MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư trả lời phỏng vấn về vụ tin đồn ở BIDV

23-02-2013 - 21:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng BIDV là ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại, tầm ảnh hưởng lớn, có thể đối tượng tung tin nhằm gây hoang mang, gây khó khăn cho BIDV.

Tin đồn Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị CQĐT bắt ngày 21/2 làm rúng động dư luận. Sự việc sau đó được Ngân hàng BIDV và Tổng cục An ninh II thông báo trên Đài Truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự tối cùng ngày, tuy nhiên, ngày 22/2, vẫn còn những luồng ý kiến và suy diễn khác nhau.

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (A84) cho biết, thông tin bịa đặt nói trên xuất phát từ một số đối tượng xấu nhằm mục đích trục lợi và phá hoại thị trường tài chính, ngân hàng, hiện Cục A84 đang phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an điều tra, xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt nói trên. 

“Tin đồn này đã làm ảnh hưởng đến Ngân hàng BIDV nói riêng, kết quả giao dịch thị trường chứng khoán và thị trường tài chính, ngân hàng nói chung, phải được làm rõ, xử lý” - Thiếu tướng khẳng định. Ông cũng cho rằng, sau vụ bắt “bầu Kiên”, các đối tượng thường nhằm vào những cá nhân, tổ chức có liên quan để tung tin thất thiệt.

- Ông có bất ngờ khi nhận được thông tin bịa đặt nói trên?

Từ Tết đến nay đã có nhiều thông tin sai lệch liên quan tài chính, ngân hàng, chúng tôi cũng đã chỉ đạo xác minh. Sáng 21/2, trong lúc toàn thể ban lãnh đạo BIDV dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà đang họp triển khai kế hoạch kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì xuất hiện tin đồn. Lúc đầu tin đồn nói là một lãnh đạo Ngân hàng bị bắt, sau đó tin nói rõ là Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà. Qua công tác trinh sát, chúng tôi nhận được thông tin này, sau đó trên mạng cũng rộ lên...

- Theo Thiếu tướng, vì sao lại xuất hiện thông tin trên?

Các đối tượng tung tin bịa đặt có thể nhắm tới nhiều mục đích, trong đó có mục đích trục lợi. Ngoài ra, việc tung tin bịa đặt còn nhằm phá hoại thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Hiện, Bộ Công an, Tổng cục An ninh II đang chỉ đạo điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên để làm rõ, xử lý.

- Nhưng tại sao tin bịa đặt lại nhằm vào BIDV, cụ thể là nhằm vào Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà?

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiện rất sôi động, các ngân hàng thương mại cũng đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu, khắc phục khó khăn. Do đó, việc các đối tượng tung tin bịa đặt có thể nhằm phá hoại hoạt động bình thường của ngân hàng, về tiền tệ và mục đích trục lợi. Ngân hàng BIDV là ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại, tầm ảnh hưởng lớn, có thể đối tượng tung tin nhằm gây hoang mang, gây khó khăn cho BIDV.

Về thị trường chứng khoán, chúng tôi cũng đang phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý bởi tin đồn này cũng đã khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh (hơn 18 điểm - PV), đồng thời tác động xấu tới thị trường vàng, ngoại tệ...

- Việc điều tra, truy tìm thủ phạm tung tin thất thiệt gặp khó khăn gì, thưa Thiếu tướng?

Tung tin truyền miệng là rất khó truy tìm. Nhưng thông tin trên mạng thì có căn cứ truy tìm. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xác minh, làm rõ động cơ, mục đích việc tung tin bịa đặt là gì. Nhiều khi vì chuyện nói đùa của ai đó rồi tung lên, nhưng cũng có nhiều trường hợp tung tin là có chủ ý, động cơ rất rõ ràng...

- BIDV không phải là trường hợp đầu tiên bị tung tin như trên. Để phòng ngừa, ngăn chặn những tình huống tương tự, các ngân hàng cần chủ động thông tin ra sao?

Khi có tin sai lệch trong dư luận, các ngân hàng cần phải có thông tin chính thức, công bố kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng làm rõ. Tin đồn nhằm vào ngân hàng nào thì trước hết, ngân hàng đó phải chủ động thông tin cải chính, thông báo công khai, kịp thời để ổn định tâm lý người dân, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động ngân hàng đó và thị trường tài chính, ngân hàng nói chung.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Người dân cần bình tĩnh trước những thông tin thất thiệt


Tin đồn về việc lãnh đạo ngân hàng bỏ trốn, bị CQĐT khởi tố, bắt giam cũng như tin thất thiệt về thị trường tài chính đã từng xảy ra nhiều lần. Những thông tin thất thiệt như vậy đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng đó cũng như thị trường tài chính, ngân hàng, tiền tệ nói chung.


Ví dụ như, ngày 13/10/2003, bất ngờ xuất hiện tin đồn Tổng Giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) Phạm Văn Thiệt bỏ trốn. Tin đồn làm ACB bị ảnh hưởng nặng nề cũng như cả hệ thống ngân hàng trong ngày sau đó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương nhiệm, ông Lê Đức Thúy khi đó khẳng định đây là thông tin thất thiệt, còn Tổng Giám đốc Phạm Văn Thiệt và Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng xuất hiện tại trụ sở ngân hàng để bác bỏ tin đồn và khẳng định hoạt động của ACB vẫn diễn ra bình thường, toàn bộ tiền gửi của khách hàng đều được ACB mua bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.


Khi rộ lên thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt, thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh nhất (hơn 18 điểm) trong vòng 6 tháng qua. Nhà đầu tư tranh nhau bán ra theo tâm lý vì liên tưởng tới những tác động xấu như vụ bắt bầu Kiên hồi tháng 8. Nhiều biểu hiện lo lắng cũng xuất hiện trên thị trường vàng, ngoại tệ.


Trước tin đồn thất thiệt nói trên, ngày 21/2/2013, Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II có văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, nêu rõ: “Sáng 21/2/2013, trong lúc toàn thể Ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà họp triển khai kế hoạch kinh doanh, triển khai thực hiện Nghị quyết 01,02/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì xuất hiện tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt. Tin đồn này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu BIDV và kết quả giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam.


Theo nhận định của Tổng cục An ninh II, Bộ Công an: đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính ngân hàng. Lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên. Tổng cục An ninh II, Bộ Công an xin thông báo để các cơ quan, nhân dân biết, tránh các tác động tiêu cực đến hoạt động bình thường của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam”.


Ngày 22/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có ý kiến chính thức về diễn biến thị trường ngoại tệ ngày 21/2. Theo cơ quan này, thời gian qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ cân bằng, các nhu cầu hợp pháp, hợp lý được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng mạnh.


Trong ngày 21/2, đã có những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá biến động. Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến cung cầu trên thị trường ngoại tệ và các yếu tố liên quan, NHNN khẳng định tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ.


NHNN đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn, có biện pháp xử lý thích hợp và phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do. Người dân và doanh nghiệp cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có.


Ảnh hưởng nặng nề nhất từ tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt là thị trường chứng khoán- hàn thử biểu của nền kinh tế. Cộng hưởng với tình hình kinh doanh bết bát của các công ty và thông tin giá xăng có thể tăng khiến chứng khoán ngày 21/2 lao dốc mạnh nhất trong 6 tháng qua, khi đóng cửa VN-Index đã giảm hơn 18 điểm, chỉ còn lại 476,73 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất từ sau ngày 23/8 (2 ngày sau vụ bầu Kiên bị bắt) tới nay, sau hơn một tháng thị trường chủ yếu đi lên.


Sang phiên giao dịch sáng 22/2, dù đã có lúc thị trường quay đầu tăng điểm khi đà bán tháo đã không còn diễn ra, nhưng với tâm lý dè dặt của người mua, sự hoài nghi, chốt lời của người bán, đến cuối giờ giao dịch buổi sáng, cả chỉ số hai sàn HOSE và HNX đều quay đầu giảm. Trong khi đó, trên trên thị trường ngoại hối, giá USD tại các ngân hàng đã giảm mạnh xuống dưới 21.000 đồng.


Sáng 22/2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt trong phiên ngày 21/2, kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi.






Theo Đăng Trường - Lệ Thúy
CAND

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên