MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá?

07-08-2014 - 14:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Tình trạng phát triển của kinh tế Việt Nam vẫn ngổn ngang và nợ xấu từ khách hàng vẫn dai dẳng chưa kịp xử lý thì chất lượng tín dụng chỉ còn trong chờ mỗi nhân tố thuộc về bản thân ngân hàng.

TS. Châu Đình Linh
TS. Châu Đình Linh
Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM
51 bài viết
  • Đối với đầu tư chứng khoán nói chung và để có hiệu quả, các nhà đầu tư phải phân tích rất khoa học về môi trường đầu tư, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian đầu tư. Tóm lại, đầu tư chứng khoán là hành vi có cân nhắc cao và sự am hiểu.
  • Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm

Các nghiên cứu gần đây về tài chính – ngân hàng đều cho thấy vai trò quan trọng của tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, mà cụ thể hơn là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mỗi năm.

Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp đến các biến số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là GDP, lãi suất và lạm phát. Do đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN), thường đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến phù hợp với mức kỳ vọng của các chỉ số kinh tế vĩ mô hằng năm.

Năm 2014, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12 – 14%, tương đương số lượng nguồn vốn nền kinh tế phải hấp thụ gia tăng là 417.360 – 486.920 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí của NHNN thì 6 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 3,52 %, tương đương với 122.400 tỷ đồng. Và lời khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm ngành Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm sẽ đạt trên 10% .Đến đây, câu hỏi đặt ra, có nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá?

Việt nam luôn nằm trong danh sách các nước dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng GDP và là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả đạt được, tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng từ 40 tỷ USD năm 2003 đến 171 tỷ USD năm 2013 và nền kinh tế đạt mức độ thịnh vượng chưa từng thấy trong 20 năm đổi mới.Tuy nhiên,sự hào nhoáng nhất thời của GDP đã làm các chính sách bỏ qua cơ cấu GDP lẫn chất lượng GDP.

Tăng trưởng GDP thường dựa vào đóng góp của ba nhân tố: vốn, lao động và TFP (Năng suất các yếu tố tổng hợp – Total Factor Productivity phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức – kinh nghiệm – kỹ năng lao động, chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý…); trong đó, Việt nam phụ thuộc hoàn toàn vào vốn (hơn 80%) và lao động (chủ yếu tập trung lao động giá rẻ) để tạo ra tăng trưởng.

Một điều đáng tiếc là sự làm ngơ gia tăng yếu tố TFP – một nhân tố quyết định sự phát triển bền vững dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao (duy trì ở mức 0 sau năm 2007). Chính điều này, để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng GDP đòi hỏi gánh nặng của tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Do đó, cả hệ thống ngân hàng phải quyết tâm hoàn thành tỷ lệ ở mức phù hợp. Nhưng để tránh sự bất ổn sau này, thì không nhất thiết phải tăng trưởng bằng mọi giá và cần xem xét lại chất lượng tăng trưởng tín dụng lẫn địa chỉ dòng vốn đến.

Hình 1 : GDP theo đóng góp của vốn, lao động và TFP


Nguồn : Tổng cục thống kê và NHNN

Bảng 1 : Tăng trưởng tín dụng, GDP và CPI theo năm


Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng tín dụng

Khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất và lạm phát, nhưng cũng gia tăng GDP. Lúc này, người tiêu dùng có thể vay và chi tiêu nhiều hơn; doanh nghiệp có thể gia tăng hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất thông qua vay nợ. Kết quả sự gia tăng của tiêu dùng và đầu tư sẽ tạo nhiều công ăn việc làm và gia tăng lợi tức cho nhiều chủ thể kinh tế.

Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng sẽ làm cú hích tăng giá các công cụ tài chính trên thị trường vốn. Nhưng không phải tăng trưởng bằng mọi giá mà cần xem xét chất lượng tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng tín dụng ngân hàng thường được xem xét ở 3 nhóm nhân tố :

- Thứ nhất, nhóm nhân tố thuộc về bản thân hệ thống ngân hàng. Quy mô về vốn, nhân sự, mạng lưới, thương hiệu…của ngân hàng càng lớn thì khả năng huy động vốn cũng như cho vay càng dễ dàng, Theo đó, chiến lược kinh doanh, chính sách tín dụng và chính sách lãi suất của mỗi ngân hàng cũng là yếu tố đo lường chất lượng tăng trưởng tín dụng hằng năm. Do đó, muốn gia tăng số lượng và chất lượng tín dụng thì nhóm nhân tố này cần đặc biệt quan tâm về hoàn thiện cơ chế quản lý từ NHNN.

- Thứ hai, nhóm nhân tố thuộc các khách hàng của ngân hàng. Đây là nhân tố khách quan, phụ thuộc vào mức thu nhập, chi tiêu của người dân cũng như điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chất lượng tín dụng từ nhóm nhân tố này phụ thuộc sự đánh giá tín dụng cặn kẽ từ hệ thống ngân hàng cũng như tình trạng phát triển của nền kinh tế.

- Thứ ba, nhóm nhân tố thuộc về môi trường vĩ mô.Điều kiện phát triển của kinh tế và môi trường pháp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng thương mại. Cụ thể, khi nền kinh tế bất ổn, thu nhập giảm sút và những quy định pháp luật chưa rõ ràng, đồng bộ thì niềm tin của khách hàng vào sự ổn định của đồng nội tệ bị lung lay. Từ đó, nhu cầu gởi tiền và nhu cầu vay vốn cũng sẽ ảnh hưởng theo.

Dòng tín dụng ngân hàng đi đâu?

Thực tế, tình trạng phát triển của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang ngổn ngang và nợ xấu từ khách hàng ngân hàng vẫn dai dẳng chưa kịp xử lý thì chất lượng tín dụng chỉ còn trong chờ mỗi nhân tố thuộc về bản thân ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng phải chọn địa chỉ có hệ số an toàn cao nhất để bơm vốn – đó không phải là khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp mà là Chính phủ, cụ thể là trái phiếu chính phủ. Nếu tiếp tục tăng trưởng bằng mọi giá và không tìm kiếm những địa chỉ bơm vốn hiệu quả khác thì nguồn vốn sẽ lại đổ dồn vào trái phiếu chính phủ, điều này lợi bất cập hại:

- Thứ nhất, dòng vốn không trực tiếp chảy vào sản xuất và tiêu dùng hộ gia đình mà chỉ tập trung ở tiêu dùng của chính phủ sẽ làm GDP trở nên kém cân đối, đồng thời năng lực cạnh tranh trong sản xuất sẽ sụt giảm trong tương lai so với các nước.

- Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn từ trái phiếu chính phủ là điều cần giải quyết khi mà hệ số ICOR ở khu vực này luôn ở mức 2 con số. Điều này cũng tương ứng với con số 90.000 tỷ đồng trong Kho bạc Nhà nước đang loay hoay chờ giải ngân. Nếu tình trạng trên còn kéo dài thì nhà nước sẽ thiệt hại kép và nền kinh tế có thể rơi vào trì trệ.

- Thứ ba, phần lớn nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn (dưới 1 năm) nhưng lại đổ dồn nhiều vào trái phiếu chính phủ với kỳ hạn trung và dài hạn. Do đó, hiện tượng mất cân đối kỳ hạn sẽ là một rủi ro đáng kể nếu ngân hàng không có phương án ứng phó từ bây giờ.

Tăng trưởng tín dụng là mệnh lệnh bắt buộc để kinh tế tăng trường, nhưng không nên tăng trưởng bằng mọi giá. Mà ở đó, phải xem xét đến chất lượng tăng trưởng, cơ cấu tăng trưởng và địa chỉ dòng vốn đến. Nếu tăng trưởng tín dụng được lan tỏa cân đối đến tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân và chi tiêu chính phủ thì cơ cấu GDP sẽ trở nên vững bền hơn.


Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?

Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ


ThS. Châu Đình Linh

Giảng viên trường đại học Ngân hàng TPHCM

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên