MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chủ tịch BIDV bị bắt”- Tin đồn và những hệ lụy kinh tế

23-02-2013 - 07:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Đầu mối của tin đồn lần này, theo như một số nhận định cần được bắt đầu từ các trung tâm lưu ký chứng khoán.

Sáng 21/2, tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch BIDV bị bắt đã lan rộng trong giới doanh nhân và cộng đồng xã hội. Dù chưa được kiểm chứng nhưng ngay lập tức, thông tin nhạy cảm này đã tác động mạnh mẽ theo chiều hướng xấu lên các hoạt động tài chính.

Ngay lập tức VN-Index chốt phiên ngày 21/2 giảm 18 điểm xuống 476,75 điểm (-3,66%) trong khi HNX-Index giảm 3,55 điểm xuống 63,45 điểm (-5,3%), mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/8/2012 (thời điểm 2 ngày sau vụ bầu Kiên bị bắt), mức giảm này còn mạnh hơn ngày 2/11/2012 là ngày ông Đặng Văn Thành Sacombank bị Cơ quan điều tra triệu tập.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong khi các chỉ số giảm sâu nhưng lượng mua cổ phiếu giá sàn vẫn ở mức cao. Khối lượng sàn Hà Nội đạt trên 130 triệu cổ phiếu, sàn HoSE trên 120 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 2 sàn vượt 2.600 tỷ đồng. Hiện tượng này dẫn tới một nghi vấn nếu không có kế hoạch kỹ lưỡng, thông tin chính xác và khả năng huy động nguồn tài chính hùng hậu thì liệu có nhà đầu tư nào dám tiếp tục mua vào trong khi cả thị trường đang chao đảo?

Thứ hai, các cổ phiếu bị chất lệnh giá sàn khối lượng lớn là các cổ phiếu có tỷ lệ giao dịch ký quỹ lớn.Giao dịch ký quỹ(Margin Trading) là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp. Nó được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua. Vì vậy, thông thường những nhà đầu tư nào dự đoán giá tăng sẽ thực hiện giao dịch ký quỹ.

Ngay sau có thông tin bị bắt, ông Trần Bắc Hà đã lên tiếng phủ nhận và khẳng định đó là các tin đồn thất thiệ. Ông tuyên bố với báo giới “Buổi sáng thì có tin đồn một quan chức bị bắt, sau đó là giám đốc ngân hàng, rồi một Phó tổng BIDV và cuối cùng đồn đến chính tôi. Đây là thông tin thất thiệt, có thể do một nhóm đầu cơ nào đó tung ra để trục lợi".

Đồng thời ông cũng nhận định rằng, những kẻ tung tin đồn nói trên có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua.

Trước những hệ luỵ kinh tế nặng nề từ tin đồn trên, Tổng cục An ninh II Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh Tài chính tiền tệ đầu tư và một số đơn vị nghiệp vụ khác điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm tung tin bịađặt làm chao đảo thị trường tài chính ngân hàng ngày 21/2. Đầu mối của tin đồn, theo như một số nhận định cần được bắt đầu từ các trung tâm lưu ký chứng khoán.

Việc sử dụng tin đồn thất thiệt để gây thiệt hại cho doanh nghiệp đang có dấu hiệu xuất hiện tương đối nhiều ở Việt Nam. Tiêu biểu là vụ tin đồn trong sữa tươi Mộc Châu có đỉa vào khoảng tháng 9/2012 đã tạo nên nhiều hoang mang trong dân chúng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên tin đồn nhạy cảm và gây thiệt hại kinh tế trên diện rộng như trường hợp này còn tương đối mới mẻ. Do đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ nhằm xử lý triệt để và ngăn chặn tái diễn nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh qua đó đảm bảo ổn định chính trị.

Theo T.Tùng

CAND

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên