MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội thương thảo lãi suất

19-03-2015 - 08:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Kinh tế dần khởi sắc hơn khiến các tổ chứctín dụng nỗ lực nhập cuộc khơi thông dòng vốn với tốc độ nhanh hơn, hầu bao rộng mở hơn ngay từ khi ra Tết. Tuy nhiên, DN vẫn chưa lập tức vội vã đón nhận dòng vốn này…

Sau dịp Tết nguyên đán và nhìn chung trong khoảng 2 tháng đầu của quý I, các ngân hàng thường khá tập trung vào các chương trình huy động, nhằm tận dụng thu hút nguồn vốn nhàn rỗi đầu năm.

Lãi chênh lệch huy động trừ cho vay vẫn cao

Thống kê lãi suất cho vay trên thị trường vào tuần đầu tháng 1/2015, NHNN cho biết: “Lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục ổn định. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn. Về lãi suất cho vay USD, vẫn phổ biến ở mức 3-7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-6%/năm, cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,5-7%/năm.

Đầu tháng 3/2015, các ngân hàng đã có một đợt điều chỉnh giảm mạnh và kéo mức lãi suất huy động kì hạn ngắn xuống mức kỉ lục chỉ còn 4%/ năm (ở Agribank và Vietcombank), và phổ biến ở mức 4,5-5%/năm. Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay chưa được NHNN công bố tình hình hoạt động theo tuần của hệ thống ngân hàng kể từ sau dịp Tết, nhưng ghi nhận trên thực tế toàn hệ thống gần như vẫn chưa có điều chỉnh lãi suất cho vay so với mặt bằng đã thiết lập trước Tết.

Cụ thể, lãi suất cho vay vẫn dao động ở mức 7-11%, tùy khoản vay ngắn, trung hoặc dài hạn. Ở một số chương trình ưu đãi, có một số ngân hàng đã triển khai cho vay ở mức 6% hoặc dưới 7%. Điển hình như BIDV (cho vay DN, hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ với thời gian vay 5 tháng); OCB (ưu đãi 3 tháng đầu với khoản vay 12 tháng), Viet Capital Bank (hạn mức gói vay 1000 tỷ đồng); TPBank (6,99%)... Đặc biệt VIB còn cho vay lãi suất 0,68% kéo dài 30 tháng đối với khoản vay trên 5 năm.

Nhìn chung các gói vay ưu đãi này đều chỉ tập trung ưu đãi khách vay tiền ngắn hạn, hoặc thời gian được hưởng ưu đãi rất ngắn nên cơ bản người vay vẫn lo ngại sẽ bị ngân hàng tính “bù” khoản được ưu đãi vào lãi suất điều chỉnh sau một thời gian vay. Rõ ràng, nếu nhìn đầy đủ thì lo ngại này không phải không có lí do khi phần lớn DN và người vay cá nhân đều vẫn cảm nhận được mức chênh lệch lãi suất giữa huy động trừ cho vay vẫn khá cao, tối thiểu trong biên độ từ 4%. Trong khi đó, một vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ vay lãi suất cao từ 11%, thậm chí tới 12% vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng của toàn hệ thống (khoảng xấp xỉ 30%).

“Không phải chúng tôi không muốn cho DN vay lãi suất thấp. Thà cho DN vay lãi suất nhưng ổn định còn hơn giữ tiền không cho vay được. Nhưng nhiều DN có nhu cầu vốn lại có điểm trừ tín dụng, ngân hàng nếu cho vay tất nhiên phải tính lãi cao để bù trừ rủi ro. Các DN có sức khỏe tốt, hoạt động kinh doanh ổn định thì nhiều DN chưa có nhu cầu tín dụng. Đầu năm thường chưa phải là dịp để DN vay tiền. Thậm chí nhiều DN muốn đầu tư còn chờ phê duyệt kế hoạch tại đại hội cổ đông”, Tổng giám đốc một ngân hàng lí giải.

Vẫn còn dư địa... chót

Với mặt bằng lãi suất huy động mới, TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á cho rằng để hệ thống điều chỉnh giảm được lãi suất cho vay, cần có thời gian. Và thời gian cho độ trễ đó thường mấy khoảng 5 - 6 tháng so với lãi suất huy động, vì khi đó các ngân hàng mới có thể cân đối lại dòng vốn.

Nếu xét độ trễ từ 5-6 tháng kể từ tháng 3, với mặt bằng lãi suất huy động đã được giảm thấp so với lãi suất điều hành, nhiều chuyên gia cho rằng điểm rơi của độ trễ khi các ngân hàng cân đối được dòng vốn, có thể sẽ rơi vào giai đoạn ngân hàng... khó có điều kiện giảm lãi suất thấp hơn.

TS Võ Trí Thành - Phó Viên trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW nhấn mạnh trong câu chuyện lãi suất, yếu tố cần quan tâm vẫn là tỷ giá. “Mặc dù NHNN đã cam kết tỷ giá không điều chỉnh quá 2% nhưng trên thị trường nếu tỷ giá VND/USD quá tăng thì vẫn sẽ có những tác động khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng, cán cân thanh toán, cán cân thương mại tăng và dẫn đến lạm phát tăng. Như vậy để giữ lãi suất thực dương, lãi suất huy động cũng khó giảm và chi phí vốn của ngân hàng khó giảm. Dẫn đến lãi suất cho vay càng khó giảm. Nhưng để hỗ trợ DN thì các nhà điều hành cần có động thái mạnh tay đối với dòng vốn trung và dài hạn, sao cho DN có thể có giá vốn rẻ hơn nữa để có sức cạnh tranh”, ông Thành nói.

Nhận xét về điều hành của NHNN trong những tháng đầu năm, Bộ phận phân tích CTCK Vietcombank cũng cho rằng thực tế với mức trần lãi suất 5,5% hiện tại, NHNN hoàn toàn có dư địa để điều chỉnh giảm thêm 50-100 điểm phần trăm trên cơ sở lạm phát năm 2015 dự báo tiếp tục ở ngưỡng thấp, chỉ tiêu định hướng 5% và VCBS dự báo 3,7%. Trong một báo cáo về Kinh tế VN đầu tháng 3, ngân hàng HSBC cũng nhận định NHNN có thể giảm thêm 0,5% lãi suất OMO (lãi suất trên thị trường mở), đưa lãi suất này về 4,5% và nới lỏng hơn tiền tệ.

Có lẽ, ngoài công cụ giảm trần lãi suất huy động, “dư địa chót” để các ngân hàng có động lực giảm lãi suất vay, sẽ là NHNN giảm lãi suất OMO và nới lỏng tiền tệ. Hy vọng động thái đó nếu có, sẽ tác động nhanh hơn đến cân đối vốn và cho ra vốn giá rẻ ở các ngân hàng, thay cho việc giảm lãi suất trần huy động đơn thuần không còn mấy ý nghĩa về mặt điều hành mà chỉ thiên về việc hợp lý hóa các diễn biến của thị trường tiền tệ.

Trong dự đoán lãi suất NH sẽ chỉ có thể giảm nhẹ với các khoản vay trung và dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng nếu DN có nhu cầu bổ sung vốn lưu động, tài trợ vốn thanh toán hàng xuất nhập khẩu… có thể tận dụng ngay chính thời điểm “mùa trũng” của NH để vay.

Theo đó, DN có cơ hội thương thảo lãi suất phù hợp với khoản vay từ 6 tháng trở lại, được NH “chăm sóc” tốt hơn và chủ động được nguồn vốn được công việc kinh doanh ít nhất tới hết quý III/2015. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đồng EUR đang giảm về ngang với đồng USD và nhiều NH cũng đang tích cực có các chương trình hỗ trợ lãi suất vay ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất ngoại tệ định kì theo tháng, DN cũng có thể tranh thủ vay để chủ động cơ cấu vốn mà vẫn hạn chế được rủi ro về tỷ giá và có thể thực thi đa dạng đồng ngoại tệ cần vay. Ở những TP lớn như HCM, chương trình kết nối ngân hàng – DN với dự kiến giải ngân tới 60.000 tỷ đồng trong năm nay, cũng là một cơ hội để DN có thể tận dụng tiếp cận vốn giá rẻ hơn, thay cho sự chờ đợi về những biến số vĩ mô khó tiên liệu đầy đủ.

 

Ông Hàng Vay Chi - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Chủ tịch Cty CP Việt Hương: DN nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn

Mấy năm nay chúng ta vẫn luôn nói đến chuyện NH như tiệm cầm đồ. Chúng ta gần như chưa có những chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho các DN dạng hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất… nói chung là ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều NH vẫn có gói này, chương trình nọ nhưng có mấy NH chấp nhận cho các DN siêu nhỏ như vậy vay với lãi suất thấp, đầu tư với vốn dài hạn nếu DN không có tài sản lớn thế chấp? Ngay như DN tôi đi vay NH Vietinbank. Một công xưởng có dàn máy nhập khẩu từ Hàn Quốc 80.000 USD thì được NH chấp nhận thế chấp cho vay. Một công xưởng có dàn máy lắp ráp tại VN chỉ 25.000 USD thì NH lắc đầu không nhận thế chấp cho vay. Tư duy như vậy, DN nhỏ, tài sản nhỏ đã khó, sẽ càng khó tiếp cận vốn và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Toại- PTGĐ NH ACB: Lãi suất có thể thiết lập đáy mới

Năm 2014, lãi suất đã về đáy. Nhưng năm nay lãi suất lại cũng có thể thiết lập đáy mời. Vậy mức độ dài và đáy của câu chuyện này đang nằm ở các yếu tố cung và cầu. Và cung – nguồn vốn từ các TCTD, có gặp cầu – người đi vay trên thị trường 1 hay không, còn phụ thuộc vào mục tiêu và chính sách điều hành vĩ mô của cơ quan điều hành, của NHNN. Nếu kinh tế khởi sắc, sức mua tăng, DN sẽ phấn khởi và đi vay nhiều. Ngược lại nếu kinh tế chưa khởi sắc thì DN sẽ không dám vay mạnh, lãi suất huy động lẫn cho vay đều sẽ phải giảm hơn nữa.

Năm 2015, hệ thống ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước. Tin rằng vào thời gian tới, tăng trưởng tín dụng với khách hàng DN sẽ tốt hơn, và lãi suất cho vay cũng sẽ có thể điều chỉnh giảm nhẹ khi tiền đồng đang dồi dào và các ngân hàng không phải cạnh tranh huy động.

 

 

Kích hoạt vốn giá rẻ

Với việc kiên định điều hành theo hướng ổn định lạm phát và dao động tỷ giá ở biên độ 2%, áp lực lãi suất tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2015 đang hiện hữu.Tuy nhiên, các nhà điều hành cũng đang có dư địa để giảm áp lực thậm chí tới 0.

Áp lực lớn nhất với các nhà điều hành và các NHTM nói chung hiện nay, vẫn là làm sao tìm kiếm, giữ chân được người vay chất lượng, khách hàng tốt.

Giữ chân người vay

Trong điều kiện dư thừa thanh khoản và chưa thể bung vốn cho vay ào ạt, nếu như là trước đây các NHTM sẽ tìm kiếm lĩnh vực “trú ẩn” tài sản và giữ được lợi tức đầu tư để cân đối tài sản bằng kênh trái phiếu. Nhưng hiện nay, Thông tư 36 của NHNN đã quy định rõ các TCTD được đầu tư mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% đối với NH Nhà nước, 35% đối với NHTMCP và 15% dành cho chi nhánh NH nước ngoài. Việc đầu tư vào kênh này khi mặt bằng lợi suất tiếp nối đà giảm (trung bình giảm khoảng 220 điểm phần trăm mỗi kì hạn) như năm 2014 sẽ bị hạn chế.

CTCK VCBS dẫn báo cáo tổng kết 8 tháng năm 2014 của KBNN cho thấy, các NHTM nắm giữ tới khoảng 86% tổng lượng TP phát hành mới. Báo cáo tài chính của các NHTM tại thời điểm cuối tháng 9/2014 cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể danh mục TPCP đang nắm giữ với mức tăng từ 12%-191% so với cùng kì. Cũng theo VCBS thì năm 2014, tăng trưởng tín dụng đã có một sự gia tốc đáng kể vào giai đoạn cuối năm. Và động lực cho sự gia tốc kể trên vẫn đến từ các NHTM có yếu tố nhà nước với hoạt động giải ngân lớn đối với các DN và tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa có con số chính thức của cả năm 2014, nhưng căn cứ vào số liệu vào cuối tháng 9, cơ cấu tín dụng cho thấy xu hướng tín dụng ngoại tệ tăng vượt trội so với tín dụng nội tệ. “Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, về cách thống kê hiện tại của NHNN, có ý kiến cho rằng phần đầu tư vào TP chính phủ vẫn được tính vào tổng dư nợ tín dụng. Trong trường hợp đó, theo ước tính của VCBS, trong phần tín dụng tăng thêm của 2014 (khoảng 410.402 tỷ đồng tính đến 19/12/2014), 71% là tín dụng trực tiếp cho nền kinh tế, 29% là phần đầu tư vào TPCP”, VCBS phân tích.

Cơ hội cho DN

Theo quan điểm của chuyên gia, từ tháng 6 trở đi, dự báo kinh tế VN sẽ khởi sắc hơn nữa và lạm phát có thể sẽ nhích tăng. Tin rằng qua tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng đã không còn tăng trưởng âm như bốn tháng vừa rồi. Một tín hiệu cho thấy lạm phát VN cũng có thể điều chỉnh tăng là giá dầu đang có dấu hiệu phục hồi trở lại khiến giá xăng trong nước đã điều chỉnh tăng. Nếu giá xăng tăng thì nhiều nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI cũng sẽ tăng. Chưa kể, vào tháng 6 trở đi, chu kì của các nhóm hàng hóa tính CPI như y tế, giáo dục cũng thường được điều chỉnh, cộng với giá điện cũng đang được EVN tính toán tăng thêm...

Có thể nói là có khá nhiều yếu tố để điểm rơi cân đối được dòng vốn từ điều chỉnh lãi suất huy động đến thời điểm tất toán xong các khoản vay có lãi suất cũ và giảm được chi phí đầu vào thực sự của các NH sẽ rơi vào lúc lạm phát tăng lên hơn so với hiện nay. Trong trường hợp nếu NHNN không nới lỏng tiền tệ mà chỉ giảm trần lãi suất huy động thì chờ đợi các NH “tự giác” giảm lãi vay so với hiện nay là khó, bởi lãi suất huy động đã khó có thể giảm hơn nữa.

Đặt trong các tương quan như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế cần nâng đỡ các DN, tạo điều kiện để DN có năng lực cạnh tranh, cũng như các NH cần được khơi thông dòng vốn để có thể tiếp tục đi vào hoạt động ổn định song song với mục tiêu tái cấu trúc, có thể NHNN sẽ có định hướng điều hành sao cho lãi suất vay trung và dài hạn giảm. Một vài NH lớn quốc doanh vẫn sẽ phải đảm nhiệm vai trò giữ lãi suất vay ở mức thấp (khoảng 8%) cho vay trung và dài hạn. Và chỉ như vậy DN mới có cơ hội đầu tư - kinh doanh.

Nguyễn Lê Ngọc Hoàn

Chuyên gia Tài chính Đầu tư

 

Theo Lê Mỹ

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên