MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên tiếp tục "chơi" vàng?

09-02-2016 - 20:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Quanh năm mải miết làm ăn, cuối năm, có chút vốn dành dụm mua vàng “bỏ ống”. Để rồi đầu năm, khi có chút tiền lộc, tiền mừng tuổi lại chọn kênh mua vàng “lấy may” trong ngày Thần tài. Điều này cho thấy vàng đã và vẫn là một kênh tích trữ quá quan trọng của người Việt, bất chấp những giai đoạn “bạc bẽo” của nó.

Trải qua một năm đầy “đau đớn”, liệu giá vàng năm mới có khởi sắc? Có nên tiếp tục tích trữ hay đầu tư vàng để kiếm (tiền) bạc? 

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Nói về thị trường vàng năm 2015, nhiều chuyên gia đã dùng một chữ khá chuẩn là “đau thương”. Mà đúng là đau thương thật, khi mở đầu năm mới, giá vàng đang ở mức 1.194 USD/oz, sau 1 năm biến động với những phiên “tăng dựng ngược” và “ầm ầm lao dốc”, vàng đã liên tục mò đáy 6 năm, đánh mất cả hàng trăm USD, xuống còn 1.065 USD/oz. Thế nhưng, mọi dự đoán về xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại, thậm chí Howie Lee, chuyên gia phân tích đầu tư tại Phillip Futures đã phải lắc đầu ngao ngán cho rằng “bất cứ nơi nào bạn nhìn, ở đó đều không xuất hiện sự hỗ trợ cho kim loại quý”.

Quả thực, mọi thông tin kinh tế trong thời điểm này đều bất lợi đối với vàng, đặc biệt là đồng USD mạnh đã “nhấn chìm” kim loại quý. Thế nhưng, nếu chỉ đổ lỗi cho USD thì có vẻ cũng hơi oan, vì ngay cả trước khi lãi suất USD tăng nhiều tháng, vàng cũng đã tự đánh mất giá trị là “vịnh trú bão” của mình trước các biến động kinh tế và chính trị thế giới. Giá vàng thế giới liên tục điều chỉnh, khiến cho vàng SJC trong nước cũng “quay cuồng” theo.

Tháng 7 là một ví dụ. Trước những bất ổn chính trị của Trung Đông, giá vàng đã có những đợt biến động mạnh nhất trong vòng nhiều năm, như phiên giao dịch ngày 16/7: sau hơn 50 lần điều chỉnh trong ngày, SJC đã đánh mất tới 800 nghìn đồng/lượng, xuống dưới 32 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức điều chỉnh "khủng" này chưa nhằm nhò gì so với ngày 17/7, khi các "nhà vàng" mỏi tay điều chỉnh tới… 80 lần trong ngày - chỉ có điều ngược lại là điều chỉnh tăng. Có những thời điểm, lần điều chỉnh sau chỉ cách lần điều chỉnh trước 1-2 phút.

Với diễn biến này, giá vàng SJC đã hình thành xu hướng chữ V chỉ trong 2 ngày liên tiếp. Song, mức tăng này không giữ được lâu, sang ngày 18/7, giá vàng lại quay đầu giảm. Đây được xem là đợt biến động phức tạp nhất của giá vàng kể từ năm 2014, và hệ lụy của nó là hàng trăm nghìn người “ngậm đắng nuốt cay” khi ôm vàng lúc giá cao, nhưng lại “yếu tim” xả hàng khi giá đang ở mức thấp.

Hay cũng có những giai đoạn, vàng mải miết cắm đầu đi xuống nhiều tuần liền do thông tin Fed nâng lãi suất đồng USD được dự báo gần như chắc chắn. Thời điểm này, mọi giao dịch vàng cũng gần như tê liệt khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng chờ đợi thông tin chính thống. Dù sau động thái điều chỉnh lãi suất được đưa ra, vàng, được cho là, đã hấp thụ các thông tin xấu từ trước đó, nên đã quay đầu tăng nhẹ, nhưng mức tăng yếu ớt và không có lực đẩy nào khiến cho giá trị của vàng đã nhanh chóng đảo chiều.

Cho đến thời điểm khép lại năm 2015, sau một năm giằng co, giá vàng thế giới đã đánh mất 130 USD/oz, khiến giá vàng trong nước cũng đã giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng. Nếu so sánh ngang bằng, thì đà giảm của giá vàng trong nước vẫn “lệch pha” với giá vàng thế giới, vì nếu tính đúng, giá vàng trong nước lúc đóng cửa năm 2015 phải mất tới khoảng 3 triệu đồng/lượng so với lúc mở cửa phiên đầu năm.

Như vậy, sau 1 năm “đánh bạc” với vàng, hầu hết các nhà đầu tư đều phải chịu lỗ nặng, đặc biệt, nếu đem mức lỗ này so sánh với các kênh đầu tư khác thì quá thảm bại.

Đấy mới chỉ là “cắt lỗ” tạm thời, còn nếu quay lại mốc đỉnh của vàng khi lên 49 triệu đồng/lượng cách đây 5 năm thì còn “kinh khủng” hơn nữa. Lúc đó, lãi suất tiết kiệm tiền gửi đang ở ngưỡng 17-18%/năm. Dù sau đó, lãi suất liên tục “hạ dần đều”, và đến nay chỉ còn khoảng 7%/năm (kỳ dài hạn), nhưng nếu tính trung bình cả 5 năm, lãi suất vẫn đạt chừng 10%/năm.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chơi vàng lỗ chủ yếu rơi vào những nhà đầu tư “tay mơ”, đầu tư theo phong trào, hoặc những người ôm vàng dài hạn theo kiểu tích trữ. Còn với những người có khả năng tính toán, đầu tư vàng có chiến lược, thì những cơn sóng vàng chính là cơ hội để kiếm lời. Sóng càng lớn, khả năng kiếm lãi càng cao.

Với lợi thế về giá trị được chia nhỏ, phù hợp với cả người nhiều tiền cũng như người ít tiền, ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của đầu tư vàng là thanh khoản cực cao: tay trái mua, tay phải có thể bán ngay kiếm lời hoặc cắt lỗ mà không hề lo bị "ngâm" vốn, nên vàng rõ ràng vẫn là một kênh đầu tư đầy mạo hiểm nhưng thú vị đối với những người “có gan làm giàu”. Quan trọng là, bạn có đặt tâm sức vào cuộc chơi này hay không, có khả năng phân tích, phán đoán hay không, và dĩ nhiên, thêm một chút may mắn nữa thì thành công vẫn luôn mỉm cười.

2016: vàng có còn là kênh “hốt bạc”?

Vậy, vàng sẽ đi về đâu trong năm 2016? Có nên tiếp tục “chơi vàng”? Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thực sự, cho đến thời điểm này, những người lạc quan nhất về vàng cũng rất khó khăn nếu muốn đưa ra dự đoán giá lên. Vàng hướng tới năm giảm giá thứ ba liên tiếp do lãi suất đồng USD tăng lên lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ qua, thúc đẩy đà tăng giá của đồng bạc xanh và lu mờ vị thế của kim loại quý. Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi vàng tại các quỹ giao dịch vàng hậu thuẫn. Tài sản bằng vàng tại các quỹ ETF đã chạm mức 1464,24 tấn trước khi Fed nâng lãi suất – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.

Cùng dự báo về giá vàng năm 2016, Xinhuanet dẫn ý kiến chuyên gia Jeffrey Currie của Goldman Sachs - người đã từng khuyên các nhà đầu tư bán vàng vào năm 2013 trước khi giá kim loại quý này bắt đầu lao dốc mạnh nhất trong 3 thập kỷ qua - hồi tháng 7 đã dự đoán giá vàng có thể giao dịch dưới 1.000 USD/oz.

"Tôi nghĩ rằng thị trường đang trong xu hướng suy giảm, không chỉ đối với vàng mà rộng hơn là cả thị trường hàng hóa. Việc giá của nhiều loại hàng hóa cơ bản sụt giảm mạnh cộng hưởng với nhau tạo như một vòng xoáy tiêu cực", ông Jeffrey Curriecho biết.

Tuy nhiên, HSBC lại cho rằng, giá vàng cuối cùng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2016 sau nhiều lần phá đáy nhiều năm. Mặc dù vậy, ngân hàng này vẫn cảnh báo, giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn và có thể xoay quanh ngưỡng 1.000 USD/oz trước khi phục hồi.

Nhìn lại sự suy giảm của vàng trong năm 2015 có thể thấy chủ yếu do kim loại quý này đã chịu tác động của khá nhiều yếu tố tiêu cực: Lạm phát thấp do giá dầu giảm sâu, USD tăng giá mạnh nhờ kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất; trong khi nhu cầu vàng vật chất yếu do tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Hầu hết các yếu tố này được dự báo sẽ không biến mất trong năm tới, thậm chí có thể còn mạnh hơn khi mà Fed đã bước vào chu kỳ thắt chặt. Nói cách khác, áp lực giảm giá vàng sẽ còn lớn hơn trong năm 2016.

Thế nhưng, một số nhà phân tích vẫn cho rằng, lịch sử cho thấy vàng đã tăng giá khá mạnh trong phần lớn các đợt thắt chặt tiền tệ của Fed. Lần cuối cùng là giai đoạn từ giữa năm 2004 đến giữa năm 2006, khi giá vàng tăng từ 400 USD/oz lên trên 700 USD/oz, cho dù Fed đã có 17 lần tăng lãi suất liên tiếp. Bởi vậy, đứng từ góc độ ngược lại, theo tính chu kỳ, vàng sẽ có ngày trở lại.

Tuy nhiên, giá vàng trong năm 2016 biến động thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức Fed thắt chặt tiền tệ nhanh hay chậm, nhưng nhìn chung giá vàng có thể phải tiếp tục trải qua một thời gian khó khăn trước khi Fed phát đi tín hiệu chấm dứt hoạt động thắt chặt.

Song, đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, kể cả khi giá xuống, thì cũng là một cơ hội để đầu tư vàng: bán cắt lỗ và tiếp tục tìm cơ hội mua khi giá thấp, “canh” giá lên để bán ăn chênh lệch. Bởi vậy, nếu bạn có tiền, thì vàng vẫn sẽ là một kênh đầu tư đáng được lưu ý.

 

 

Theo Hà An

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên