MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa có lý do đủ thuyết phục để NHNN cấp nốt “quota” tỷ giá?

17-03-2015 - 20:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Phó chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước cho rằng, dư luận và kể cả một số chuyên gia đang quá tập trung vào việc đồng Euro bị mất giá so với đồng USD ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Tóm tắt:

- Thị trường đang có những đồn đoán NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá vì áp lực đồng USD đang lên giá cao nhất trong vòng 12 năm qua

- Phó chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước cho rằng, dư luận và kể cả một số chuyên gia đang quá tập trung vào việc việc đồng Euro bị mất giá so với đồng USD ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

-Ngân hàng nhà nước vẫn đang im lặng cùng với "room" tăng tỷ giá của năm 2015 còn 1% theo như cam kết


Trong ngày 16/3, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại liên tục “nhảy múa” để đến cuối ngày ghi nhận mức tăng cao nhất lên tới 125 đồng/USD, có ngân hàng đã niêm yết giá ở mức 21.420 - 21.580 đồng/USD – mức tăng giá hiếm thấy trong 2 năm trở lại đây.

Và ngày hôm nay (17/3) mặc dù tỷ giá hạ nhiệt so với ngày hôm qua nhưng vẫn neo trên 21.500 đồng/USD.

Hiện nay đồng USD của Mỹ đang ở mức cao 12 năm so với rổ tiền tệ và Euro giảm sâu và áp lực lên tỷ giá trong nước, chính vì thế cũng dễ hiểu khi thị trường có những đồn đoán rằng NHNN sắp sử dụng nốt 1% “quota” tỷ giá của năm 2015.

Tại sao USD “nổi sóng”?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguyên nhân của đợt biến động tỷ giá lần này là do đồng USD của Mỹ đang ở mức cao 12 năm so với rổ tiền tệ do nền kinh tế tăng trưởng vượt kỳ vọng, cộng với khả năng ngày càng cao là Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách giữa tuần này. USD lên giá đã nhấn chìm giá các hàng hóa, đồng thời khiến cho hàng loạt các ngân hàng trên thế giới phải phá giá đồng nội tệ.

Nhiều chuyên gia cũng đã bày tỏ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh tỷ giá trong chừng mực nào đó để hỗ trợ xuất khẩu.

Tuy nhiên, là một người theo khá sát và lâu năm thị trường ngoại hối Việt Nam - ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng vụ ngoại hối (NHNN) tỏ ra khá ngạc nhiên trước những biến động của tỷ giá trong những ngày gần đây. Ông cho rằng, dư luận và kể cả một số chuyên gia đang quá tập trung vào việc đồng Euro bị mất giá so với đồng USD ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Ông Phước đồng ý rằng đồng đô la Mỹ đang tăng giá mạnh nhưng không có nghĩa tất cả các đồng tiền khác đều bị mất giá trước USD như đồng Euro.

“Nhìn vào diễn biến của đồng USD phải có một cái nhìn dài hạn. Chẳng hạn như 5 năm trở lại đây đồng USD có tăng nhưng nếu so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thì đang mất giá tới 10%, đồng Won của Hàn Quốc là 12%...”

“Nếu chỉ nhìn vào biến động của cặp tỷ giá USD/Euro trên thế giới hiện nay mà phán đoán về khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN là chưa có đủ cơ sở. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay (kể cả xuất khẩu sang châu Âu) tuyệt đại vẫn là sử dụng đồng USD. Trong khi đó, nhìn về bức tranh ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì dự trữ ngoại hối cũng như các nguồn cung ngoại hối khác của nước ta đang khá dồi dào, không hề có dấu hiệu khan hiếm” – Ông Phước nói.

Lựa chọn thời gian điều chỉnh phù hợp

Còn nhớ, lần điều chỉnh tỷ giá trước (1%) diễn ra vào đầu tháng 1/2015 nhiều người đã đánh giá cao sự chủ động đi trước đón đầu của NHNN và không ít doanh nghiệp cũng như ngân hàng đã lên kế hoạch rằng đợt điều chỉnh tiếp theo có thể sẽ diễn ra vào giữa năm nay – tức tháng 6/2015 hoặc muộn nhất sẽ là những tháng cuối năm; bởi lẽ đó sẽ thời điểm nhu cầu USD đột biến phục vụ thanh toán xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhìn những diễn biến gần đây thì phải chăng “sóng ngoại tệ” năm nay đã đến sớm hơn dự định?

Có lẽ câu hỏi được nhiều người mong NHNN trả lời nhất hiện nay sẽ là: Tỷ giá có tiếp tục được NHNN nới thêm hay không? Tỷ lệ nới cụ thể thế nào? Tuy nhiên, đến thời điểm này ngân hàng nhà nước vẫn chọn giải pháp im lặng.

Và để tự có được câu trả lời một cách chính xác nhất hẳn đã có không ít người sẽ phải quay ngược trở lại những lần trước kia (những lần được hỏi về khả năng có tiếp tục nới biên độ tỷ giá hay không?) để tự tìm được câu trả lời cho mình: Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ được NHNN cân nhắc, quyết định trên cơ sở diễn biến cung cầu thị trường ngoại tệ, các yếu tố vĩ mô, lạm phát và mục tiêu điều hành CSTT trong từng thời kỳ chứ không theo quy luật thời gian.

Việc NHNN có tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong năm 2015 hay không và nếu có thì điều chỉnh với liều lượng nào, vào thời gian nào cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở các yếu tố trên, phù hợp với diễn biến thị trường trong năm.

>>>Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên