cần rất nhiều vốn, trong khi ngân sách Nhà nước lại không đủ để đầu tư, còn huy động qua thị trường vốn lại hạn chế và bản thân năng lực tài chính của các DN cũng không phải là quá mạnh.

Vì vậy, việc DN vay vốn NHTM đầu tư dự án này không có gì là quá bất thường, nhất là vốn đầu tư cho nền kinh tế ở Việt Nam cũng như một số nước châu Á vẫn chủ yếu dựa vào NH. Tuy nhiên, TS. Thành cũng rất tỏ ra thận trọng: “Sai lầm có thể dẫn tới những rủi ro không hề nhỏ”.

Theo đánh giá của NHNN, tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan. Vì vậy, NHNN ban hành Chỉ thị 05 với những yêu cầu buộc các TCTD phải rất thận trọng khi cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng.

Ngăn chặn kịp thời rủi ro

Theo Phó giám đốc Khối Quản trị rủi ro (VPBank) Đào Gia Hưng, việc ban hành Chỉ thị 05 là hợp lý, đúng thời điểm. Ở giai đoạn này, các NH đang tập trung phát triển cho vay sau một thời gian nền kinh tế khó khăn. Cộng thêm chuyện chỉ số của nền kinh tế đang phục hồi, nếu không cẩn thận sẽ bị quá “nóng”. Chỉ thị 05 như tín hiệu “đèn vàng”, mang tính chất cảnh báo, thận trọng với NH. Theo đó, các NH vẫn cho vay nhưng phải xem xét các dự án mình cho vay có hiệu quả hay không.

Thực tế, các NH sẽ phải đối mặt những rủi ro nào khi cho vay các dự án hạ tầng giao thông? Rủi ro thứ nhất dễ dàng nhận thấy là sai lệch cơ cấu kỳ hạn. Bởi vì, các NHTM chủ yếu là huy động ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, ngoài vốn lớn thì thời hạn cho vay rất dài.

Theo tìm hiểu của phóng viên, qua những hợp đồng cho vay đối với các dự án BOT, BT cho thấy, thời gian vay ngắn nhất là khoảng 15-18 năm và dài nhất là 25-30 năm. Không những vậy, dòng tiền thu được từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất một thời gian, có thể lên tới 5-7 năm chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Nếu không đánh giá, nghiên cứu, giám sát tốt dự án thì các NH có thể gặp rủi ro về thanh khoản.

Vấn đề thứ hai, khu vực DN tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng dựa rất nhiều vào vốn NH. Cho nên, nếu các NH không cân đối tốt mà lại tập trung quá mức vào lĩnh vực cho vay này có thể hạn chế dòng tín dụng của NHTM vào khu vực sản xuất, kinh doanh khác đang rất cần vốn như DNNVV, nông nghiệp nông thôn… Vấn đề thứ ba, nếu dự án triển khai không hiệu quả do năng lực nhà thầu yếu, quản lý vận hành không tốt… NH sẽ có nguy cơ đối mặt với việc nợ xấu gia tăng.

Trước những rủi ro có thể phát sinh trên, theo nhận định của các chuyên gia, việc NHNN ban hành Chỉ thị 05 với những yêu cầu chặt chẽ, khắt khe hơn trong cấp tín dụng đối với lĩnh vực trên là phù hợp. “Bên cạnh giảm thiểu rủi ro chênh lệch kỳ hạn, nắn dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN, về cơ bản những quy định tại Chỉ thị 05 nhằm kiểm soát và cảnh báo rủi ro tín dụng”, TS. Cấn Văn Lực đưa ra đánh giá cụ thể.

Khẳng định BOT, BT hay PPP là một cơ chế cần thiết, nhưng TS. Thành cho rằng, không nên xem nó là một liều thuốc vạn năng để có thể chữa trị căn bệnh thiếu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng hiệu quả, mà vẫn cần phải xem xét một cách thận trọng. Bởi nó có thể thành công, nhưng thất bại cũng có thể xảy ra. Đồng thời, cơ chế đánh giá, giám sát dự án độc lập, có chuyên môn, chất lượng cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các dự án hạ tầng giao thông.

Còn TS. Cấn Văn Lực gợi ý: Ngoài phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn kết hợp công tư theo hình thức PPP, ODA và đặc biệt có thể lưu ý đến nguồn vốn của NH đầu tư nước ngoài.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo vụ, cục chức năng NHNN khẳng định: NHNN ban hành Chỉ thị 05 không phải để ngăn cản cấp tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông mà là cảnh báo để các NH thận trọng hơn, liệu sức mình không nên chạy theo trào lưu.

 

Phó giám đốc Khối Quản trị rủi ro VPBank Đào Gia Hưng:

Phải chọn lọc chủ đầu tư, dự án

Quản trị rủi ro (QTRR) tại các dự án BOT, BT giao thông có nhiều góc độ. Về phía chủ đầu tư, việc trúng thầu dự án, ngay lập tức phải đầu tư tiền của xây dựng đã là vấn đề khó khăn và áp lực, chưa kể thời gian nghiệm thu công trình và chờ ngân sách quyết toán.

Về phía NH, khi cho vay các dự án này có thể phải chịu cả rủi ro từ chủ đầu tư, cộng thêm rủi ro nội tại của mình. Để QTRR tốt, NH phải chọn lọc chủ đầu tư, chọn dự án có khả năng thu hồi vốn tốt và NH có thể giám sát tiến độ dự án đó.

Việc giám sát theo dõi tiến độ trong xây dựng cơ bản không đơn giản. Vì một dự án BOT rất lớn, thường chia làm nhiều gói thầu. Nên khi giải ngân vốn NH phải giám sát chặt theo từng gói. Nếu NH không kiểm soát được dòng tiền, thay vì thanh toán cho gói thầu này tiền lại “chạy” sang gói thầu khác thì sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

Các dự án BOT, BT thời gian cho vay thường rất dài nên khi đồng ý cho vay các NH phải cân đối vốn để có thể đồng hành với chủ đầu tư trong từng đó năm. Chuyện cân đối vốn dài với số lượng lớn như vậy đòi hỏi mỗi NH phải có QTRR riêng.

Thứ nhất, vốn huy động đầu vào phải tương xứng hoặc có hạn mức nhất định theo khẩu vị rủi ro của mỗi NH. Thứ hai, về mặt lãi suất, nếu cho vay quá nhiều với những dự án dài hạn, lãi suất lại không ổn định thì NH cũng sẽ rủi ro. Do đó, để QTRR mỗi NH phải có hạn mức kiểm soát giới hạn tuỳ theo năng lực, cơ sở vốn huy động lớn thì cho vay được nhiều. Ngược lại, NH nào cơ sở vốn yếu thì nên cho vay có chừng mực.

Mặt khác, các dự án BOT có nhiều loại vay. Bên cạnh việc vay dài hạn, chủ đầu tư cũng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn, có khả năng quay vòng vốn nhanh hơn. Ngoài ra, vấn đề về rủi ro tín dụng với các dự án giao thông BOT, BT thấp hơn các công trình khác bởi có sự đảm bảo của vốn Nhà nước. Tuy nhiên, NH cần nhớ rằng rủi ro có thể giảm đi, nhưng nó vẫn cùng chung rủi ro của dự án.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng:

Phụ thuộc khẩu vị rủi ro mỗi NH

Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng chắc chắn hoạt động cho vay lĩnh vực này có rủi ro nên NHNN mới đưa ra cảnh báo. Đối với OCB, chúng tôi chưa tham gia cho vay dự án giao thông do khẩu vị rủi ro chưa phù hợp. Theo kinh nghiệm làm việc trong NH lâu năm, tôi nghĩ rằng đối với cho vay lĩnh vực nào cũng vậy, NH phải đánh giá được rất nhiều vấn đề, ở nhiều chiều cạnh.

Ví dụ đối với dự án hạ tầng giao thông cần phải đánh giá năng lực chủ đầu tư BOT, tính khả thi dự án, đầu vào đầu ra của dòng tiền. Vì thực tế không phải dự án BOT nào cũng tốt và ngược lại dự án nào cũng dở. Và cũng không phải dự án BOT tốt mà chủ đầu tư nào cũng làm được. Đây là bài toán khó đối với các NH. Đặc biệt, đối với NH chưa có nhiều kinh nghiệm về hoạt động cho vay dự án giao thông thì lại càng khó khăn hơn.

Suy cho cùng, đối với nghề làm tín dụng, quan trọng là chỉ cho vay những gì mình biết, còn cái gì không biết rõ tốt nhất nên thận trọng. Nếu cứ chạy theo phong trào rất nguy hiểm. Từ bài học tăng trưởng tín dụng nóng trước đây các NH càng cần phải thận trọng hơn. Do đó, trong trường hợp này, tôi cho rằng, nếu NH có kinh nghiệm, kiến thức và có “đội hình” đủ để đánh giá thẩm định chất lượng dự án hạ tầng giao thông thì mới nên cho vay và ngược lại.

Phó viện trưởng CIEM Võ Trí Thành:

Chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và DN

BOT, BT là những dự án theo hình thức đối tác công tư, cho nên cũng cần phải xem xét chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và DN tham gia dự án. Ví dụ ở giai đoạn đầu dự án, DN chưa thu được tiền, có thể Nhà nước hỗ trợ chi trả hộ. Đấy là một hình thức chia sẻ trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, nhưng cách làm này cũng phải thận trọng.

Nhìn về dài hạn, để giảm sự dựa dẫm của thị trường tài chính vào hệ thống NH, nhất là trong đầu tư dự án hạ tầng giao thông, tôi cho rằng cần phải chú trọng đầu tư phát triển lành mạnh thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu DN. Vì nếu chỉ tập trung huy động qua trái phiếu Chính phủ thì sẽ quay lại câu chuyện muôn thuở.

Thứ nhất, 85-90% khách hàng mua trái phiếu Chính phủ là NH, và nguồn tín dụng cho sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn, hao hụt giống như đẩy mạnh cho vay dự án cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, phát hành trái phiếu nếu làm không khéo còn làm tăng mặt bằng lãi suất, hạn chế quá trình phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực DN tư nhân.

Và thứ ba, phát hành trái phiếu dưới góc độ của Chính phủ thì tác động đến vấn đề nợ công. Nhưng để phát triển thị trường trái phiếu DN rất phức tạp, đòi hỏi thời gian và cơ chế chính sách cụ thể rõ ràng.

 

 

PV

Theo Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên