MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức ngân hàng hết thời tự quyết

30-03-2015 - 12:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Bên cạnh việc mua bán sáp nhập, xử lý nợ xấu thì có lẽ việc chia cổ tức sẽ là một trong những vấn đề “nóng” tại mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng năm nay.

Tóm tắt:

- Năm 2015 – 2016 là giai đoạn cao điểm mà NHNN yêu cầu các NHTM phải minh bạch về báo cáo tài chính mặc dù những năm trước yêu cầu này cũng được đưa ra, chính vì thế việc chia cổ tức của các NHTM phải được NHNN đồng ý mới được áp dụng

- Dự kiến, tỷ lệ cổ tức cao nhất của các ngân hàng được phép chi trả cũng sẽ chỉ dừng ở mức 9%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng sẽ không được phép trả cổ tức cho cổ đông

- Dù muốn thì mùa ĐHCĐ năm nay các cổ đông cũng sẽ không có quyền “mặc cả” cổ tức với các ngân hàng nữa mà việc quyết tỷ lệ cổ tức từ nay sẽ ‘nằm’ trong tay Ngân hàng Nhà nước.


Trước thềm diễn ra ĐHCĐ ngân hàng LienVietPostBank đã khiến không ít nhà đầu tư thắc mắc tại sao chỉ trong vòng 1 năm mà cổ tức của họ lại bị điều chỉnh đến tận 2 lần.

Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua thì năm 2014 LienVietPostBank sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 10%, sau đó kế hoạch này đã được điều chỉnh xuống còn 8%. Và trong tờ trình gửi cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận 2014 mức cổ tức chỉ còn 6%.

Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank thì các cổ đông "hiểu biết", không ai bức xúc khi doanh nghiệp của mình đã cố gắng vượt qua sóng gió của nền kinh tế vẫn đang bề bộn với đầy rẫy sự đổ bể phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp mà vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt đến 6% như LienVietPostBank.

“Trả cổ tức bằng tiền mặt 6% đã là sự cố gắng” – Ông Hưởng nhấn mạnh.

Một trường hợp khác là ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB), mặc dù có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2014 là  11% tuy nhiên lại chỉ được NHNN duyệt mức 9%.

Lý giải về vấn đề này ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết: Trước kia việc chi trả cổ tức sẽ được Ban kiểm soát đưa ra và cổ đông thông qua từ đó sẽ áp dụng. Nhưng hệ thống ngân hàng đang nằm trong quá trình tái cấu trúc nên NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng phát triển theo hướng thận trọng.

“Năm 2015 – 2016 là giai đoạn cao điểm mà NHNN yêu cầu các NHTM phải minh bạch về báo cáo tài chính mặc dù những năm trước yêu cầu này cũng được đưa ra, chính vì thế việc chia cổ tức của các NHTM phải được NHNN đồng ý mới được áp dụng” – Ông Vỹ nói.

Người đứng đầu của VIB khẳng định: "Đây là quyết định của NHNN chúng tôi chỉ là đơn vị chấp hành và thông qua".

Đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo một số ngân hàng TMCP thì được biết, bắt đầu từ năm 2015 việc chi trả cổ tức sẽ không còn theo lối “truyền thống” là do lãnh đạo của ngân hàng đưa ra xin ý kiến cổ đông, nếu các cổ đông thông qua thì việc chi trả sẽ được “automatic” (tự động) thực hiện.

Mà thay vào đó, các ngân hàng sẽ chỉ được đề nghị một mức cổ tức cụ thể lên để NHNN xem xét và NHNN sẽ căn cứ và tình hình sản xuất kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu, quản trị rủi ro… từ đó sẽ cho ý kiến trước khi triển khai.

Dự kiến, tỷ lệ cổ tức cao nhất của các ngân hàng được phép chi trả cũng sẽ chỉ dừng ở mức 9%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng sẽ không được phép trả cổ tức cho cổ đông.

Tóm lại, dù có muốn nhưng mùa ĐHCĐ năm nay các cổ đông cũng sẽ không có quyền “mặc cả” cổ tức với các ngân hàng nữa mà việc quyết tỷ lệ cổ tức từ nay sẽ nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước.

 

Mặc cả cổ tức

Việc mặc cả cổ tức của cổ đông những năm trước có trường hợp thành công nhưng cũng có thất bại.

Còn nhớ tại phiên ĐHCĐ thường niên năm 2013 của ngân hàng TMCP Quân đội – MB, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông để chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 12% nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cổ đông (cổ đông muốn MB trả cổ tức tối thiểu bằng năm 2012 là 15%). Mặc dù cuối cùng, cổ đông nhỏ lẻ đã không “thắng” được các cổ đông lớn và cổ tức vẫn được ấn định là 12% nhưng việc thương lượng này đã khiến cuộc họp kéo dài đến tận 14h chiều ngày hôm đó.

Hay như trường hợp của Nam A Bank, các cổ đông cũng muốn cổ tức cao hơn 7% tại ĐHCĐ cuối tháng 3 năm ngoái, song HĐQT đã chia sẻ những khó khăn và cuối cùng cổ đông cũng chấp thuận. Nhiều ngân hàng quyết không chia cổ tức, cổ đông bức xúc, song cuối cùng vẫn phảm ngậm ngùi ra về.

Nhưng cổ đông của BIDV thì lại may mắn hơn khi ban lãnh đạo đề xuất mức cổ tức chi trả trong năm 2014 là 8,5%, trong đó 2,1% là tiền mặt, 6,4% là cổ phiếu. Song việc mặc cả của cổ đông đã có kết quả và sau đó được điều chỉnh thành tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn 9%.

 

Tùng Lâm - Khánh Nhi

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên