MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ cấu lại nợ: Ranh giới giữa “bình thường” và “không bình thường”

26-05-2012 - 20:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơ cấu lại nợ bao gồm thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…, thực chất chính là một dạng đảo nợ.


Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại nợ để tạo điều kiện cho DN vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là quyết định đúng, cơ cấu lại nợ cũng đã có tiền lệ, nhưng ranh giới giữa đảo nợ để che giấu nợ xấu với đảo nợ để sản xuất rất khó phân biệt.

Quyết định đúng

Ngày 10/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong đó nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Những tháng đầu năm 2012, khó khăn của DN do ảnh hưởng của lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2011 bắt đầu lộ rõ. Chưa có thời điểm nào mà con số DN phải tạm ngừng hoạt động, thua lỗ và có nguy cơ phá sản lại nhiều như hiện nay. Không chỉ các DN bất động sản rơi vào khủng hoảng, mà một loạt DN trong các lĩnh vực kinh doanh khác cũng suy thoái.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, năm 2011 có hơn 53.000 DN và 4 tháng đầu năm nay có 17.700 DN giải thể và ngừng hoạt động. Hai con số này cộng lại chiếm hơn 40% tổng số DN giải thể và ngừng hoạt động từ trước đến nay. Như vậy, tính đến ngày 30/4/2012, trong tổng số hơn 647.600 DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 DN đang hoạt động, chiếm 71,6%; có trên 81.900 DN đã giải thể, trên 16.000 DN đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85.800 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

“Nếu cứ đà này, trung bình một tháng sẽ có từ 4.000 - 4.500 DN giải thể, thì chắc chắn năm nay, con số sẽ xấp xỉ năm ngoái, dự báo khoảng 50.000 DN sẽ giải thể, ngừng hoạt động. Điều này nói lên mức độ khó khăn của DN hiện nay”, ông Sinh nói.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường nhằm cứu các DN trong thời khốn khó. Nghị quyết 13 được nhìn nhận là luồng gió mới thổi vào từng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trên khắp cả nước.

Đã có tiền lệ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 của Việt Nam không đề cập đến vấn đề cơ cấu lại nợ. Chỉ có các văn bản dưới luật không cho phép cơ cấu lại nợ nếu mục đích của việc cơ cấu lại nợ là để lấy nợ mới trả nợ cũ và do đó làm mất đi dấu vết của nợ xấu, nhưng có thể được giải thích là không ngăn cấm việc cơ cấu lại nợ nếu có những lý do chính đáng.

Tại Mỹ, luật pháp không cấm đảo nợ, tái cơ cấu nợ, gia hạn nợ..., nhưng khoản vay mới phải được thực hiện trong khuôn khổ chính đáng. Rất nhiều trường hợp cơ cấu lại nợ ở Mỹ, chẳng hạn có nợ cũ lãi suất 10%, DN xin vay một khoản nợ mới với số tiền tương tự để trả nợ cũ, nhưng lãi suất nợ mới giảm xuống 7% và kỳ hạn trả nợ được thay đổi để thích hợp hơn với điều kiện tài chính mới của DN, cùng với điều kiện thế chấp và những điều kiện vay dễ dàng hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cơ cấu lại nợ bao gồm thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…, thực chất chính là một dạng đảo nợ. Trên thực tế, việc đảo nợ sẽ phân biệt theo 2 cách: đảo nợ theo nghĩa che giấu nợ xấu, DN không thể trả nợ vay nhưng ngân hàng vẫn kéo dài khoản nợ để làm đẹp sổ sách, thì sẽ phải cấm; còn đảo nợ theo nghĩa về sản xuất - kinh doanh như DN bị khó khăn tạm thời, không trả được nợ thì ngân hàng sẽ kéo dài nợ. Đó cũng là bản chất của ngành ngân hàng, sinh ra là để đảo nợ, DN hết vay món này lại trả món kia và vòng quay như vậy luôn xoay, chứ không bao giờ dứt điểm.

Theo thông lệ quốc tế, việc các ngân hàng áp dụng tái cơ cấu vay nợ của khách hàng là hoạt động rất bình thường. Câu hỏi quan trọng nhất ở đây, theo ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC, là việc tái cơ cấu này có giúp khách hàng trả được nợ trong tương lai hay không? Ví dụ, khách hàng đang nợ 1 tỷ đồng, một số trường hợp không những ngân hàng gia hạn khoản nợ, mà còn cho vay thêm, để khách hàng có thể hoàn thành xong dự án, có thể trả được tiền. Hoặc ngân hàng chỉ đòi 500 triệu đồng, 500 triệu đồng còn lại giãn ra.

“Hoạt động của ngân hàng dựa trên quan điểm bằng mọi cách hỗ trợ khách hàng để khách hàng hoặc tháo gỡ khó khăn, hoặc tốt hơn nữa là kinh doanh hiệu quả, từ đó lợi cho chính ngân hàng, ngân hàng có thể thu hồi tiền, bên cạnh đó củng cố quan hệ với khách hàng. Do vậy, việc giúp khách hàng mà đảm bảo ngân hàng có khả năng thu hồi toàn bộ số nợ hay một phần nợ thì nên làm. Đó là việc rất bình thường”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhưng cần thận trọng

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hiện ngân hàng ông đang dư khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng không dám cho vay. Mặt khác, rất nhiều DN hiện nay cũng không dám vay, bởi hàng tồn kho còn quá nhiều, sản xuất tiếp sợ không ai mua. Giám đốc một DN sản xuất - kinh doanh bao bì ở Đồng Nai chia sẻ, DN ông từ tháng 4 trở lại đây tồn kho 100%, dù đã giảm 60% công suất, nên mọi hoạt động sản xuất đang phải tạm dừng và chờ đợi.

“Hiện tại, chẳng ngân hàng nào dám huy động với lãi suất cao, vì không muốn tiếp tục ôm đống tiền vào mà biết chắc khó có thể làm gì để có lợi nhuận phù hợp. Đối với các DN đi vay thời điểm hiện tại, không ít trong số đó chắc chắn chỉ là để cơ cấu lại nợ”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhận định.

“Theo Nghị quyết 13, không phải DN nào cũng được cơ cấu lại nợ. Do vậy, quan trọng là việc ngân hàng làm có nhằm mục đích cuối cùng để khách hàng trả được nợ cho mình hay không? Bản thân hành động đó không hề sai, nhưng nếu lạm dụng theo kiểu muốn giấu nợ xấu sẽ thành sai”, ông Hải nói.

TS. Hiếu nhấn mạnh, ngân hàng khi tái cơ cấu nợ phải chứng minh được khách hàng đó có khả năng, chứ không phải dùng để làm mập mờ sổ sách, không phải xào nấu số liệu để món nợ trở nên “đẹp” hơn. Chuyện này đưa đến rủi ro có rất nhiều khoản nợ đáng lý ra đã quá hạn phải chuyển xuống nhóm nợ xấu, thì cách giãn nợ và đảo nợ làm cho các món nợ đó trở thành nợ tốt, chất lượng các món nợ được giữ tốt một cách giả tạo. Nhưng vấn đề đằng sau quan trọng hơn là nếu nợ xấu cứ tụt từ 3 xuống 4, xuống 5, rủi ro tín dụng tăng lên đồng nghĩa với việc buộc ngân hàng phải đẩy chi phí dự phòng rủi ro tăng tương ứng.

“Nếu ngân hàng giữ nợ xấu ở nhóm 2, đặc biệt nếu giữ được ở nhóm 1 thì chi phí dự phòng rủi ro rất thấp, chỉ 0,75%, nghĩa là ngân hàng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Đó là một động cơ có khả năng dẫn đến tình trạng lạm dụng Nghị quyết 13”, TS. Hiếu nói.

Luật sư Đức nêu quan điểm: “Thực tế cho thấy, ranh giới giữa đảo nợ để che giấu nợ xấu với đảo nợ để sản xuất rất khó phân biệt và đặc biệt còn phụ thuộc vào đạo đức, quan điểm... của từng ngân hàng”.

“Tuy nhiên, đừng nhầm tưởng để có con số nợ xấu đẹp thì các ngân hàng cũng yên tâm hơn, thị trường nhìn vào thấy tin tưởng hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng dễ điều khiển hệ thống hơn..., vì bản chất của nền kinh tế, bản chất của vấn đề sẽ lại nguy hiểm hơn. Ngân hàng cũng là DN, hai bên luôn phải dựa vào nhau, quan hệ mật thiết, sống còn với nhau. Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”, một chuyên gia kinh tế nói.

Theo Hồng Dung
ĐTCK

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên