MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm tính chuyện trích lập chênh lệch tỷ giá

25-12-2009 - 15:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước đã công bố từ ngày 21/12 - 31/12/2009, VND mất giá trên 30% so với đô la Úc và đô la New Zealand; mất giá 5,68% so với USD.

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với một số ngoại tệ áp dụng tính thuế xuất nhập khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 21/12/2009 đến 31/12/2009.

Theo đó ngoại trừ đồng RUB giảm giá so với Việt Nam đồng, còn lại hầu hết các đồng tiền khác đều tăng giá trong năm 2009. Cá biệt, đồng AUD (đô la Úc) tăng 39,54% so với thời điểm cuối năm 2008; tiếp theo là đồng đô la New Zealand tăng 32,54%; các ngoại tệ tăng trên 20% trong năm 2009 là NOK của Nauy, đồng IDR của Indonesia, CAD của Canada...

Riêng với đô la Mỹ (USD), tỷ giá liên ngân hàng tại ngày 25/12/2009 là 17.941 đồng/USD, so với ngày 30/12/2008 là 16.977 đồng/USD, mức tăng 5,68%.


VNĐ mất giá với hầu hết các loại ngoại tệ khác. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Một trong những nguyên tắc hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ là việc quy đổi căn cứ vào tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch là tỷ giá giao dịch thực tế của nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố để ghi sổ kế toán.

Theo Thông tư số 201/2009/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, đối với các công ty kinh doanh ngoại tệ, toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được ghi nhận ngay vào chi phí tài chính, hoặc doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.

Doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Tuy nhiên theo Thông tư này, trường hợp hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của công ty bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để công ty không bị lỗ nhưng mức hạch toán vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số dư ngoại tệ dài hạn phải trả trong năm đó. Số chênh lệch tỷ giá còn lại sẽ được theo dõi và tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm sau nhưng tối đa không quá 5 năm.

Các ngoại tệ tăng giá so với đồng Việt Nam khiến các công ty vay bằng ngoại tệ sẽ phải chịu khoản chi phí tài chính lớn song một số công ty khác có nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ được hưởng lợi vì lợi nhuận được hạch toán bằng Việt Nam đồng.

Cụ thể, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) có khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ của công ty là 34.349 tỷ JPY. Tỷ giá Yên Nhật so với VND đã tăng 15,74 đồng so với cuối năm 2008 khiến công ty sẽ phải trích lập khoản dự phòng chêch lệch tỷ giá là 540,65 tỷ đồng.

Theo báo cáo của PPC, lợi nhuận trước thuế 11 tháng của công ty này đạt 1.193,26 tỷ đồng, như vậy cả năm 2009 PPC hoàn toàn có khả năng đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế khi công ty này công bố sẽ không dừng Tổ máy số 5 để đại tu trong năm 2009 mà chuyển qua năm 2010.

Trong khi đó, CTCP Hà Tiên 1 (HT1) có khoản vay có bảo lãnh của Bộ Tài chính, vay Ngân hàng Société Génerale (Pháp) để tài trợ cho Dự án Xi măng Bình Phước với hạn mức 91,42 triệu EUR và 17,08 triệu USD, thời hạn vay 13 năm.

Theo báo cáo chiến lược tháng 11/2009 ra ngày 02/12/2009 của CTCP Sài Gòn SSI, các cổ phiếu của công ty bị ảnh hưởng bởi tỷ giá trên sàn ngoài HT1 và PPC còn có PVD, BCC, BTS, VSP...Trong đó ước giá trị nợ vay bằng ngoại tệ của của ximăng Bỉm Sơn là 111 triệu euro; ximăng Bút Sơn ước nợ là 70 triệu euro; công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) ước đến cuối năm nợ 230 triệu USD...
 
Các công ty nói trên đều phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá khi EUR và USD tăng giá so với VND. Xem báo cáo của SSI.

Tuy nhiên với những doanh nghiệp có nguồn thu USD trực tiếp như PVD, thì ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng tỷ giá tăng của khoản nợ sẽ được bù đắp bởi tỷ giá tăng của các khoản thu, do đó có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận.
Phương Mai
Theo SBV, SSI, PPC

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên